H&M LẦN ĐẦU TIÊN CÓ NỮ TỔNG GIÁM ĐỐC. NGƯỜI PHỤ NỮ NÀY LÀ AI?

Đây là lần đầu tiên tập đoàn Thụy Điển có một Nữ tổng giám đốc. Và cũng là CEO đầu tiên không phải thành viên của gia đình sáng lập H&M, gia đình Persson.

Ảnh: Butch SE

H&M vừa thay đổi Tổng giám đốc (CEO). Gương mặt mới, Helena Helmersson, sẽ là nữ CEO đầu tiên của thương hiệu Thụy Điển này. Cô thay thế ông Karl-Johan Persson, người sẽ chuyển qua đảm nhiệm vị trí chủ tịch tập đoàn. Sau đây là những điều bạn có thể chưa biết về người phụ nữ này.

1. Kinh nghiệm quản lý lâu năm

Helena Helmersson tốt nghiệp với bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh quốc tế, tại trường Umea School of Business and Economics năm 1997. Đây là một trong những trường đại học có uy tín nhất Thụy Điển.

Cô tham gia làm việc cùng H&M ngay sau khi ra trường. Công việc đầu tiên của cô là quản lý tài chính tại nhóm thu mua của H&M.

2. Cô có nhiều kinh nghiệm đa dạng

Năm 2006, Helena Helmersson chuyển đến Bangladesh, ở vị trí quản lý nhân sự cho văn phòng sản xuất ở Dhaka. Sau đó, cô lại chuyển đến Hồng Kông để quản lý mạng lưới cung cấp sản phẩm nội y cho H&M.

3. Lãnh đạo hướng phát triển bền vững cho H&M

Năm 2010, cô quay về Stockholm và trở thành “sếp tổng” phát triển mảng phát triển bền vững cho H&M. Năm 2013, khi vụ sập nhà máy may tại Bangladesh xảy ra, giết chết 1135 thợ may, Helena đã hướng H&M trở thành một trong những công ty fast fashion đi đầu làn sóng kêu gọi cải thiện môi trường làm việc của các công nhân tại đây. “Thời trang giá rẻ không cần phải nhất thiết đồng nghĩa với môi trường làm việc nguy hiểm”, cô khẳng định.

Tạp chí kinh doanh Thụy Điển Veckans Affaerer từng bầu chọn Helena Helmersson là nữ doanh nhân quyền lực nhất Thụy Điển năm 2014. Ảnh: Veckans Affaerer

4. Con đường đến với vai trò Tổng giám đốc

Có thể thấy Helena Helmersson là một người năng động, dễ tiếp thu công việc và trọng trách mới. Năm 2015, cô một lần nữa rời Thụy Điển để đến làm việc tại Hồng Kông, nơi cô theo dõi hoạt động thu mua toàn cầu của nhóm H&M.

Sau hơn 20 năm làm việc tại H&M, những thành quả của cô được công nhận. Năm 2018, Helena được đề bạt lên vị trí Giám đốc điều hành toàn cầu (Chief Operating Officer). Và chỉ một năm sau, cô được tuyển chọn làm Tổng giám đốc mới.

5. Đây là lần đầu tiên Tổng giám đốc không trực thuộc gia đình Persson

Thương hiệu thời trang nhanh H&M do ông Erling Persson sáng lập năm 1947. Hơn 70 năm từ ngày thành lập, chức vụ Tổng giám đốc luôn thuộc về một thành viên của gia đình Persson. Đầu tiên là con trai Stefan Persson, và sau này là cháu trai Karl-Johan Persson.

Cô Helena Helmersson cạnh ông Karl Johan Persson. Cháu trai nhà sáng lập H&M sẽ chuyển về cương vị chủ tịch tập đoàn thay thế bố mình.

Người cháu trai Karl-Johan Persson bị giới chuyên môn đánh giá là kém nhạy bén với sự thay đổi thị trường. Ông đến với vị trí Tổng giám đốc năm 2009, thời kỳ H&M rất huy hoàng. Lúc ấy, H&M liên tục ra mắt những bộ sưu tập bắt tay với nhiều cái tên lớn như Karl Lagerfeld và Roberto Cavalli.

Tuy nhiên, thời thế mau chóng thay đổi. Việc ra mắt những bộ sưu tập phiên bản giới hạn trở nên thường nhật – ai ai cũng làm điều này. E-commerce ra đời. Việc chậm trễ theo đuổi phương thức bán hàng qua mạng khiến H&M bị những đối thủ vượt mặt về mặt tăng trưởng – có thể kể đến Zara của Inditex, Asos, và Primark. Từ năm 2015, tập đoàn liên tục hụt mục tiêu doanh số được đề ra.

Cuối cùng, đến thời điểm hiện tại, H&M đã lấy lại được phong độ. Quý 4 – 2019 là lần đầu tiên H&M cho thấy sự tăng trưởng trở lại của lợi nhuận ròng. Đây là thời điểm tốt để chuyển giao cương vị Tổng giám đốc. Giới đầu tư có nhiều hy vọng cho Helena Helmersson ở việc phát triển mạnh mẽ cho H&M.

>>> Xem thêm:  KHI FAST FASHION MUỐN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: LIỆU ZARA CÓ THỂ “XANH” 100%?

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm