Việc trang điểm đã khởi nguồn như thế nào?

Lịch sử trang điểm hầu như song hành cùng lịch sử loài người. Make-up đã trở thành một nghi thức không thể bỏ qua của nhân loại

Chiếc nón thơm được các phụ nữ Ai Cập cổ đại đội trong những đêm tiệc

Đã trở thành đặc quyền, make-up cũng là một kỹ năng không thể thiếu của mỗi phụ nữ hiện đại. Tuy nhiên, make-up không phải chỉ xuất hiện gần đây như là chiếc đũa thần của nền công nghiệp mỹ phẩm.

Khởi nguồn của trang điểm

Trong cuốn sách 100.000 Years of Beauty, có một thông tin đầy bất ngờ đẩy lịch sử làm đẹp về xa hơn chúng ta từng tưởng tượng. Vào thời kỳ chưa có xã hội loài người, 100.000 năm trước Công nguyên, những phụ nữ Homo sapien đầu tiên đã biết dùng đất son đỏ để nhuộm da từ đầu tới chân như một cách làm đẹp nhằm tôn lên sự phồn thực của bản thân.

Nhiều bằng chứng về trang điểm mắt và sử dụng những loại sản phẩm có hương thơm đã xuất hiện trong các hầm mộ Ai Cập có niên đại 3.500 năm trước Công nguyên. Cho đến thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, cả nền văn hóa Ai Cập, người La Mã, Hy Lạp và Trung Đông đều đã xuất hiện phấn trắng da, phấn kẻ mắt, lông mày, lông mi và phấn má hồng.

Nu-hoang-Cleopatra

Nữ hoàng Cleopatra dưới sự hóa thân của Elizabeth Taylor

Nữ hoàng Cleopatra có lẽ là nhân vật của lịch sử cổ đại được khắc họa rõ nét nhất có quy trình làm đẹp phức tạp. Các sách thường kể: Nữ hoàng dùng hỗn hợp màu xanh lục nổi bật từ khoáng chất malachite của người Ai Cập cổ đại cho mí mắt dưới. Với mí mắt trên, Cleopatra dùng một loại phấn mắt màu xanh biển đậm có điểm những đốm pyrite màu vàng đồng lấy từ loại đá màu xanh da trời. Nàng nhuộm đen lông mày và làm dài mi bằng phấn kohl đen, một hỗn hợp bột chì sulfide và mỡ động vật. Để làm nổi bật đôi môi và má hồng, nữ hoàng dùng đất son đỏ, một loại bùn có màu đỏ nhờ thành phần oxit sắt.

Đâu đâu, phụ nữ cũng cần làm đẹp

Trước khi Cleopatra trị vì Ai Cập vào thế kỷ I TCN, phụ nữ vương quốc này cũng đã có rất nhiều thứ đồ trang điểm chủ yếu làm từ đá, khoáng chất, thực vật trong vùng. Trên tường của những lăng mộ, người ta thấy những bức vẽ phụ nữ đội một chiếc nón nhỏ trong các bữa tiệc. Đó chính là chiếc nón thơm làm từ sáp mỡ  động vật có mùi thơm của hoa. Khi sáp trên nón tan chảy trong đêm tiệc cũng là lúc hương thơm tỏa ra xung  quanh và đem lại mùi hương cho tóc, quần áo của người mang.

Nu-hoang-Elizabeth

Nước da trắng sứ nhờ bột chì của nữ hoàng Elizabeth I (1533-1603) trở thành trào lưu rầm rộ lúc bấy giờ

Với phụ nữ Trung Quốc, việc trang điểm trải qua bảy bước. Trong đó son môi là một khâu quan trọng. Từ 5.000 năm trước, việc tô son đỏ cho môi đã xuất hiện. Điều đó được thực hiện như một cách để làm hài lòng thần linh và sau này phụ nữ Trung Hoa tô son để khẳng định địa vị xã hội.

Sản phẩm dành cho môi Trung Quốc cổ đại được gọi là lip balm hoặc mouth balm, có tác dụng dưỡng ẩm cho môi trước tác động của không khí khô, gió và nhiệt độ. Chúng được làm từ thần sa và được trộn thêm sáp khoáng hoặc dầu động vật để giữ độ bền màu. Son môi thời xưa là một loại bột nhão chứa trong đồ đựng đặc biệt. Mãi cho đến thời Tùy và thời Đường, chúng mới xuất hiện dưới dạng rắn và chứa trong ống.

Vẻ đẹp với làn da trắng sứ của người Trung Quốc tạo cảm hứng vượt biên giới và có vẻ là lời giải thích phổ biến nhất cho khuôn mặt đánh phấn dày của các geisha Nhật Bản. Trào lưu này xuất hiện lần đầu tiên dưới thời kỳ Heian (năm 794–1185) khi văn hóa Trung Quốc ảnh hưởng vô cùng to lớn đến nước Nhật. Các geisha của thời Heian dùng bột gạo hòa với nước để thoa lên mặt như một lớp nền trắng.

Sau đó họ cạo đi hàng lông mày rồi vẽ một đôi mày giả đậm, dày màu đen cao gần giữa trán, thoa son đỏ không hết đôi môi. Để nhấn mạnh thêm vẻ kịch tính cho lối trang điểm này, họ còn nhuộm răng đen bằng oxit sắt ngâm trong dung dịch axit.

Chuẩn mực làm đẹp thay đổi

Người Nhật đã không còn nhuộm răng đen. Và hàm răng đen bóng, là một chuẩn mực về cái đẹp đã có từ thời xa xưa của người Việt cũng trở thành quá vãng. Lại nhớ chuyện làm đẹp thời nữ hoàng Elizabeth ở nước Anh. Làn da trắng nhợt, xanh xao mới là tiêu chuẩn cho cái đẹp. Phụ nữ bất chấp hiểm họa chết người từ chì để chạy theo mốt da trắng do nữ hoàng đề xướng. Rất may chuẩn mực điên rồ đó không tồn tại vĩnh viễn. Phụ nữ của thế kỷ XX đã biết đề cao vẻ đẹp của sắc da tự nhiên, thậm chí họ còn nhuộm nâu da, tắm nắng để có được làn da ngăm khỏe khoắn.

geisha-Nhat-Ban

Nước da trắng, môi đỏ, lông mày cao của các geisha Nhật Bản

Nhiều trào lưu làm đẹp khác cũng nhanh chóng lan tỏa và thay đổi từng ngày. Nhưng không vì chạy theo vòng quay đó mà phụ nữ tốn quá nhiều công sức. Phái đẹp ngày nay biết ơn ngành công nghiệp mỹ phẩm đã mang lại cho mình những sản phẩm trang điểm an toàn, bền màu và dễ dàng biến hóa với nhiều phong cách, một bước tiến rất dài so với tổ tiên ngày xưa.

Tổng hợp: Trinh Pak – Ảnh: Getty Images
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm