Tất cả những gì bạn cần biết về đá opal để tránh mua nhầm hàng chất lượng kém

Viên đá bảo mệnh của tháng 10, opal, được giới kim hoàn cao cấp đặt ngang hàng với các loại đá quý như ruby, sapphire trong các thiết kế haute joaillerie

Đá opal trong bộ sưu tập trang sức cao cấp Dior et moi của Dior Haute Joaillerie

Đá opal trong bộ sưu tập trang sức cao cấp Dior et moi của Dior Haute Joaillerie. Ảnh: Dior

Trong giới kim hoàn, bốn viên đá quý hiếm nhất, có giá trị cao nhất, luôn là kim cương, hồng ngọc (ruby), lam ngọc (sapphire) và ngọc lục bảo (emerald). Nhưng, dần dần, có một viên đá khác cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong nhiều thiết kế trang sức cao cấp (haute joaillerie). Đó chính là Opal.

Gần đây nhất, bộ sưu tập trang sức cao cấp Toi & Moi của Dior do Victoire de Castellane thiết kế sử dụng opal như viên đá tâm điểm. Các viên opal có ánh lửa đậm, cực kỳ to bản và quyền uy, vô cùng lộng lẫy.

Nếu bạn là một người yêu đá quý và trang sức, hẳn ánh lửa của opal từng khiến bạn xiêu lòng. Tuy nhiên, đây là một viên đá có thể dễ dàng bị làm giả. Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu thật kỹ về opal để tránh mua phải hàng chất lượng thấp.

Viên đá của thánh thần cổ đại

Vòng cổ Louis Vuitton Haute Joaillerie, bộ sưu tập Conquêtes năm 2017. Tâm điểm là viên topaz nặng 37.07 carat và 17 viên đá opal.

Vòng cổ Louis Vuitton Haute Joaillerie, bộ sưu tập Conquêtes năm 2017. Tâm điểm là viên topaz nặng 37.07 carat và 17 viên opal.

Cái tên opal có gốc Phạn đến từ Ấn Độ: upala, có nghĩa là đá quý. Từ hàng nghìn năm, opal đã là một viên đá thần thánh ở Ấn Độ. Người theo Ấn độ giáo cho rằng viên đá này có thể cân bằng luân xa (chakra). Ở Hy Lạp cổ đại, người ta tin rằng opal có thể giúp đoán trước tương lai và bảo vệ người đeo khỏi dịch bệnh.

Nhiều người tin rằng, do óng ánh nhiều màu nên loại đá này có thể khơi gợi cảm hứng sáng tạo. Từ thời Trung Cổ ở châu Âu, đây là viên đá tượng trưng cho hy vọng, sự tinh khôi và sự thật. Phụ nữ tóc vàng đeo opal với niềm tin viên đá này sẽ bảo vệ màu tóc óng ả cho họ.

Ngày nay, opal được xem là viên đá bảo mệnh của tháng Mười.

Sự hình thành của viên đá opal

Tại những khu vực có đất cằn cỗi, như sa mạc ở Úc, luôn có sự luân chuyển giữa những thời kỳ nắng hạn dài ngày cùng những cơn mưa rào thối đất thối cát. Khi những cơn mưa đổ xuống, nước mưa thấm vào lòng đất mang theo khoáng chất silica. Khi thời kỳ nắng hạn tới, nước bốc hơi, để lại những lớp silica ở dưới lòng đất ngầm. Sau hàng triệu năm, silica đóng cứng lại tạo nên opal.

Do yêu cầu địa chất đặc biệt nên opal chất lượng cao luôn đến từ Úc. Nước Úc cung cấp đến 95% lượng opal bán ra toàn cầu! Ngoài ra, mạch opal còn có ở Brazil, Mexico, Cộng hòa Séc, Nam Phi, và tiểu bang Nevada của Mỹ.

Ánh lửa quyết định chất lượng và giá trị của đá

Bông tai David Morris, Neptune Chandelier, làm từ titan, opal đen của Úc, kim cương, sapphire.

Điều làm nên sự đặc biệt của opal chính là chất lửa của đá. Đây cũng là cách phân biệt giữa opal cao cấp (precious) và opal thấp cấp (common).

Sở dĩ viên ngọc này có lửa vì cấu trúc chứa những hạt silica hình cầu. Chúng xếp lớp, tạo nên những tầng “vảy” gây nhiễu xạ ánh sáng. Từ đó tạo nên chất lửa có bảy màu cầu vồng.

Còn opal thấp cấp thì không có hạt silica tạo cầu vồng. Chúng có thể có những gam màu khác, như trắng sữa, xanh, xám hay nâu. Tất nhiên thì có những loại opal không lửa đủ đẹp để đeo. Chúng chỉ không quý hiếm mà thôi.

Phân loại đá opal

Đối với dòng opal cao cấp, các nhà giám định thường phân loại chúng vào năm nhóm như sau:

OPAL TRẮNG

Màu chúng có thể trong suốt hoặc hơi đục mờ. Ánh lửa mang sắc pastel khi đặt trên nền đá trắng sữa.

Trâm cài áo Chopard làm từ opal trắng nặng 16.64 carat, sapphire và kim cương. Ảnh: Sotheby’s

OPAL ĐEN

Ánh lửa của viên đá này cực rõ khi được đặt trên nền màu thẫm. Tuy gọi là opal đen nhưng thực chất nó có thể ánh đen, xanh đậm hay xám đậm.

Nhẫn Chopard làm từ opal đen, sapphire, lazulite và kim cương. Ảnh: Sotheby’s

OPAL LỬA

Màu nền của loại ngọc này thường có màu nâu, vàng, cam hoặc đỏ. Tuy được gọi là opal lửa nhưng thực chất nó không có ánh lửa rõ nét như opal đen hoặc opal nước. Nếu nó trong suốt, opal lửa có thể bị nhầm lẫn với các loại đá quý khác.

Trâm cài áo hình bươm bướm. Thân và đôi mắt làm từ jadeite, cánh bằng opal lửa. Ảnh: Sotheby’s

BOULDER OPAL

Loại opal này khi hình thành bị lẫn với các khoáng chất khác xung quanh (như đá basalt, đá trầm tích). Boulder opal được ưa chuộng cho các trang sức phong cách bohemian.

Nhẫn Margot McKinley khảm opal boulder và hàng loạt kim cương, sapphire nhí. Ảnh: Neiman Marcus

OPAL NƯỚC

Cái tên tiếng Anh, crystal/water opal miêu tả rất rõ tính chất của loại opal này. Đây là loại opal có độ trong suốt cao. Dù vậy, bền mặt vẫn có ánh lửa cực kỳ rõ khi bạn phản chiếu viên đá dưới ánh nắng.

Vòng tay Mario Bucellati cẩn opal nước. Ảnh: Sotheby’s

OPAL GHÉP (DOUBLET/TRIPLET)

Do kết cấu mỏng dính nên đôi khi đá opal sẽ được gắn vào một nền, để tạo độ dày phù hợp để khảm vòng nhẫn. Dạng opal này được gọi là doublet (mặt đá gắn với một lớp nền) hoặc triplet (mặt đá gắn với một lớp nền, ở mặt trên phủ với một lớp bảo vệ có thể làm từ thủy tinh, nhựa, quartz hay sapphire trong suốt).

Một viên đá opal triplet. Nền đen là đá chalcedony, mặt trên gắn quartz bảo vệ lớp opal mỏng manh. Ảnh: GIA.edu

Một viên triplet. Nền đen là đá chalcedony, mặt trên gắn quartz bảo vệ lớp opal mỏng manh. Ảnh: GIA.edu

Viên đá dễ làm giả

Opal chất lượng cao mức giá không hề mềm. Ví dụ, opal đen có mức giá khoảng 1,500 đô-la Mỹ/carat. Lửa của viên đá càng rõ thì giá trị càng cao. Vì vậy, nếu thấy một món trang sức opal cực rẻ thì có lẽ đây là hàng giả. Viên đá này có thể được mô phỏng bởi nhựa hoặc thủy tinh.

Chăm sóc cho trang sức cẩn opal

Opal là viên đá khá mềm, chỉ đạt 5.5–6 điểm trên thang điểm Mohs. Lý do vì cấu trúc nhiều nước của nó. Viên đá này có hàm lượng nước dao động từ 3 đến 21%. Cũng vì cấu trúc này mà opal là viên đá dễ bị hư hỏng nếu không được bảo quản cẩn thận.

Muốn lau rửa trang sức, bạn chỉ nên dùng khăn mềm và chút nước xà phòng. Không nên dùng các hóa chất mạnh đô hơn. Không ngâm đá vào trong nước xà phòng, vì động tác này có thể làm hư hại loại opal doublet/triplet.

Sau khi lau chùi sản phẩm cẩn thận, bạn hãy cất vào hộp hoặc bao nỉ riêng. Đừng để viên opal lẫn với các trang sức bén nhọn khác, tránh làm trầy viên đá mềm này.

Dây chuyền Hortus Deliciarum với hàng loạt viên đá opal rực rỡ.

Dây chuyền Hortus Deliciarum với hàng loạt viên opal rực rỡ.

Vui vui về đá opal

Vào thế kỷ 18, vị đại văn hào người Scotland, ngài Walter Scott, từng khiến thị trường opal ở châu Âu xuống dốc vì cuốn sách Anne of Geuerstein của mình.

Cuốn sách xuất bản năm 1829 kể về cuộc đời của quý bà Hermione, người bị cáo buộc là một nữ quỷ. Bà mau chóng qua đời khi một giọt nước thánh nhỏ lên viên opal yêu thích của bà và xóa tan hết lửa của viên đá.

Cuốn sách này là best-seller, tác phẩm kinh điển của Sir Walter Scott nên nó thu hút rất nhiều người đọc. Tuy đây chỉ là câu truyện hư cấu nhưng nhiều người thực sự tin rằng opal có thể mang lại vận rủi. Vì vậy, rất nhiều quý nữ châu Âu đã ngừng mua đá opal.

Sau khi cuốn sách này xuất bản chỉ vài tháng, thị trường opal ở châu Âu sụt giảm nghiêm trọng. Giá của viên đá này giảm đến 50%. Đại văn hào này đã một tay xóa sổ cả một thị trường rất tiềm năng của món nữ trang tuyệt đẹp này!

May mắn là 50 năm sau, vào năm 1877, viên opal đen được tìm thấy ở South Wales, Úc. Nhờ tiếng tăm của viên opal đen này mà thị trường opal một lần nữa hồi phục.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm