Lịch sử bánh trung thu: Từ chiếc bánh của sự khởi nghĩa đến món ăn đoàn viên

Năm nay, bạn sẽ mua hay tự tay nướng bánh Trung thu để tặng bạn bè, người thân, đồng nghiệp?

Mùa thu đã đến. Nói đến mùa thu ở châu Á thì phải nhắc đến tết Trung thu, ngày lễ lớn nhất của mùa này. Hội Trung thu được chơi ở rất nhiều quốc gia châu Á khác nhau. Mỗi nơi có phong tục tập quán hơi khác nhau một chút. Nhưng tất cả đều có điểm chung là chiếc bánh Trung thu.

Bạn có bao giờ từng tự hỏi, vì sao Trung thu không ăn món nào khác mà lại là chiếc bánh Trung thu? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu về nguồn cội lễ hội và chiếc bánh quen thuộc này.

Lễ hội Trung thu bắt nguồn từ đâu?

Sách sử cho rằng, Trung thu vốn không phải là một lễ hội dân gian. Thực chất nó bắt nguồn từ tập tục cúng trăng rằm của các vị vua cổ đại.

Bắt đầu từ triều đại Tây Chu thời đại Tam quốc chiến (năm 1045–770 trước Công Nguyên), các hoàng đế sẽ mở đàn cúng vào dịp trăng tròn. Họ tin rằng việc cúng tế thần mặt trăng sẽ mang lại một mùa vụ no đủ cho năm sau. Nhưng cái tên Trung thu lúc này chưa phải là một buổi lễ tết.

Người dân thả hoa đăng trong dịp tết Trung thu. Ảnh: Getty Images

Sau đó, dân chúng từ từ học theo nghi lễ này của vua chúa.

Vào thời nhà Đường (năm 618–907 sau Công Nguyên), những bữa tiệc ngắm trăng trở nên thịnh hành. Những thương lái giàu có mở tiệc ca vũ linh đình, đi kèm lối ăn cỗ xa hoa. Dân thường nghèo hơn thì chỉ đơn giản là thắp đàn cúng tại nhà, khấn vái xin nữ thần mặt trăng ban phát cho họ một vụ mùa mới tốt lành.

Qua đến thời Tống (năm 960 – 1279), ngày lễ Trung thu được xác định là sẽ rơi vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm. Từ đấy, Trung thu trở thành một ngày lễ chính thức. Nhưng lúc này thì chiếc bánh Trung thu vẫn chưa được chọn làm món ăn truyền thống của ngày lễ này. Lý do biến bánh Trung thu thành món ăn đặc biệt chỉ đến hơn một trăm năm sau.

Chiếc bánh Trung thu xuất hiện

Chiếc bánh Trung thu hiện đại ngày nay rất khác so với phiên bản đầu tiên. Truyền thuyết cho rằng, chiếc bánh trung thu bắt nguồn từ Văn Trọng, vị Thái sư của Trụ Vương. Tuy Trụ Vương nổi tiếng là hoang dâm vô độ, khiến nhà Thương diệt vong; thì vị Thái sư Văn Trọng lại rất được dân chúng mến mộ. Chiếc bánh Trung thu đầu tiên ra đời để tưởng niệm ông, với tên gọi thân thương là Bánh Thái sư.

Phiên bản đầu tiên của bánh Trung thu chỉ được làm từ bột mì đơn giản. Rồi đến thời nhà Hán, chiếc bánh này được cải thiện dưới bàn tay của nhà ngoại giao Trương Khiên. Ông là người mê thám hiểm, đã góp phần gầy dựng nên con đường Tơ lụa giữa Trung Quốc và nước Tây Vực. Trong những chuyến đi của mình, ông mang về hạt vừng và hồ đào từ các nước Tây Vực. Hai nguyên liệu này được tích hợp vào chiếc bánh Trung thu, tạo hương vị ngọt bùi, đậm đà cho nó.

Dương quý phi của nhà Đường là người đã đặt tên cho chiếc bánh là Nguyệt bánh

Chiếc bánh có vừng và quả óc chó dần trở thành một món ăn phổ biến cho dịp lễ trăng rằm. Thời Trung thu nhà Đường, nhiều tiệm bánh tại thành Trường An sản xuất nó. Tương truyền, hoàng đế Đường Huyền Tông và Dương quý phi cũng phải tìm cách thưởng thức nó. Hương vị của nó khiến ông ngạc nhiên. Thấy vậy, Dương quý phi đề nghị, sao không gọi chiếc bánh là Nguyệt bánh (bánh mặt trăng)? Vì nó cũng tròn trịa tương tự. Từ đấy, cái tên này trở nên phổ biến.

Từ chiếc bánh của sự khởi nghĩa…

Dù được ưa chuộng dịp lễ trăng rằm nhưng bánh Trung thu chỉ trở thành món ăn đại diện cho dịp lễ này vào dịp cuối thời nhà Nguyên (1271–1368).

Cuối thời nhà Nguyên, hoàng triều thối nát, sưu cao thuế nặng. Thêm việc nhà Nguyên vốn do dân Mông Cổ thành lập, nên nó tạo ác cảm trong lòng người dân gốc Hán. Từ đấy hình thành phong trào nông dân khởi nghĩa, do Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn lĩnh xướng. Nhưng làm sao để âm thầm truyền đạt thông tin khởi nghĩa mà không đánh động quan viên triều đình?

Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn quyết định bắt đầu vào lúc trăng sáng nhất trong đêm rằm tháng 8 âm lịch – mùa Trung thu. Còn gì tiện lợi hơn việc dùng chiếc bánh nướng mùa trăng rằm? Lời kêu gọi khởi nghĩa được nhét vào giữa nhân bánh. Chiếc bánh trở thành phương tiện truyền tin bí mật mà hiệu quả.

Chu Nguyên Chương sau này trở thành Minh thái tổ, sáng lập nhà Minh.

Sau khi lật đổ triều Nguyên, Chu Nguyên Chương dùng bánh Trung thu làm quà tặng cho các quan tướng như lời cảm ơn, tưởng nhớ ngày khởi nghĩa thành công. Từ lúc ấy, bánh Trung thu chính thức trở thành món ăn của ngày lễ tết này, và được xem như món quà biếu ý nghĩa.

…trở thành biểu tượng của gia đình đoàn viên

Dưới thời nhà Thanh, một trong những triều đại giàu có và phát đạt nhất của Trung Hoa phong kiến, dịp lễ Trung thu trở thành một ngày lễ gia đình. Các thành viên gia đình sẽ cùng nhau tự tay nướng bánh Trung thu. Lúc này, chiếc bánh chính thức trở thành một biểu tượng của sự ấm cúng, đoàn viên.

Vì được các gia đình tự tay làm, ý thích của mỗi người, cũng như nguyên liệu và khẩu vị địa phương được đưa vào bánh. Điều này đã mang đến những loại bánh có nhân khác nhau, mặn ngọt đầy đủ. Có mẫu chứa đến bốn quả trứng muối, tượng trưng cho bốn pha trong chu kỳ mặt trăng. Có mẫu được khắc chữ hình tượng gửi đến thông điệp hạnh phúc, thịnh vượng. Nhân thì có các loại hạt, đậu, thịt, thậm chí là rong biển, tuỳ vào khu vực.

Bánh nướng Trung thu thường được khắc hình liên quan đến lễ hội như hình trăng rằm, thỏ ngọc…hay những chữ tượng hình mang tính chúc phúc

Bánh Trung thu ngày nay

Chiếc bánh Trung thu từ Trung Quốc du nhập vào nhiều quốc gia châu Á khác. Từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Mã Lai, Việt Nam… mỗi quốc gia lại thêm bản sắc văn hóa dân tộc của mình vào cách tổ chức ngày lễ lẫn chiếc bánh Trung thu.

Ngày nay xuất hiện mẫu bánh có vỏ bằng lớp bột trắng deo dẻo lấy cảm hứng từ bánh mochi Nhật Bản; bánh có nhân sầu riêng và khoai môn ngọt ưa thích của các quốc gia Đông Nam Á; thậm chí có phiên bản phủ socola hay có nhân làm từ kem lạnh rất Tây.

Giới trẻ rất thích mẫu bánh Trung thu làm từ bột mochi dẻo

Dịp Trung thu sắp đến rồi. Năm nay, bạn sẽ chọn bánh Trung thu có hương vị gì?

>>> Xem thêm: WAGASHI, MỘT NỬA KHÔNG THỂ THIẾU CỦA TRÀ ĐẠO NHẬT

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm