Chuyện tình nàng Giáng Hương – Mở đường cho giấc mơ nhạc kịch

Khi tấm màn nhung khép lại trong tiếng vỗ tay vang vọng khắp khán phòng, toàn bộ ê-kíp Chuyện tình nàng Giáng Hương biết rằng, giấc mơ nay mới chỉ bắt đầu.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ liên tục với năm màn diễn, Nam Khánh bước xuống sân khấu với nụ cười tươi rói trên môi cùng đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc. Gương mặt anh lấm tấm mồ hôi, xen kẽ trong tiếng thở là những lời từ sâu thẳm trái tim anh: “Còn lâng lâng hạnh phúc quá, vì đã làm được một điều mà mình mong chờ từ lâu lắm rồi!”

Sự đầu tư nghiêm túc

Với mức kinh phí đầu tư gần nửa triệu đô-la Mỹ, vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương ngay từ giai đoạn khởi động đã thu hút được sự chú ý của truyền thông và công chúng. Sự kỳ vọng rất lớn khi đây là một trong những vở nhạc kịch thuần Việt đầu tiên được xây dựng theo phong cách Broadway. Hơn thế nữa, vở nhạc kịch còn quy tụ sự góp mặt của đội ngũ sản xuất chuyên nghiệp với phần âm nhạc do đạo diễn Nguyễn Công Phương Nam đảm nhiệm, cố vấn chuyên môn Huỳnh Thị Hoàng Điệp, sân khấu thuộc về đạo diễn người Pháp Sylvain Merille, nghệ sỹ Hữu Trị phụ trách phần diễn xuất, còn tổng đạo diễn và biên kịch là chị Trần Nguyễn Thiên Hương.

Chuyen-tinh-nang-giang-huong-hinh-anh-1

Từ trái qua: đạo diễn âm nhạc Nguyễn Công Phương Nam, đạo diễn sân khấu Sylvain Merille, biên kịch – tổng đạo diễn Trần Nguyễn Thiên Hương, cố vấn chuyên môn Huỳnh Thị Hoàng Điệp, chỉ đạo diễn xuất Hữu Trị

Chỉ trong bốn tháng gấp rút thực hiện, vở nhạc kịch đã không phụ lòng khán giả khi đưa thế giới tiên cảnh kỳ ảo, đầy màu sắc lên sâu khấu. Yếu tố nào cũng được chăm chút kỹ lưỡng để đem lại những trải nghiệm “thật” nhất cho người xem. Khán giả đã trầm trồ trước điệu múa của những nàng tiên với cánh bướm phát sáng huyền diệu, hay hương hoa quỳnh thơm ngát nhẹ nhàng thoảng qua khi Giáng Hương xuất hiện. Hiệu ứng sân khấu hiện đại, vũ đạo đẹp mắt và những bài hát xưa được phối theo phong cách musical sang trọng, tất cả hòa quyện với nhau thành một bữa tiệc nghệ thuật đúng nghĩa.

Chuyen-tinh-nang-giang-huong-hinh-anh-2

Một trong những phân cảnh tạo được ấn tượng mạnh với khán giả

Một kịch bản hay, sân khấu đẹp hay hiệu ứng hiện đại đều trở thành vô nghĩa nếu không có sự cố gắng hết mình từ chính những người diễn viên. Dù là lần đầu tiên đóng vai chính trong một vở nhạc kịch dài hơi, nhưng Hoàng Kim, Thanh Nguyên, Tấn Đạt và Nam Khánh không hề nao núng mà đều hoàn thành tốt các vai diễn. Ngoại trừ ca sỹ Nam Khánh đã thành danh, tất cả đều xuất thân là sinh viên Nhạc viện với những nỗi trăn trở, khó khăn để trụ với nghề. Hiểu rõ đây chính là cơ hội lớn, họ đã nắm bắt và dốc hết sức lực để có được những giây phút tỏa sáng, cháy với niềm đam mê trên sân khấu. Ca sỹ Hoàng Kim trước buổi công diễn đã phải tiêm thuốc vì lên cơn sốt và đổ bệnh, nhưng chị đã đem lại cho khán giả những phân cảnh ngập tràn cảm xúc. Trương Thành Nhân, dù vẫn đang là sinh viên, nhưng đã được trao trọng trách biên đạo múa cho vở nhạc kịch. Những tưởng nhiệm vụ đó là một chiếc áo quá lớn, nhưng anh đã chứng tỏ niềm tâm huyết khi thổi cái hồn tươi trẻ vào một cốt truyện xưa cũ.

Tình yêu lên ngôi

Trong xã hội hiện đại đã quá xô bồ, những khoảnh khắc để sống chậm lại, thưởng thức những điều đẹp đẽ bỗng trở nên hiếm hoi. Người ta cần những điều thật trong sáng và dung dị. Xuất phát từ chính nhu cầu đó, Chuyện tình nàng Giáng Hương đã ra đời để ca tụng một điều duy nhất mãi trường tồn với thời gian – tình yêu.

Chuyen-tinh-nang-giang-huong-hinh-anh-4Có thể dễ dàng nhận thấy điểm khác biệt của Chuyện tình nàng Giáng Hương với những vở nhạc kịch theo phong cách Broadway khác là tính “kịch” không hoàn toàn được chú trọng xây dựng. Một số nhận xét cho rằng vở nhạc kịch còn dễ đoán, chưa có cao trào, kịch tính sâu sắc. Nhưng đây cũng chính là dụng ý của tổng đạo diễn, chị Thiên Hương. Với những câu thoại nhẹ nhàng, không triết lý, không cường điệu, khán giả sẽ hoàn toàn được thả mình trong một câu chuyện đẹp về tình mẫu tử, tình chị em và tình yêu đôi lứa. Như lời chị Thiên Hương: “Đây là câu chuyện của chúng tôi, câu chuyện của tình yêu. Thông điệp của vở nhạc kịch là dù chúng ta sống trong hoàn cảnh nào, thì chỉ có tình yêu sẽ luôn còn lại mãi. Hãy luôn yêu thương nhau và hãy làm cho cuộc sống của chúng ta trở thành một câu chuyện cổ tích.”

tinh-nang-giang-huong-hinh-anh-3

Giáng Hương và Từ Thức tình tứ trong một phân cảnh

Cho đi rồi sẽ nhận lại

Làm nghệ thuật là “làm dâu trăm họ”. Sẽ còn có những ý kiến trái chiều, những thiếu sót cần phải khắc phục, nhưng nếu không có người đi, thì làm sao thành con đường cho thể loại nghệ thuật đẳng cấp và còn mới mẻ ở Việt Nam này? Thành công về mặt thương mại có lẽ còn hơi sớm để đề cập đến, nhưng khi thấy những gương mặt hạnh phúc của khán giả đang hát theo các diễn viên, phải chăng đó chính là thành công lớn nhất rồi hay sao?

Bằng nhiều cách khác nhau, vở nhạc kịch đã chạm đến được trái tim của công chúng. Như mọi người vẫn thường nói: “Hãy cứ trao đi sự chân thành, ta sẽ nhận lại được tình yêu mãi mãi”.

Bài: HUY NGUYỄN

Ảnh: ANH DŨNG, NGHĨA NGÔ

Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 11/2016

Xem thêm