Nịt bụng có tốt như lời quảng cáo không?

Bạn mơ ước có được vòng eo 56cm như Ngọc Trinh? Nịt bụng có lẽ không phải là giải pháp lâu dài cho bạn

Nịt bụng có tốt như lời quảng cáo không?

Vóc dáng hình đồng hồ cát của Kim Kardashian là một trong những nhân tố thúc đẩy trào lưu nịt bụng. Chính cô cũng ăn theo bằng cách ra mắt nịt bụng trong dòng thời trang cá nhân, SKIMS. Nhưng nịt bụng có tốt như lời quảng cáo không? Ảnh: SKIMS

Thời gian vừa qua, mạng xã hội rộ lên làn sóng đeo nịt bụng ban đêm. Nghe lời các chị em đồn xa, đồn gần rằng thứ đồ ấy sẽ giúp mang lại vòng eo con kiến. Mà lại chẳng vất vả như phải tập thể dục hay ăn kiêng! Chẳng riêng gì chị em bình dân. Đến cả mấy ngôi sao, người mẫu cũng khoe dùng nịt bụng trên mạng xã hội.

Tôi thì có tính hay nghi kỵ (bản chất của dân làm báo!). Cái gì mà nghe tốt quá, thần kỳ quá thì tôi cũng phải kiểm tra thực hư trước khi học theo. Tôi nghĩ rằng, nhiều bạn cũng như tôi muốn tìm hiểu xem nịt bụng có tốt không? Và nịt bụng có tác dụng mang lại vòng eo con kiến như lời quảng cáo không?

Đai quấn bụng/nịt bụng là gì?

Nịt bụng của SKIMS

Thoạt đọc những website giới thiệu về món đồ này, tôi có thể kết luận: Nịt bụng chẳng khác gì corset. Như vậy, nếu hỏi tác dụng của nịt bụng là gì thì bạn cứ tìm hiểu về corset thì cũng sẽ có được kết luận giống hệt như vậy.

Trên thị trường bây giờ có đủ loại nịt bụng với hình thái khác nhau. Có loại thì làm bằng neoprene co giãn. Có loại thì y hệt corset cổ, có gọng bằng thép (steel-boned). Cách vận hành của chúng không khác gì corset thời xưa cũ. Bắt đầu từ một kích cỡ to hơn, người dùng sẽ từ từ thu nhỏ chiếc corset lại. Để có thể qua một thời gian dài có được vòng eo nhỏ và thân hình đồng hồ cát.

>>> Xem thêm: LỊCH SỬ ÁO CORSET: VŨ KHÍ BÍ MẬT HAY “SÁT THỦ” CỦA THỜI TRANG?

Hiểu về vòng eo 56 cm

Trước khi chúng ta thảo luận về việc nịt bụng có tốt không, trước hết, bạn phải hiểu về cấu trúc cơ thể con người.

Độ nhỏ gọn của vùng eo của cơ thể con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, một trong những yếu tố cơ bản chính là cấu trúc xương.

Cấu trúc xương ở vùng eo. Ảnh: Innerbody Research Lab

Eo là khoảng hở giữa khung xương sườn và và xương chậu. Khoảng hở này càng dài, thì khả năng có được biên độ nhỏ cho eo càng lớn. Chẳng vì vậy mà những ai có lưng dài dễ sở hữu eo nhỏ hơn người có lưng ngắn. Thậm chí, từng có một giai đoạn rộ lên mốt đi tháo hai chiếc xương sườn nhỏ nhất, để tăng khoảng cách giữa khung xương sườn và xương chậu!

Chưa kể, độ nhỏ của eo còn phụ thuộc vào hình dáng của xương sườn. Nếu xương sườn thuôn nhỏ thì sẽ giúp tạo độ thon nhỏ tự nhiên cho eo. Còn nếu xương sườn bạnh ra, ngang bè, thì vòng eo cũng bị ảnh hưởng.

Nói vậy để các chị em hiểu rằng, việc sở hữu vòng eo 56cm không chỉ phụ thuộc vào tập thể dục, ăn kiêng hay nịt bụng.

Các loại nịt bụng trên thị trường

Nịt bụng, loại có gọng sắt, có thể xem là phiên bản tân thời của chiếc áo corset. Chúng được sử dụng vì nhiều mục đích. Có thể là tạo hình cơ thể để mặc vừa một chiếc đầm nào đó. Ví dụ, Kim Kardashian đã ép người vào corset khi diện đầm Thierry Mugler đến Met Gala năm 2019. Do chất liệu của chiếc đầm mô phỏng vẻ ướt át trong suốt, chiếc corset không bị lộ ra ngoài, nên nhiều người không để ý đến điểm này.

Nịt bụng có tốt như lời quảng cáo không? Có, giúp bạn có vòng eo nhỏ đột biến

Thịnh hành hơn là loại nịt bụng sử dụng trong thời gian dài, được quảng bá là giúp tạo vòng eo thon gọn hơn về lâu dài. Có loại thì được làm bằng chất liệu co dãn, dùng để bó bụng khi tập thể dục. Có loại thì lại “thần kỳ” hơn, được khuyến khích mặc càng lâu càng tốt để giúp bạn ra mồ hôi ở khu vực bụng, giúp loại bỏ mỡ nhanh hơn.

Loại thứ hai là loại nịt bụng mà tôi sẽ thảo luận sâu thêm cùng các bạn. Một là về hiệu quả của nó. Hai là về những ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe người dùng.

Nịt bụng có tốt không? Các ưu điểm của đai quấn bụng

Những ảnh hưởng tốt bao gồm có thể giúp bạn chỉnh lý dáng đi, dáng ngồi, tạo vòng eo nhỏ đột biến trong thời gian ngắn.

1. Giúp eo nhỏ đột biến

Khi bạn mặc corset, bạn có thể tròng vào người các loại trang phục bó sát. Vì vậy mà corset là một đạo cụ được sử dụng khá nhiều trên phim trường. Các ngôi sao đóng phim cổ trang luôn sử dụng corset thật, để tạo hình giống với hình ảnh nữ giới xưa cũ.

Tuy nhiên, theo Bộ Giải phẫu Thẩm mỹ Hoa Kỳ (American Board of Cosmetic Surgery), những hiệu ứng thon nhỏ mà áo nịt bụng hay corset mang lại chỉ là tạm thời. Nhiều giờ sau khi mặc, vòng eo của bạn sẽ trở lại với kích thước nguyên thủy.

Nàng Scarlett O’Hara trong Cuốn theo chiều gió (Vivien Leigh thủ vai) nổi tiếng vì vòng eo con kiến thắt chặt bởi áo corset. Trên phim, áo corset giúp Vivien Leigh có được vòng eo 46cm. Tất nhiên thì cởi corset ra là chuyện khác.

2. Tác dụng tốt của nịt bụng là giúp bạn giảm cân nhanh

Các kiểu đai nịt bụng, corset ép chặt quanh vòng bụng. Từ đó chèn ép bao tử. Khi bao tử bị bó nhỏ lại thì tất nhiên bạn không thể ăn nhiều như thường lệ. Giảm khẩu phần ăn xuống là một cách giảm cân cấp tốc*.

*Tuy nhiên, về lâu dài, điều này có thể gây hại vì khiến bạn khó mà nạp đủ lượng calorie cơ thể cần thiết (tối thiểu 1200 calorie/ngày).

Việc đeo một cái đai to và nặng như vậy còn khiến bạn dễ ra mồ hôi hơn. Đây là một kiểu giảm cân vì mất nước, chứ không phải vì giảm béo, theo huấn luyện viên thể dục Nicolle Harwood-Nash. Tất nhiên, nó là một biện pháp phù hợp cho những ai đang cần giảm cân cấp tốc cho dịp lễ lạc cuối năm. Nhưng không phải là phương pháp giảm cân trường kỳ.

>>> Xem thêm: 9 BÍ QUYẾT GIÚP BẠN GIẢM 3KG DỄ DÀNG NHỜ LOẠI BỎ NƯỚC TÍCH TRỮ TRONG CƠ THỂ

3. Nịt bụng có tốt không? Có, tốt trong việc giúp bạn giữ thẳng lưng

Khi bó bụng bằng corset, bạn bắt buộc phải ngồi thẳng lưng*. Tư thế thẳng thớm có thể giúp bạn trông cao ráo hơn, kiêu hãnh hơn. Đây cũng là thế đứng, ngồi tạo vẻ tự tin.

*Tuy nhiên, lưu ý rằng bạn không nên đeo đai nịt bụng quá lâu. Ỷ lại vào đai lưng là tiền đề cho các cơ quanh cột sống của bạn trở nên yếu ớt, khiến lưng thiếu cứng cáp và có thể dễ bị chấn thương.

Vui vui: Thời xa xưa, các quý nữ Tây phương đều sử dụng corset nên chẳng có tật gù lưng. Mãi đến thế kỷ 20, làn sóng nữ quyền dấy lên đòi hỏi giải phóng phụ nữ khỏi những chiếc áo này. Từ đó mới có thể xuất hiện hình ảnh những người mẫu tạo dáng với lưng khòm – mà ví dụ điển hình là siêu mẫu Twiggy của thập niên 1960.

retro-look_Phong cách Retro qua các thập niên

Siêu mẫu Twiggy với phom dáng hơi khòm khòm, cái cổ thiên nga còng queo, phá vỡ mọi liên kết giữa cái đẹp và dáng đứng thẳng lưng

Những tác dụng phụ của nịt bụng gây nguy hiểm là gì?

Tuy nhiên, đi đôi với những ưu điểm ở trên, áo nịt bụng và corset có thể gây nhiều tai họa cho sức khỏe.

1. Gây chèn ép nội tạng

Bạn phải nhớ rằng, vòng eo của bạn không chỉ có mỡ! Khu vực này còn có bao tử, một phần của phổi, gan, thận… các cơ quan nội tạng quan trọng. Khi cố thắt eo bằng nịt bụng, bạn đang chèn ép các cơ quan nội tạng này. Chúng hoặc bị ép nhỏ lại, hoặc bị đẩy sang một vị trí không bình thường khác.

Những diễn viên phải dùng corset để đóng phim cổ trang, như Emma Stone, từng mất nhiều thời gian hồi phục sau khi đóng máy vì cơ quan nội tạng bị lệch khỏi vị trí bình thường. Còn Nicole Kidman từng bị nứt xương sườn do thắt corset quá nhỏ khi đóng phim Moulin Rouge.

>>> Xem thêm: GÃY XƯƠNG, KHÓ THỞ…BẠN CÓ DÁM HY SINH VÌ THỜI TRANG NHƯ CÁC NGÔI SAO?

2. Ảnh hưởng xấu của nịt bụng là gây khó thở

Một bộ phận khác bị chèn ép không nhỏ khi mặc nịt bụng là lá phổi. Theo khuyến cáo từ Bộ Giải phẫu Thẩm mỹ Hoa Kỳ (American Board of Cosmetic Surgery), bạn có thể mất từ 30 đến 60 dung lượng phổi khi đeo nịt bụng. Từ đó khiến bạn hít thở không sâu, thậm chí có thể khiến bạn bất tỉnh nếu thít bụng quá chặt.

Việc hít thở là một cách để cơ thể chúng ta bài tiết chất độc trong cơ thể. Nếu đeo nịt bụng trong thời gian dài – ví dụ liên tiếp nhiều tiếng đồng hồ trong ngày hay khi ngủ, và nhiều ngày trong tuần – bạn đang khiến cơ thể mình ngộ độc từ bên trong.

Nịt bụng có tốt như lời quảng cáo không?

Mặc chiếc đầm Prada vintage này, Elle Fanning đã té xỉu tại buổi tiệc tối ở LHP Cannes. Ảnh: Daniele Venturelli/WireImage

3. Đeo nịt bụng tập thể dụng không tạo cơ bụng số 11

Nhiều người nghĩ rằng, bó bụng khi đang tập thể dục sẽ giúp bạn eo ót hơn. Thực tế không đúng.

Casey Palazzo, một hướng dẫn viên thể dục ngụ tại Los Angeles, giải thích: “Do bó sát nên nịt bụng sẽ khiến các cơ vùng bụng không thể hoạt động hết công suất khi bạn tập thể dục. Ngoài ra, do nịt bụng khá cứng cáp, cơ thể có thể trở nên ỷ lại, dựa dẫm vào độ vững chắc của nó khi tập thể dục. Điều này khiến các cơ trở lên lỏng lẻo hơn là săn chắc.”

Như vậy, bạn sẽ khiến các cơ bụng càng trở thêm lỏng lẻo, giảm khả năng tạo thành bụng số 11 khỏe mạnh.

Muốn có cơ bụng số 11 như HyunA thì bạn không thể dựa dẫm vào nịt bụng để chỉnh dáng. Ảnh: Calvin Klein

Muốn có cơ bụng số 11 như HyunA thì bạn không thể dựa dẫm vào nịt bụng để chỉnh dáng. Ảnh: Calvin Klein

4. Thai phụ sau khi sinh không nên đeo nịt bụng vì có thể gây chứng sa dạ con

Nhiều chị em tìm đến nịt bụng và corset sau khi sinh đẻ, vì tin rằng sản phẩm này sẽ giúp bạn lấy lại vóc dáng nhanh chóng.

Tuy nhiên, như các chuyên gia đã trình bày ở trên, nịt bụng chỉ có tác dụng tạo dáng tức thời, chứ không phải là giải pháp lâu dài. Sử dụng trong một thời gian dài, nó còn có thể khiến các sản phụ mắc bệnh sa dạ con. Đây là tình trạng khi bọng tiểu, tử cung, hay hậu môn bị xệ xuống qua âm đạo.

Huấn luyện viên thể hình Brooke Cavalla kể lại, mình đã sử dụng nịt bụng sau khi sinh thai đôi. “Khoảng 3 tuần sau khi sinh con, tôi cảm thấy phần bụng dưới bỗng nhiên phình ra. Do là lần thứ hai sinh nở nên tôi biết rằng chuyện này bất bình thường”. Khi kiểm tra, hóa ra cô bị chứng sa dạ con cấp độ 1.

“Vì sinh đôi nên thành tử cung và âm đạo của tôi trở nên yếu ớt hơn bình thường. Kết hợp với chiếc áo nịt bụng khiến mọi chuyên trở nên tồi tệ mau chóng”, cô nhớ lại.

Theo Shani Fried, một trị liệu viên chuyên khoa hồi phục hậu sinh cho các sản phụ ngụ tại New York: Nếu thật sự muốn đeo nịt bụng sau khi đã sinh sản, các sản phụ nên đến bệnh viện theo dõi xuyên suốt quá trình nịt bụng.

Những bài tập nhẹ như yoga, plank, đi bộ...là lựa chọn an toàn cho sản phụ lấy lại vóc dáng sau sinh, hơn là đai nịt bụng

Nịt bụng có tốt cho sức khỏe của sản phụ không? Câu trả lời là không. Những bài tập nhẹ như yoga, plank, đi bộ…là lựa chọn an toàn hơn cho sản phụ để lấy lại vóc dáng sau sinh.

Nịt bụng có tốt không? Chắc chắn là không. Vậy làm sao để sở hữu vòng eo 56cm?

Các chuyên gia đều đồng ý: Cách duy nhất để giữ cho eo thon nhỏ về mặt lâu dài là qua đường ăn uống và tập thể dục đều đặn. Những bài tập đốt cháy nhiều năng lượng như cardio và HIIT là lựa chọn tốt nhất cho bạn.

Một cách nữa là sử dụng EMS. Đây là phương pháp tập thể dục khi đeo thêm vest tích hợp xung điện. Kỹ thuật kích thích cơ bằng dòng điện phân có tác dụng như sau: Các xung lực được truyền từ các điện cực trên da đến các cơ dưới da nhằm kích thích, tạo ra phản xạ co cơ vô điều kiện. Từ đó tăng cường kích thích cơ bụng co giãn và làm việc nhiều hơn, mà không phải đối mặt với sức ép của nịt bụng.

>>> Xem thêm: EMS – WORK OUT CHO NGƯỜI BẬN RỘN

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm