Những tác hại và lợi ích bất ngờ của việc nhai kẹo cao su

Nhai kẹo cao su không chỉ ảnh hưởng đến răng, nó còn có thể có tác động đến hệ tiêu hóa

Trong thời gian vừa qua, có khá nhiều tranh luận xung quanh việc nhai kẹo cao su ảnh hưởng tốt xấu như thế nào đến sức khỏe của bạn. Tất nhiên thì mọi việc đều có hai mặt.

Điều đáng mừng là kẹo cao su không phải một phát minh mới mẻ gì. Từ hàng ngàn năm, loài người đã sử dụng kẹo cao nhai. Loại kẹo cao su nguyên thủy được làm từ sáp cây, deo dẻo ngòn ngọt. Chính vì vậy, ắt hẳn phải có những ích lợi của việc nhai loại kẹo dẻo quánh này.

Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu các ưu và khuyết điểm của việc nhai kẹo cao su.

Những ảnh hưởng cho răng miệng của kẹo cao su

Ưu điểm

• Giúp giữ răng miệng thơm tho, sạch sẽ. Động tác nhai kẹo cao su khiến miệng tiết ra nhiều nước bọt hơn. Mà nước bọt có thể xem là nước súc miệng tự nhiên. Nó chứa enzyme diệt khuẩn tự nhiên. Trong kẹo cao su hiện đại cũng chứa xylitol. Xylitol cân bằng độ pH trong vòm miệng, ngăn ngừa axít từ thực phẩm gây mòn men răng, đồng thời ức chế hoạt động của vi khuẩn gây sâu răng Streptococcus.

Nhược điểm

• Nhai kẹo cao su quá thường xuyên có thể gây rối loạn khớp thái dương hàm. Khớp thái dương hàm (TMJ) là khớp nối hàm với xương thái dương của hộp sọ. Khi bạn nhai quá nhiều, các cơ ở khu vực này bị sử dụng quá đà, dễ khiến viêm nhiễm, dẫn đến việc rối loạn khớp thái dương hàm.

Nhai kẹo cao su có thể ảnh hưởng xấu đến việc chữa răng của bạn. Kẹo cao su có thể làm giảm tuổi thọ của của niềng răng hoặc các điểm trám răng.

• LƯU Ý: Bạn chỉ nên chọn kẹo cao su không đường, chứa xylitol. Vì nếu nhai kẹo cao su có đường thì chẳng khác nào đang cho hàm răng mình “ngâm bồn” với đường, tăng nguy cơ bị sâu răng.

Nhai kẹo cao su còn có tác động lên sức khỏe

Không chỉ ảnh hưởng đến răng miệng, kẹo cao su còn ít nhiều có những tác động lên sức khỏe chung của chúng ta. Không chỉ hệ tiêu hóa, mà còn ở khía cạnh tâm lý.

Ưu điểm

• Giúp kiềm chứng ợ hơi nóng do kích thích miệng sản xuất nhiều nước bọt hơn. Chứng ợ hơi nóng (heartburn) xảy ra khi axít trong bao tử trào ngược lên ống thực quản, tạo cảm giác đau ngực. Nước bọt có tác dụng trung hoà axít. Động tác nhai kẹo cao su cũng khiến bạn nuốt nhiều hơn. Từ đó, nước bọt chuyển xuống bao tử, trung hòa axít trong bao tử hiệu quả.

• Giảm stress. Việc nhai kẹo cao su giúp cơ thể sản sinh serotonin. Đây là một hoóc-môn mang lại sự hưng phấn, giảm lo âu và giúp bạn tập trung tinh thần cao độ. Đây là kết luận từ một nghiên cứu năm 2016.

• Có thể giúp bạn giảm cân. Những người hay buồn miệng có thể giảm thói quen ăn vặt khi nhai kẹo cao su. Những ai có thói quen ăn ngọt sau khi kết thúc bữa chính sẽ đặc biệt được hưởng lợi khi nhai kẹo cao su. Vị ngọt của kẹo cao su “đánh lừa” não bộ rằng bữa ăn đã kết thúc, nhưng lại không chứa nhiều calorie như các món tráng miệng. Như vậy, kẹo cao su giúp giảm hàm lượng calorie nạp vào cơ thể, theo Keri Gans, tác giả quyển sách The Small Change Diet.

Nhược điểm

• Có thể khiến bạn bị sình bụng. Như đã nói, động tác nhai kẹo cao su khiến bạn có thói quen nuốt xuống thường xuyên. Tuy điều này giúp đưa nước bọt vào bao tử, hành động này cũng đồng thời khiến bạn nuốt vào nhiều không khí hơn. Điều này khiến bạn đẩy vào bao tử nhiều không khí, gây sình bụng.

>>> Xem thêm: NÊN ĂN GÌ KHI BẠN CẢM THẤY BUỒN BỰC, KHÓ CHỊU?

Ảnh: Shutterstock
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm