5 nhầm tưởng về thuốc giảm cân

Bạn đang dùng thuốc giảm cân và trông chờ vào hiệu quả của chúng? Song, sau một thời gian, bạn vẫn không giảm cân? Có thể bạn đã mắc những sai lầm sau:

1. Quan niệm: Thuốc giảm cân ngoại và đắt tiền sẽ an toàn và hiệu quả cao.

THỰC TẾ: Không thể dùng giá tiền để đánh giá chất lượng và sự an toàn của sản phẩm. Rất nhiều sản phẩm giảm cân không kê toa có bán tại nhà thuốc, mạng trực tuyến chưa được chứng minh hiệu quả và một số có thể chứa các chất gây bất lợi cho cơ thể như tiêu chảy hay lợi tiểu. Khi chọn thuốc giảm cân, điều quan trọng là sản phẩm đó phải có nguồn gốc rõ ràng và được Bộ Y tế chứng nhận về chất lượng và độ an toàn đối với sức khỏe người dùng.

2. Quan niệm: Thần dược giúp giảm cân cấp tốc mà chẳng cần ăn uống kiêng khem hay tập luyện khổ sở.

THỰC TẾ: Nếu chọn đúng thuốc giảm cân, chúng sẽ là người bạn đáng tin cậy trên con đường giảm cân. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng hay phụ thuộc chúng. Bạn hãy tập thói quen ăn uống lành mạnh và vận động thường xuyên để duy trì vóc dáng lý tưởng.

3. Quan niệm: Tư vấn của người bán thuốc là kim chỉ nam để chọn thuốc giảm cân.

THỰC TẾ: Hầu hết người béo phì rất thích dùng thuốc giảm cân theo kiểu truyền miệng. Thế nhưng, không phải loại thuốc giảm cân nào cũng phù hợp với mọi người. Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sỹ, đặc biệt là khi bạn đang dùng thuốc điều trị bệnh.

4. Quan niệm: Uống nhiều thuốc, bạn giảm cân nhanh hơn.

THỰC TẾ: Điều này không đúng. Hiệu quả giảm cân chỉ đến khi bạn tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn sử dụng để không gặp phải các tác dụng phụ của thuốc.

5. Quan niệm: Thuốc giảm cân có thể gây nghiện.

THỰC TẾ: Trong điều trị béo phì, FDA (Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận hai nhóm thuốc là nhóm ức chế sự hấp thu chất béo và ức chế sự thèm ăn.

– Nhóm ức chế sự hấp thu chất béo có hoạt chất chính là orlistat. Chất này liên kết với các chất béo trong thức ăn và ngăn không cho cơ thể hấp thụ chúng. Cơ chế này không những giúp giảm cân hiệu quả mà còn giảm thiểu các tác dụng phụ lên cơ thể.

– Nhóm ức chế sự thèm ăn thường chứa phentermine, chất kích thích tế bào thần kinh trong não để tắt tín hiệu đói của cơ thể. Chất này hiệu quả trong chế độ giảm cân ngắn hạn nhưng lại gây nghiện nhẹ. Do đó, bạn không nên dùng sản phẩm chứa chất này trong thời gian dài và nên dùng theo chỉ định của bác sỹ.

Hiện có nhiều thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân bị hiểu nhầm là thuốc. Các sản phẩm này thường gây tiêu chảy hay có thể làm đầy bao tử nên cân nặng giảm nhanh, nhưng khi ngưng dùng, cân nặng trở về mức cũ.

Theo: Tiếp Thị & Gia Đình

Xem thêm