Lưu ý gì trước khi chọn mua nhẫn Solitaire?

Chiếc nhẫn kim cương cùng lời cầu hôn đã luôn là biểu tượng thiêng liêng của tình yêu

Nhẫn solitaire là gì? Kiểu nhẫn đính hôn của Salim là một thiết kế solitaire kinh điển

Khi Salim đính hôn, nàng fashionista Hà thành vui vẻ khoe chiếc nhẫn đính hôn kiểu solitaire được Hải Long tặng. Thiết kế khoe viên kim cương lấp lánh thật khiến người ta phải ghen tị!

Kiểu nhẫn solitaire của Salim được xem là thiết kế nhẫn đính hôn cổ điển nhất, được ưa chuộng toàn cầu. Đây có phải là mẫu nhẫn đính hôn cho bạn? Hãy cùng tìm hiểu về nhẫn solitaire là gì.

Kim cương Solitaire là thiết kế trang sức gì?

Bông tai solitaire, Golden Gesture

Thực chất, solitaire không chỉ là một kiểu nhẫn. Bất kỳ món trang sức nào chỉ gắn một viên kim cương độc nhất cũng được gọi là solitaire. Các thiết kế kim cương solitaire có thể được áp dụng cho bông tai, nhẫn, dây chuyền, thậm chí là lắc tay.

Solitaire Cartier Destinée

Kiểu nhẫn Solitaire Cartier Destinée của Cartier

Theo định nghĩa truyền thống, trang sức solitaire sẽ chỉ nạm một viên đá độc nhất ở trung tâm, mà không gắn kèm đá quý kiểu pavé xung quanh. Tuy nhiên, ngày nay thì yêu cầu này không còn quá khắt khe. Ví dụ, kiểu nhẫn Solitaire Cartier Destinée (ảnh trên) từ Cartier có hàng loạt viên kim cương pavé nạm xung quanh.

Nhẫn solitaire là gì mà gắn liền với tình yêu?

Trên thế giới, kiểu nhẫn solitaire không chỉ được dùng để cầu hôn, mà còn có thể dùng tặng trong những ngày quan trọng khác như sinh nhật 16 tuổi (sweet sixteen), kỷ niệm đám cưới…

Tuy nhiên thì ý nghĩa đính hôn luôn được gắn kèm với kiểu nhẫn solitaire. Đây là kiểu nhẫn đính hôn thịnh hành nhất trong thế kỷ 20. Tất cả là vì thương hiệu Tiffany & Co và De Beers.

Nhẫn đính hôn solitaire của Tiffany & Co nổi tiếng với kiểu cắt Round Brilliant và thiết kế 6 ngạnh. Các ngạnh hở nâng cao viên kim cương cho phép ánh sáng xuyên qua viên đá từ nhiều góc cạnh để tối đa hóa sự lấp lánh của viên đá.

Năm 1886, Tiffany & Co sáng chế ra kiểu nạm kim cương (diamond setting) mới trên nhẫn. Đó là kiểu nạm sáu ngạnh (6-prong setting), giúp ánh sáng xuyên qua viên kim cương từ nhiều góc cạnh, tăng cường độ sáng lấp lánh cho viên đá – đặc biệt khi được kết hợp với những viên kim cương có giác cắt Round Brilliant. Vì vậy, kiểu nạm kim cương sáu ngạnh còn được gọi là Tiffany setting.

Sau đó, vào thế kỷ 20, thương hiệu kim hoàn De Beers chạy chiến dịch quảng cáo tôn vinh kim cương như viên đá quý đại diện cho tình yêu vĩnh cửu. Từ đó, những chiếc nhẫn solitaire trở thành lựa chọn được yêu thích nhất cho nhẫn đính hôn.

Một kiểu nhẫn solitaire có kim cương nạm chìm của Cartier

Lưu ý gì trước khi chọn lựa nhẫn Solitaire?

Nhẫn đính kim cương nhân tạo với kiểu cắt Round Brilliant, Lightbox

Ngày nay, các hãng kim hoàn có rất nhiều kiểu nhẫn solitaire cho bạn lựa chọn. Có những mẫu được bán với viên đá quý đã được nạm sẵn. Những mẫu khác lại chỉ có khung kim loại quý (vàng, vàng hồng, vàng trắng hoặc bạch kim), cho phép người mua lựa chọn viên đá thích hợp để phối cùng.

Bên cạnh đó, xu hướng nhẫn đính hôn của thế kỷ 21 cũng không bị hạn chế trong chỉ kim cương. Các loại đá quý khác như hồng ngọc, lam ngọc hay morganite cũng rất được ưa chuộng.

Nếu đang có ý định chọn nhẫn solitaire, bạn hãy lưu ý những điểm sau trước khi chọn mua:

Ưu điểm của kiểu nhẫn solitaire là gì?

• Do chỉ nạm độc nhất một viên kim cương hoặc đá quý, kiểu nhẫn này cho phép khoe trọn vẹn độ lấp lánh của viên đá trung tâm. Vì vậy, bạn cần chọn một viên đá hoàn mỹ cho kiểu nhẫn này.

• Bù lại, kiểu nhẫn này hợp với rất nhiều giác cắt đá quý khác nhau, thiên biến vạn hóa.

• Chỉ nạm một viên đá nên mặt kim loại có thể dễ dàng được lau chùi, bảo quản độ sáng bóng.

Nhẫn solitaire nạm kim cương có giác cắt Trillion/Trilliant, Roman Malakov

Khuyết điểm của kiểu nhẫn solitaire là gì?

• Giá thành nhẫn solitaire có thể trở nên đắt đỏ vì viên đá trung tâm yêu cầu sự hoàn mỹ cao, độ carat lớn.

• Các kiểu nhẫn solitaire thường để nhô viên đá lên cao nhằm tăng cường bắt sáng cho trang sức. Viên đá vì vậy sẽ dễ bị ma sát, trầy xước khi bạn đeo nhẫn hàng ngày. Do đó, bạn nên chọn những viên ngọc có độ cứng cao – kim cương, ruby, sapphire – cho kiểu nhẫn solitaire. Không nên chọn những loại đá quý có độ cứng thấp hơn – ví dụ opal, emerald – tránh làm trầy xước viên đá quý.

• Kiểu nhẫn để nhô viên đá ra cũng không dành cho các chị em hơi hậu đậu hay phải làm việc chân tay nhiều, vì dễ bị vướng/mắc vào tóc tai, quần áo dệt kim, làm trầy bề mặt satin của vải lụa…

• Lựa chọn thay thế cho bạn là loại nhẫn có đá cẩn chìm vào trong phần kim loại.

Nếu là tuýp người hậu đậu, bạn nên chọn kiểu nhẫn solitaire dạng chìm. Viên đá không nhô ra nhưng cũng sẽ ít bị hư tổn hơn. Ảnh: Tiffany & Co

Nên chọn kim cương, đá quý sao cho phù hợp?

Các thiết kế nhẫn solitaire sẽ giúp khuếch trương tối đa độ lấp lánh của kim cương. Những kiểu cắt kim cương với nhiều giác cắt sẽ phù hợp nhất với kiểu nhẫn này. Đó là giác cắt tròn (Round Brilliant), công chúa (Princess), tam giác (Trillion/Trilliant), Cushion hoặc Radiant.

Trích dẫn GIA
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm