Lý do thật sự vì sao Clarisonic phải đóng cửa: Lạc hậu, đắt đỏ, thiếu nhạy bén với thị trường

Từ một thương hiệu dẫn đầu thị trường, vì đâu Clarisonic thua lỗ đến mức độ phải bị đóng cửa?

Clarisonic là một thương hiệu làm đẹp kinh điển. Ra đời năm 2000, Clarisonic ngay lập tức thu hút một “giáo phái” những người yêu làm đẹp. Thương hiệu nổi tiếng vì những chiếc cọ chà mặt có chế độ rung, giúp rửa mặt sạch hơn, tẩy tế bào chết, và mát-xa da mặt.

Thương hiệu làm đẹp này được bán lại cho L’Oréal Paris năm 2011. Tưởng như Clarisonic sẽ tiếp tục bành trướng. Nhưng không. L’Oréal Paris vừa tuyên bố sẽ đóng cửa thương hiệu vĩnh viễn.

“Sau hơn một thập kỷ đi đầu ngành công nghệ thiết bị làm đẹp, Clarisonic sẽ đóng cửa vào 30/09/2020. Chúng tôi muốn cảm ơn tất cả các khách hàng trung thành, các chuyên gia và bác sỹ da liễu, cũng như cộng sự vì những thành quả đã đạt được trong thời gian qua”.

– Clarisonic ghi chú trên Instagram –

Theo ghi nhận từ L’Oréal Paris, tập đoàn đóng cửa Clarisonic nhằm tập trung nguồn lực phát triển những dự án khác.

Tình huống đáng buồn của Clarisonic cho thấy điều gì có thể xảy ra với một thương hiệu làm đẹp khi nó được bán cho một tập đoàn lớn không phù hợp với định hướng thương hiệu. L’Oréal Paris chuyên về mỹ phẩm, nên khi tiếp quản một thương hiệu thiết bị làm đẹp khác với portfolio truyền thống, đã chới với trong cách phát triển thương hiệu.

Từ việc dẫn đầu, Clarisonic lạc hậu trong xu hướng làm đẹp

Clarisonic là “đứa con cưng” của các nhà khoa học, kỹ sư và doanh nhân hàng đầu giới làm đẹp năm 2000. Thương hiệu do David Giuliani, Robb Akridge, Steve Meginniss, Ward Harris và Ken Pilcher gầy dựng.

David Giulani là doanh nhân đã phát minh ra dòng bàn chải đánh răng chạy điện Sonicare, sau này bán lại cho tập đoàn Philips. Robb Akridge là một nhà khoa học, chuyên ngành Sinh, tại trường đại học Texas A&M thuộc hàng top nước Mỹ. Kel Pilcher từng làm việc cho Nasa, thiết kế một loạt các hệ thống điện tử cho phi thuyền Nasa.

Nói để thấy, những người phát minh ra Clarisonic am hiểu kỹ thuật tối tân nhất. Lúc mới ra đời, Clarisonic là thiết bị dẫn đầu xu hướng làm đẹp.

“Clarisonic là một trong những thương hiệu đã khiến mọi người nhận ra rằng việc ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’ là có thật. Da sẽ đẹp nếu bạn chăm bảo dưỡng hàng ngày, thay vì chờ đến khi có mụn, tàn nhang, nếp nhăn…rồi mới lo chữa”.

Nhưng, sau khi thương hiệu được bán đi cho L’Oréal Paris, nó không có nhiều đổi mới.

Những chiếc cọ rửa mặt bị cho là gây stress da quá đà. Phương thức tẩy tế bào chết vật lý này đang bị thay thế bởi xu hướng tẩy tế bào chết hóa học.

Clarisonic phụ thuộc quá nhiều vào sản phẩm đinh của mình, chiếc máy rửa mặt gắn đầu cọ. Nếu cách đây 20 năm, nó là điều gì đó mới mẻ và đặc biệt. Thì bây giờ, nó không còn quá độc đáo.

Các sản phẩm mới của Clarisonic không mở rộng quá phạm trù của chiếc máy này. Thương hiệu ra mắt nhiều loại cọ khác nhau – có thể là cọ cho da dầu, da mụn, lỗ chân lông to – nhưng chúng đều chỉ là cọ rửa mặt. Và chúng đều thuộc dạng tẩy tế bào chết vật lý.

Xu hướng làm đẹp và tẩy tế bào chết mới lại đi dần về hướng tẩy tế bào chết hóa học. Các loại axít dưỡng da mặt được cho là dịu nhẹ hơn, vừa giúp tẩy tế bào chết vừa có khả năng kích thích tái sinh tế bào sâu trong làn da. Mà điều này, những chiếc máy của Clarisonic không làm được.

Clarisonic thua những thiết bị làm đẹp khác về khoản đa năng.

Chiếc máy Clarisonic thường xuyên bị so sánh với FOREO Luna, và trong đa số trường hợp, FOREO Luna đều được đánh giá cao hơn.

Vì máy Clarisonic sử dụng cọ, bề mặt cọ sau một thời gian sẽ dễ tích tụ vi khuẩn hay bị toè. Người dùng phải thường xuyên mua đầu cọ mới thay thế. Trong khi đó, máy rửa mặt của FOREO lại sử dụng silicone, khó tích tụ vi khuẩn, dịu nhẹ hơn trên mặt. Thiết kế cũng không cần thay thế phải thay thế đầu cọ.

Về sau này, Clarisonic cho ra mắt thêm mẫu máy mát-xa. Lúc này, nhiều chiếc máy khác trên thị trường đã cho ra mắt các sản phẩm combo như: vừa mát-xa, vừa có đèn LED chống lão hóa, vừa có chế độ rung giúp sản phẩm dưỡng da thẩm thấu sâu hơn vào da. Ví dụ như máy của NuFace, Lifetrons hay bộ LG Pra L.

Mức giá của Clarisonic cũng khá cao.

Một bộ sản phẩm Clarisonic khoảng 250 đô-la Mỹ sau thuế. Ngoài ra, người dùng còn phải phải thường xuyên thay thế đầu cọ (mỗi đầu cọ khoảng 30 đô-la Mỹ). Trong khi đó, chiếc máy FOREO Luna chỉ 120 đô-la Mỹ, bộ Lifetrons có đầy đủ chức năng chống lão hóa thì $300 đô-la Mỹ, và chúng đều không cần phải thay thế bộ phận.

Chưa kể là thiết kế của Clarisonic cũng rất dễ bị ăn cắp. Thị trường có hàng tá các loại cọ máy rửa mặt giá mềm hơn, với công năng tương tự.

Cuối cùng, Clarisonic bị người tiêu dùng lãng quên.

Đối với nhóm người tiêu dùng trẻ, họ không chỉ quan tâm đến sản phẩm tốt, mà còn muốn ủng hộ những thương hiệu có những chương trình vì xã hội.

Ví dụ như thương hiệu Warby Parker. Khi bạn mua một cặp mắt kính của thương hiệu này, Warby Parker sẽ tặng một cặp mắt kính đến các hộ nghèo không có đủ tiền mua kính. Hoặc Glossier, thương hiệu làm đẹp luôn ủng hộ vẻ đẹp thuần khiết tự nhiên. Các mỹ phẩm trang điểm của họ rất nhạt, chỉ làm tăng sức sống vốn có của khuôn mặt người dùng, thay vì che đậy và biến tướng nó đi.

Instagram toàn cầu của Clarisonic èo uột, chỉ đạt 198,000 lượt theo dõi. Trong khi đó, Instagram Glossier có đến gần 3 triệu fan.

Clarisonic không có những chiến dịch như vậy (ngoài chiến dịch ủng hộ quỹ chống ung thư vú truyền thống của L’Oréal Paris). Tài khoản mạng xã hội của thương hiệu cũng rất cũ kỹ và thiếu hiệu quả viral marketing.

Vì tất cả những yếu tố trên, doanh thu của Clarisonic ngày càng giảm.

Mà theo cựu nhà sáng lập Robb Akridge, ngành công nghệ thiết bị làm đẹp có mức lời khá thấp. “Bạn có thể chỉ lời 20% khi bán thiết bị. Còn khi bán dầu gội đầu, bạn dễ dàng lời đến 70%”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Beauty Independent. Vì vậy, điều quan trọng là phải bán được rất nhiều thiết bị để có thể thu hồi lãi.

Sản phẩm Clarisonic bị bán tháo trên các trang bán hàng điện tử

L’Oréal Paris, khi mua lại Clarisonic, đã lúng túng trước việc quản lý thương hiệu. L’Oréal chưa bao giờ sở hữu một thương hiệu thiết bị làm đẹp cá nhân. Nó không liên quan gì mấy đến tổ hợp các thương hiệu khác của tập đoàn. Và khi doanh thu giảm sút, Clarisonic đã bị cắt thẳng tay.

Không đổi mới sẽ bị đào thải

Sau khi các nhà sáng lập Clarisonic rời khỏi thương hiệu, họ tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm mới.

Tiến sỹ Robb Akridge sáng lập công ty mới, Opulus. Opulus là một chiếc máy chế tạo kem dưỡng da ở hàm lượng nhỏ. Hoạt chất dưỡng da được giữ ở thể rắn. Khi bạn cần đến kem dưỡng, bạn chỉ cần đẩy hoạt chất dưỡng da dạng khô vào trong chiếc máy. Nó sẽ được hoà tan ra, biến thành kem. Bạn không phải phí phạm mua nhiều lọ kem khác nhau; tuỳ vào nhu cầu mà bạn pha chế nên kem dưỡng cần thiết cho chu trình dưỡng da. Đồng thời, bạn không lo rằng lọ mỹ phẩm sẽ hết hạn vì không sử dụng kịp.

Opulus, bộ máy pha kem dưỡng da nóng tại gia.

Còn cựu CEO của Clarisonic, Paul Peros, lại lấn sân vào ngành chăm sóc tóc. Sản phẩm mới của ông, Réduit, là một hệ thống dầu xả kết hợp cùng máy chăm sóc tóc. Chiếc máy có chế độ rung và xịt giúp sản phẩm thẩm thấu nhanh hơn vào sợi tóc. Sự tân tiến của Réduit cũng nằm ở việc hạn chế phí phạm bao bì. Bạn không cần phải mua cả một lọ dầu xả mới mỗi lần hết sản phẩm. Chỉ cần mua một bao hoạt chất (tương tự như cốc Keurig của Starbucks) gắn vào máy chăm sóc tóc là đủ.

Hệ thống Réduit cho phép hạn chế phí phạm bao bì mỹ phẩm.

Cả hai người đều bày tỏ sự tiếc nuối khi nghe tin Clarisonic phải đóng cửa. Nhưng họ cũng không ngạc nhiên.

“Từ đó đến bây giờ, L’Oréal chưa từng thật sự cải tiến Clarisonic”, ông Paul Peros nói. Còn tiến sỹ Robb Akridge nhấn mạnh rằng: vì xu hướng làm đẹp ngày càng tân tiến, nếu bạn không thay đổi theo thời cuộc, bạn sẽ bị lãng quên.

>>> Xem thêm: KHI LÀM ĐẸP CŨNG PHẢI HI-TECH: 8 THIẾT BỊ LÀM ĐẸP CÁ NHÂN BẠN NÊN THỬ

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm