Video: Bí mật tinh hoa nhà nghề thủ công Métiers d’Art của Chanel

Đằng sau bộ sưu tập ấn tượng của Chanel Métiers d’Art Prefall 2015 là đôi bàn tay tài hoa cùng kỹ thuật thủ công bậc thầy của hàng trăm nghệ nhân

 

Ít có thương hiệu thời trang nào ưu ái và trân trọng các nhà nghề thủ công một cách đặc biệt như Chanel. Khi những nhà nghề thủ công truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một vì sự cạnh tranh khốc liệt của những nhà máy công nghiệp hiện đại thì Chanel lại mở rộng cửa đón chào các nhà nghề Métiers d’Art về chung một mái nhà – Paraffection.

Trong suốt những năm qua, các nhà nghề thủ công đã cùng Chanel chia sẻ tầm nhìn xuất sắc về sự độc đáo, sáng tạo trong thời trang. Những chiếc áo đính sequin, lông đà điểu hay đính cườm lấp lánh mà chúng ta được chiêm ngưỡng trong những mùa mốt của Chanel chính là kết quả của hàng trăm giờ lao động hăng say bởi những đôi tay tài nghệ. Như một cách bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống và tôn vinh tinh hoa của các nhà nghề, Chanel dành riêng bộ sưu tập Prefall Métiers d’Art hàng năm để tôn vinh những tinh hoa nghệ thuật thủ công của những nhà nghề của mình.

Những chi tiết côn trùng đính trên trang phục đều được làm bằng tay rất tinh xảo

Những chi tiết côn trùng đính trên trang phục đều được làm bằng tay rất tinh xảo

Năm nay, khi Karl Lagerfeld công bố với làng thời trang địa điểm diễn ra bộ sưu tập Metiers d’Art Prefall 2015 của Chanel là lâu đài Schloss Leopoldskron từ thế kỷ 18 ở thành phố Salzburg (Áo), nơi mà Coco Chanel cho ra đời . tưởng về chiếc áo khoác đen kinh điển làm say lòng công chúng. Show diễn lần này tôn vinh Little Black Jacket cùng những sáng tạo tinh hoa từ đôi tay của 12 nhà nghề thủ công truyền thống.

 Nhà nghề MAISON MITCHEL: Từ năm 1936, các tay thợ xuất sắc nhất đều tập trung về đây để tạo nên những chiếc mũ đẹp nhất, táo bạo nhất, đẳng cấp nhất.

Nhà nghề MAISON MITCHEL:
Từ năm 1936, các tay thợ xuất sắc nhất đều tập trung về đây để tạo nên những chiếc mũ đẹp nhất, táo bạo nhất, đẳng cấp nhất

Nhà nghề CAUSSE: được thành lập năm 1892 tại Milan, nhà nghề Causse chuyên thiết kế những đôi găng tay xuất sắc đến từ Pháp

Nhà nghề CAUSSE: được thành lập năm 1892 tại Milan, nhà nghề Causse chuyên thiết kế những đôi găng tay xuất sắc đến từ Pháp

Nhà nghề DESRUES: Trong một thế kỷ qua, các nghệ nhân lành nghề của Desrues đã lần lượt biến hóa đồng, bạc, gỗ hay ngọc trai thành những món trang sức và cúc áo độc đáo cho Chanel và nhiều thương hiệu khác

Nhà nghề DESRUES: Trong một thế kỷ qua, các nghệ nhân lành nghề của Desrues đã lần lượt biến hóa đồng, bạc, gỗ hay ngọc trai thành những món trang sức và cúc áo độc đáo cho Chanel và nhiều thương hiệu khác

Nhà nghề MASSARO: Với sứ mệnh tạo ra những đôi giày hoàn hảo, độc nhất nhằm tôn vinh những đôi chân đài các, nhà nghề Massaro đã từng nhận đơn đặt hàng của nữ công tước xứ Windsor, minh tinh huyền thoại Elizabeth Taylor, Barbara Hutton hay Madeline Dietrich và từ năm 1957 là sự hợp tác với Gabrielle Chanel

Nhà nghề MASSARO: Với sứ mệnh tạo ra những đôi giày hoàn hảo, độc nhất nhằm tôn vinh những đôi chân đài các, nhà nghề Massaro đã từng nhận đơn đặt hàng của nữ công tước xứ Windsor, minh tinh huyền thoại Elizabeth Taylor, Barbara Hutton hay Madeline Dietrich và từ năm 1957 là sự hợp tác với Gabrielle Chanel

NHÀ NGHỀ LEMARIÉ

Trở về thời điểm năm 1880, mọi chiếc mũ khi ấy đều được đính lông và trở thành phụ kiện tượng trưng cho sự quyền quý của giới quý tộc. Palmyre Coyette, bà của André Lemarié, đã thành lập một xưởng thủ công chuyên sản xuất “lông vũ dành riêng cho y phục” và studio của bà trở thành bậc thầy về lông vũ hàng đầu nước Pháp. Năm 1946, André Lemarié chính thức gia nhập vào công việc kinh doanh của gia đình. Ông hợp tác với các thương hiệu haute couture như Christian Dior, Cristóbal Balenciaga, Nina Ricci.

BZ-Chanel_Metier-0

Lemarié là nhà thủ công lông vũ duy nhất còn trụ lại sau bao thăng trầm biến đổi. Trước nguy cơ tinh hoa nghệ thuật truyền thống vang danh một thời ấy có thể sẽ chỉ là lịch sử, Chanel đã mua lại nhà nghề Lemarié vào năm 1996 để tiếp tục sứ mệnh phát triển nghệ thuật thủ công. Không chỉ dạn dày kinh nghiệm trong lĩnh vực chế tác lông vũ, đối với Karl Lagerfeld, cái tên Lemarié chính là “Chúa tể của những bông hoa trà”. Bàn tay khéo léo, tinh tế cùng kinh nghiệm đa dạng của André trong thao tác với lông vũ giúp ông tạo nên những kiệt tác hoa trà.

BZ-Chanel-Metier-9

Những họa tiết hoa tỉ mỉ được làm từ 4 loại lông vũ khác nhau: lông đà điểu, lông ngỗng, lông công và lông gà trống cần tới 211 giờ để hoàn thành

Những họa tiết hoa tỉ mỉ được làm từ 4 loại lông vũ khác nhau: lông đà điểu, lông ngỗng, lông công và lông gà trống cần tới 211 giờ để hoàn thành

BZ-Chanel-mertier-9

Những bông hoa trà được Mademoiselle Chanel đặt hàng ra mắt công chúng yêu thời trang vào những năm 1960 nhanh chóng trở thành biểu tượng của Chanel. Sau đó chúng được biến đổi, cải tiến trên nhiều chất liệu vải tweed, lông thú, satin, organdy và nhựa, thậm chí bằng giấy carton. Không thể phủ nhận, Lemarié thống trị lĩnh vực này và không ai có thể làm tốt hơn thế, bởi kỹ thuật, kỹ năng độc đáo và cái chất “biết mình đang làm gì”.

NHÀ NGHỀ LESAGE

Câu chuyện về Lesage bắt đầu vào năm 1858 khi Charles F. Worth đứng ra thành lập cửa hiệu thời trang cao cấp đầu tiên với tài năng thêu thùa của Albert Michonet. Năm 1924, Albert Michonet hợp tác cùng Marie-Louis Lesage tiếp quản cửa hiệu thêu tiếng tăm trong giới couture trước đó, tạo nên sự kết hợp chặt chẽ với những nhà thiết kế lẫy lừng trong giới như Paquin, Poiret, Redfern, Madeleine Vionnet cũng như Elsa Schiaparelli. Năm 1949, sau khi cha mất, Francois Lesage tiếp nhận công việc kinh doanh của gia đình khi mới vừa 20 tuổi. Sau 50 năm trong nghề, ông đã đạt đến trình độ bậc thầy trong lĩnh vực pha trộn, kết hợp kỹ thuật tạo mẫu truyền thống với các nhu cầu sáng tạo đến từ những thương hiệu lớn như Dior, Givenchy, Yves Saint Laurent, Scherrer, Lacroix hay Gaultier.

Để xuất hiện hoàn hảo trên runway mùa thu đông năm nay, chiếc đầm này đã nằm trong xưởng nhà nghề Lesage hơn một tháng để kết hạt

Để xuất hiện hoàn hảo trên runway mùa thu đông năm nay, chiếc đầm này đã nằm trong xưởng nhà nghề Lesage hơn một tháng để kết hạt

Năm 2002, Lesage gia nhập gia đình Chanel, nhưng vẫn giữ vị trí là một nhà thủ công được ưa thích nhất của các thương hiệu nổi tiếng khác. Đối với Chanel, Lesage là một đối tác không thể thiếu và không thể thay thế. Mỗi bộ sưu tập từng mùa, François Lesage nhận được bản phác thảo và ý tưởng từ Karl Lagerfeld , người mà ông rất ngưỡng mộ về tài năng và sức sáng tạo phi thường và từ đó phát triển nên những hoa văn thêu với chuyên môn kỹ thuật không thể so bì của mình.

Đầm kết tay kim sa trắng phủ toàn bộ bề mặt, nhấn chi tiết kim sa đỏ

Đầm kết tay kim sa trắng phủ toàn bộ bề mặt, nhấn chi tiết kim sa đỏ

Đối với mỗi bộ sưu tập thời trang cao cấp, Francois Lesage, đội ngũ thiết kế và thợ thêu tạo ra khoảng 100 mẫu mới, bổ sung vào hồ sơ của 40.000 mẫu được thiết kế từ năm 1958. Mỗi ngày, trước khi đến tầng 5 nơi làm việc, ông thường ghé tầng 4, nơi ngôi trường chuyên đào tạo những nghệ nhân thêu thủ công do chính ông gầy dựng từ năm 1992 đặt làm trụ sở, như một cách nhắc nhở về sứ mệnh duy trì những bí quyết, những tinh hoa nghệ thuật duy nhất và độc nhất trên thế giới.

BZ-Chanel-mertier-11

 BZ-Chanel-mertier-14

François Lesage được Chanel lựa chọn mời hợp tác nhờ kỹ thuật thêu đính tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất

François Lesage được Chanel lựa chọn mời hợp tác nhờ kỹ thuật thêu đính tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất

NHÀ NGHỀ MONTEX 

Sẽ là một thiếu sót lớn khi nói đến mái nhà chung Métiers d’Art mà không nhắc đến nhà nghề Montex, một cái tên danh tiếng khác trong lĩnh vực đan thêu bên cạnh những nhà nghề trứ danh còn lại.

Được thành lập từ năm 1949, Atelier Montex nổi tiếng với nhiều kỹ thuật đan móc Lunéville và phong cách thêu hiện đại cho các thương hiệu Chanel, Yves Saint Laurent, Dior, Valentino, Givenchy, Louis Vuitton và Céline. Sự bắt tay giữa Montex và Chanel là kết quả tất yếu từ mối giao hảo bền lâu và khắng khít giữa nhà xưởng này và Chanel trong những bộ sưu tập Haute Couture và ready-to-wear rực rỡ thừa sức đốn tim các fashionista.

Chiếc áo khoác với chi tiết thêu họa tiết thiên nhiên do nhà nghề Montex thực hiện

Chiếc áo khoác với chi tiết thêu họa tiết thiên nhiên do nhà nghề Montex thực hiện

Bruno Pavlovsky, Chủ tịch của thời trang Chanel từng chia sẻ, “Maison Montex là một nhà thủ công thêu ngoại hạng, một trong những nhà cung cấp uy tín nhất của làng thời trang với tay nghề thủ công bậc thầy và đầy tiếng tăm”.

BZ-Chanel-mertier-17

Còn Karl Lagerfeld thì nói: “Tất cả đều được làm thủ công theo cách nghệ thuật nhất, vì bản thân thủ công đã là một nghệ thuật rồi – nghệ thuật chế tác mọi thứ một cách công phu nhất. Những tác phẩm phải được chiêm ngưỡng cận cảnh, chạm vào để hiểu và cảm nhận hết mức độ tinh xảo và vẻ đẹp tuyệt mỹ của chúng”.

Hoa trà cách điệu thêu tay cùng chi tiết lá cây trên chiếc áo khoác

Hoa trà cách điệu thêu tay cùng chi tiết lá cây trên chiếc áo khoác

Chanel là nhà mốt duy nhất dành hẳn riêng bộ sưu tập Prefall mỗi năm để tôn vinh nghệ thuật thủ công, tiếp nối truyền thống và di sản tinh hoa đã làm nên thương hiệu. Đã hơn 11 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên ra mắt, bộ sưu tập Prefall là sân chơi dành riêng cho Montex, Lesage, Lemarié và các nhà nghề khác thể hiện những tinh hoa nghệ thuật thủ công thực hiện bởi các nghệ nhân lão luyện nhất trong làng thời trang Paris.

Website: www.chanel.com

Bài: Yennie Trần. Ảnh: Chanel. Xem địa chỉ mua sắm ở đây

Theo Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 7/2015

Xem thêm