Những con cháu gia đình tài phiệt Hàn Quốc ngoài đời thật gây cảm hứng cho K-Drama

Từ Secret Garden đến The Heirs và Hạ cánh nơi anh, phim Hàn Quốc luôn mê mẩn chủ đề xoay quanh con cháu các gia đình tài phiệt Hàn Quốc.

Con cháu gia đình tài phiệt Hàn Quốc ngoài đời thật có giống trong phim?

Trong tiếng Hàn, Chaebol là một tập đoàn lớn, được sở hữu và vận hành bởi một gia đình tài phiệt Hàn Quốc. Năm 2018, 31 gia đình tài phiệt Hàn Quốc giàu mạnh nhất, bao gồm LG và Hyundai, chiếm 66% doanh thu đến từ lượng kim ngạch xuất khẩu từ Hàn Quốc.

Với gia thế lừng lẫy như vậy, rất nhiều con cháu của những tập đoàn này nổi tiếng vì cách hành xử vô kỷ cương. Ví dụ như trốn thuế hay trốn nghĩa vụ đi lính của Nam Hàn. Tuy vậy, chaebol vẫn mang lại cảm hứng cho những bộ phim Hàn. Vai diễn của Hyun Bin trong Secret Garden; Park Hae Jin từ Vì sao đưa anh tới; hay Seo Ji Hye trong Hạ cánh nơi anh, đều lấy cảm hứng từ những cô cậu đại gia này.

Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu một số gương mặt sáng giá nhất trong làn sóng trẻ của các gia đình tài phiệt Hàn Quốc.

Tập đoàn LG: Koo Kwang-Mo, chủ tịch và giám đốc điều hành

Thành lập năm 1947, LG là chaebol lớn thứ tư của Hàn Quốc. Tập đoàn này tập trung vào ba ngành hàng: điện tử, hóa chất (trong đó có mỹ phẩm) và sản phẩm truyền thông. Người sáng lập tập đoàn LG là ông Koo In-Hwoi. Đến nay, gia đình Koo vẫn nắm giữ và vận hành tập đoàn LG. Ước tính, giá trị tài sản của gia đình tài phiệt này là 8.7 tỷ đô-la Mỹ.

Hiện tại, lãnh đạo tập đoàn LG là anh Koo Kwang-Mo. Anh là cháu trai của chủ tịch quá cố Koo Bon-Moo, được lựa chọn làm lứa lãnh đạo mới khi con trai của ông Bon-Moo mất năm 1994*.

*Theo truyền thống Hàn Quốc, chỉ có con trai đích tôn mới được thừa hưởng tập đoàn.

Koo Kwang-Moo khiến nhiều người ngỡ ngàng khi trở thành chủ tịch trẻ nhất tại LG. Ảnh: Nikkei Asian Review

Năm 2018, anh trở thành chủ tịch tập đoàn, khi ông Koo Bon-Moo qua đời. Lúc ấy, anh mới 40 tuổi – và cũng là chủ tịch trẻ tuổi nhất của một tập đoàn Hàn Quốc. Kwang-Mo được biết đến là một cấp trên thông minh, có tính cách cởi mở, nhã nhặn. Đôi lúc, anh cũng xuống căng-tin ăn mì ramen cùng các nhân viên.

 

Tập đoàn Hanwha: Kim Dong-Kwan, giám đốc chiến lược

Hanwha có ba nhánh chính: Sản xuất vũ khí, xuất nhập khẩu, và chế tạo máy móc. Thành lập năm 1952, Hanwha là tập đoàn đầu tiên sản xuất thuốc nổ tại Hàn Quốc. Ngày nay, Hanwha chế tạo rất nhiều thiết bị và sản phẩm cho quân đội Hàn Quốc. Năm 2014, Hanwha gia nhập ngành khai thác mỏ quặng khi mua lại công ty Úc LDE.

Hiện tại, tập đoàn Hanwha do tổng giám đốc Kim Seung-Yeon kiểm soát. Ông có ba người con, và cả ba cùng làm việc tại Hanwha. Trong ba người con, con trai trưởng, anh Kim Dong-Kwan, được xem là người có khả năng thay thế bố mình nhất. Anh đang là giám đốc chiến lược (Chief Strategy Officer) của tập đoàn. Đồng thời, anh nắm vị trí quan trọng tại Hanwha Q Cells, đơn vị sản xuất pin điện năng mặt trời.

Kim Dong-Kwan tại World Economic Forum. Ảnh: WEF

Trong số những con cháu gia đình tài phiệt Hàn Quốc, Kim Dong-Kwan là một nhân vật nổi trội. Anh tốt nghiệp từ trường đại học Harvard danh tiếng. Tính tình của anh điềm đạm, khác với bố và hai người em trai nóng nảy. Ngoài ra, anh còn phá vỡ truyền thống cưới hỏi môn đăng hộ đối của các chaebol. Theo báo chí Hàn Quốc, anh đã cưới một người phụ nữ bối cảnh bình thường, một cựu nhân viên Hanwha, sau 10 năm hẹn hò.

 

Tập đoàn Doosan: Park Seo-Won, phó tổng Oricom

Một trong những tập đoàn lâu đời nhất cả Hàn Quốc, Doosan được sáng lập năm 1896. Hiện nay, Doosan là tập đoàn lớn thứ 10 tại Hàn Quốc. Tập đoàn này nổi tiếng về các dự án cơ sở hạ tầng, sản xuất máy móc, điện năng, nước uống cho người dân tại Hàn Quốc. Tập đoàn Doosan cũng sở hữu công ty Oricom chuyên về truyền thông; cùng chuỗi bán lẻ miễn thuế Doota Duty Free.

Gương mặt trẻ tuổi nổi trội tại đây là anh Park Seo-Won, con trai của giám đốc điều hành Doosan, ông Park Yongmann. Anh là một chuyên gia về quảng cáo, phụ trách mảng truyền thông tại tập đoàn.

Phong phạm khác với chuẩn mực con cháu thế gia Hàn Quốc của Park Seo Won. Ảnh: BOF

Sau khi tốt nghiệp trường School of Visual Arts ở New York, mảng thiết kế, Park Seo-Won đã chiến thắng rất nhiều cuộc thi thiết kế quốc tế. Năm 2014, anh cũng sản xuất thương hiệu bao cao su riêng tại Hàn Quốc. Mong muốn của anh là giảm thiểu việc nạo thai ở tuổi teen Hàn vì thiết hiểu biết về tình dục.

Tuy là một con gia đình tài phiệt Hàn Quốc có tính cách độc đáo, nhưng tài năng của Park Seo-Won là không thể bàn cãi. Ban đầu, anh vốn không định tham gia cuộc chiến thừa hưởng tập đoàn nên mới mở công ty riêng. Nhưng từ 2015, Park Seo-Won đã tiến hành tiếp nhận nhiều dự án hơn tại Doosan. Anh được nhiều chuyên gia dự kiến là người có cơ hội trở thành lãnh đạo Doosan trong tương lai.

 

Tập đoàn Hyundai: Chung Kyung-Sun, sáng lập Root Impact

Đại tập đoàn Hyundai thành công trong vô số ngành nghề: sản xuất xe hơi và đóng tàu bè, bất động sản, trung tâm thương mại, v.v. Hyundai là một trong những tập đoàn Nam Hàn thành công nhất trong thời gian ngắn, khi mới ra đời năm 1946.

Vô số những con cháu của ông Chung Ju-Yung, nhà sáng lập Hyundai, đã tham gia làm việc tại tập đoàn. Tuy nhiên, nổi bật nhất trong làn sóng thứ ba của Hyundai là anh Chung Kyung-Sun.

Chung Kyung Sun theo đuổi mô hình kinh doanh vì cộng đồng

Chung Kyung-Sun là điển hình cho một doanh nhân thấu hiểu giới trẻ. Anh tập trung vào những mô hình kinh doanh phi lợi nhuận hoặc có mục đích xã hội. Anh đã sáng lập Root Impact, công ty sở hữu văn phòng cho thuê dạng co-working thịnh hành trong giới startup; đồng thời là trung tâm kết nối các startup với nhà đầu tư. Hiện tại, Chung Kyung-Sun đang quay lại đại học Columbia ở New York để hoàn tất khoá thạc sỹ kinh doanh.

 

Tập đoàn SK: Chey Min-Jeong

Cái tên SK nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng đây là tập đoàn lớn thứ 3 toàn Nam Hàn. Tập đoàn SK gồm hơn 90 công ty con, trải rộng qua các mảng như xây dựng, quảng cáo, Internet, đến sản xuất công nghiệp. SK cũng nắm trong tay dịch vụ điện thoại lớn nhất Hàn Quốc – SK Telecom.

Chey Min-Jeong là con gái thứ nhì của chủ tịch tập đoàn, ông Chey Tae-Won. Cô là một trong những con cháu thế gia được công chúng Hàn Quốc đánh giá cao. Đây là vì năm 2014, cô tự nộp đơn theo học tại trường Hải quân Hàn Quốc*.

*Nữ giới không bị bắt buộc tham gia đi lính như nam giới tại Hàn Quốc.

Chey Min-Jeong (phải) trong quân phục

Ngoài ra, cô còn tham gia hành quân tại biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc nhiều lần. Hành động của cô được báo chí và truyền thông khen ngợi, nhất là vì nhiều con cháu gia đình tài phiệt Hàn Quốc tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Chey Min-Jeong tốt nghiệp đại học Bắc Kinh năm 2014. Hiện tại, cô đang làm việc tại chi nhánh của SK sản xuất chất bán dẫn trong sản phẩm điện tử (semiconductor). Cô cũng là một nhà nghiên cứu bán thời gian tại Center for Strategic and International Studies, một viện cố vấn chính trị nổi tiếng tại Mỹ.

>>> Xem thêm: BÍ QUYẾT ĂN MẶC NHƯ TIỂU THƯ QUÝ TỘC CỦA MỸ NHÂN “HẠ CÁNH NƠI ANH”

 

Tập đoàn Ottogi: Ham Yeon-Ji, diễn viên và ca sỹ

Ottogi là cái tên không xa lạ tại Việt Nam. Một trong những nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất Hàn Quốc, sản phẩm Ottogi đa dạng từ mì ăn liền, các loại tương, đến đồ đông lạnh. Được sáng lập năm 1969, Ottogi là công ty đầu tiên sản xuất cà ri đóng hộp phong cách Hàn.

Cháu gái của nhà sáng lập Ottogi, ông Ham Tae-Ho, là nữ diễn viên Ham Yeon-Ji. Cô gái trẻ này theo học nghề diễn xuất sân khấu tại trường Tisch thuộc đại học NYU danh giá ở New York. Hiện tại, cô nổi tiếng trong giới nghệ thuật nhạc kịch và sân khấu ở Nam Hàn.

Ham Yeon Ji trong poster quảng cáo nhạc kịch mới. Ảnh: Twitter

Ham Yeon-Ji lần đầu tiên xuất hiện năm 2014, với vai diễn Scarlett O’Hara trong nhạc kịch chuyển thể Cuốn theo chiều gió. Những vai diễn được đánh giá cao khác của cô là Fleur de Lys trong Thằng gù nhà thờ Đức Bà; và Maria Magdalena trong Jesus Christ Superstar

Là con gái, lại theo nghiệp diễn xuất, nên Ham Yeon-Ji chắc chắn sẽ không tham dự vào cuộc chiến thừa kế tập đoàn. Tuy nhiên, cô vẫn phụ giúp nhiều dự án tại Ottogi. Ví dụ, cô từng xuất hiện trong phim quảng cáo cà ri Ottogi. Chắc chắn chúng ta sẽ còn thấy Ham Yeon-Ji trong các chiến dịch quảng cáo của Ottogi trong tương lai.

>>> Xem thêm: “CRAZY RICH ASIANS” NGOÀI ĐỜI THẬT: NHỮNG BIỂU TƯỢNG THỜI TRANG CHÂU Á KHUẤY ĐỘNG GIỚI COUTURE PARIS

Theo SCMP
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm