Về nhà với mẹ

“Có phải lâu nay mình vẫn chỉ nghĩ về mẹ như một người mẹ mà thôi?” Câu nói trong cuốn tiểu thuyết “Hãy chăm sóc mẹ” của nhà văn Shin Kyung Sook khiến không ít độc giả giật mình. Liệu có phải chúng ta cũng đang coi làm mẹ là “nghề” của mẹ, vì mẹ là mẹ, nên mẹ sẽ luôn ở đó, hi sinh, chờ đợi và không đòi hỏi điều gì?

1. Một người mẹ như bao người mẹ khác trên thế gian

Một người mẹ vô tình bị lạc tại ga tàu điện ngầm khi đang cùng chồng lên thành phố thăm cậu con trai cả. Sự biến mất đột ngột của bà khiến cả gia đình hỗn loạn. Mấy chục năm trời, chồng và những người con luôn coi sự có mặt của bà là một điều hiển nhiên.

Lấy chồng rồi đẻ con, người phụ nữ ấy từ bỏ mọi ước mơ thời con gái. Ngày nào bà cũng tất tả thu vén sao cho đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn luôn có đủ cơm canh. Đến cả khi bế tắc với cuộc sống quẩn quanh và gian bếp bữa no bữa đói; bà cũng không thể chia sẻ, chỉ biết câm lặng một mình quay mặt ra mảnh vườn. Dùng hết sức lực ném vỡ một chiếc nắp chum; bà coi đó như liều thuốc giải thoát tinh thần trong giây lát.

Người mẹ ấy giống như bao người mẹ khác. Dù bận bịu đến mức không có đủ thời gian chỉnh lại cái khăn trùm đầu; nhưng chỉ cần nhìn cảnh các con ngồi quay quần quanh bàn ăn uống say sưa, đũa bát va vào nhau lách cách; lại cảm thấy không cần bất cứ thứ gì trên thế gian này nữa. Một người phụ nữ coi gia đình là cả cuộc sống. Nhưng khi bà đi lạc, những thành viên còn lại không thể tìm được một bức ảnh gia đình nào rõ mặt bà. Bởi cả cuộc đời, bà vẫn luôn chọn lấy vị trí phía sau, im lặng làm điểm tựa vững chắc cho tất cả.

Câu chuyện tiếp tục với hành trình tìm kiếm người mẹ. Đó cũng là khi những người con lần theo dấu vết quá khứ và nhận ra bấy lâu nay, họ đã vô tình coi những yêu thương ấy là tất yếu. Đến nỗi không dám chắc mình có nhớ đúng ngày sinh nhật mẹ hay không. Càng không thể biết những căn bệnh bà đang âm thầm giấu trong người.

2. Ôi yêu thương, hãy yêu thương khi còn có thể!

Đó là lời hát của nhạc sỹ người Hungary – Franz Liszt; cũng là dòng đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết “Hãy chăm sóc mẹ”. Tuy là một câu chuyện trong trang sách, nó lại chẳng phản ánh một điều gì xa lạ trong xã hội ngày nay.

Cuộc sống hiện đại đang kéo dài khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình. Con cái giống như những mầm cây. Càng vươn cao càng rời xa gốc rễ; càng khôn lớn càng có nhiều toan tính bận tâm; những mối quan hệ làm ăn, những lo toan tiền bạc. Khi đó, mẹ cha chỉ là thứ yếu. Người từng là tất cả đối với ta khi thơ bé; nay bị xếp sau bạn bè và công việc; với tần suất gặp mặt không nhiều bằng những chầu bia hay cuộc shopping sau giờ làm. Chỉ bởi chúng ta vẫn luôn tin rằng dù mình có đi đâu, cội rễ của mình vẫn luôn ở đó.

20170208 nguoi me 02

Bận rộn với sự nghiệp, giới trẻ ngày nay thường trò chuyện với bố mẹ qua màn hình máy tính, điện thoại

Liệu chúng ta có đang phó mặc cho công nghệ; để nó xâm nhập cả vào đời sống gia đình và thực hiện thay cả những nghi thức thiêng liêng? Như là khi bạn muốn chúc mừng sinh nhật mẹ nhưng thay vì về nhà sớm với một bó hoa; bạn lại lẳng lặng “share link” một bài hát về mẹ lên facebook và chờ phản ứng từ bạn bè trên mạng. Hay như tôi khi Tết đến xuân về; vì ngại di chuyển một quãng đường xa mà bật facetime lên cho đứa con nhỏ của mình gặp ông bà qua màn hình điện thoại. Để rồi tự nhủ thế cũng giống như là cả gia đình đang đoàn tụ cùng nhau.

Về nhà với mẹ: Cùng LU bày tỏ tình yêu thương

Đã bao lâu rồi bạn không cùng bố mẹ ăn một bữa cơm? Bao lâu rồi không về thăm và nghe mẹ tâm sự chuyện cửa nhà, sức khỏe? Liệu bạn có biết ước mơ thật sự của mẹ là gì? Thứ những người mẹ cần thường chẳng phải điều gì kì vĩ. Giống như bà mẹ kia, điều hạnh phúc nhất suốt cuộc đời vẫn đơn giản là được nhìn thấy những đứa con quây quần bên bàn ăn, bát đũa va vào nhau lách cách.

20170208 nguoi me 03

Đã bao lâu rồi bạn không cùng bố mẹ ăn một bữa cơm?

Hãy về nhà với mẹ và đừng ngần ngại bày tỏ tất cả lòng yêu thương, sự biết ơn của bạn với người phụ nữ ấy ngay hôm nay. Thời gian càng trôi đi, quỹ thời gian của mẹ cha càng ngắn lại. Đừng để đến lúc bạn phải thốt lên những lời hối tiếc như người con gái của bà mẹ đi lạc trong cuốn tiểu thuyết ấy. “Liệu còn thời gian để hiểu mẹ nữa không; để lắng nghe những câu chuyện của mẹ, an ủi ước mơ xưa mẹ đã chôn vùi đâu đó? Không cần một ngày, chỉ cần cho em vài giờ đồng hồ thôi cũng được. Em sẽ nói với mẹ rằng em yêu tất cả những gì mẹ đã làm. Em yêu cuộc sống của mẹ, một cuộc sống mà không còn ai nhớ nữa”.

20170208 nguoi me 04

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm