LÀM ĐẸP MÙA CUỐI NĂM: DETOX CHO TÓC

Mùa cuối năm, mọi người càng đặc biệt quan tâm đến làm đẹp. Nếu như làn da thường được chăm chút kỹ lưỡng, thì không ít phái đẹp vô tình bỏ quên mái tóc.

Nếu detox cho da vốn rất được chú ý, người ta lại thường quên làm điều này với tóc. Cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu để đưa bước detox vào chu trình chăm sóc tóc hiệu quả.

Tại sao cần detox cho tóc?

Chăm sóc mái tóc cũng quan trọng như chăm sóc da của bạn. Mỗi ngày, có hàng ngàn tế bào chết trên da đầu được đào thải. Các tác nhân bên ngoài như ô nhiễm, các sản phẩm dành cho tóc cũng khiến tóc bị “nhiễm độc”. Đừng quên, một mái tóc khoẻ mạnh, trước hết phải là mái tóc sạch. Và việc detox cho tóc sẽ giúp loại bỏ những tạp chất, giúp tóc hấp thụ dưỡng chất tốt hơn.

Các bước detox cho mái tóc

1. Cắt tỉa tóc

Phần đuôi tóc thường là nơi hư tổn nhiều nhất. Đừng đợi đến khi đuôi tóc chẻ ngọn, ngả màu, gãy rụng. Hãy đều đặn lên lịch tỉa đuôi tóc 2-3 tháng/lần để loại bỏ phần tóc hư nhé.

Mách nhỏ: Hãy ưu tiên tiệm cắt tóc và thợ quen thuộc với mình. Điều này sẽ giúp bạn thoải mái hơn mỗi lần đi làm đẹp.

2. Tẩy tế bào chết cho tóc

Tẩy tế bào chết, về cơ bản là lấy đi những tạp chất trên tóc. Bụi bẩn, dầu thừa, dầu gội khô, vv. ngày qua ngày tích tụ làm bẩn tóc. Tế bào chết tích tụ lâu ngày còn ngăn cản hô hấp của da đầu, hạn chế sự phát triển của tóc. Đây được xem là bước cơ bản để giúp tóc sạch khoẻ. Nó vô cùng đơn giản và có thể tận dụng những nguyên liệu sẵn có. Sản phẩm tẩy tế bào chết cho tóc giúp điều tiết bã nhờn, cho dầu gội dễ thẩm thấu hơn. Cuối cùng, sản phẩm kích thích lưu thông máu và thúc đẩy tóc mọc nhanh hơn.

Hãy thử tẩy tế bào chết cho tóc với giấm. Giấm làm sạch tạp chất hóa chất trên sợi tóc và da đầu; có tính năng kháng khuẩn và chống viêm; và cân bằng độ pH trên da đầu bạn.

Mách bạn: Massage nhẹ nhàng trong quá trình tẩy sẽ tăng hiệu quả sản phẩm.

3. Chăm sóc tóc hậu detox

Sau khi loại bỏ tạp chất trên tóc, hãy tiếp tục bước làm sạch với dầu gội. Lưu ý, chỉ sử dụng dầu gội đầu có độ pH trung tính, không chứa thành phần độc hại như paraben, silicon. Nếu bạn thích mùi hương, hãy chọn loại dầu gội lành tính hoặc thảo mộc để có mùi hương dễ chịu.

Tiếp đó, bạn có thể cân nhắc một hay nhiều bước dưỡng để vỗ về mái tóc. Dầu xả hẳn là sự lựa chọn cơ bản nhất. Các chuyên gia khuyên dùng dầu gội và dầu xả cùng loại để tránh những kích ứng không đáng có.

4. Tóc cũng cần đắp mặt nạ và dưỡng ẩm bằng dầu

Nếu có thời gian, hãy tự thưởng bằng cách đắp mặt nạ tóc. Tương tự như mặt nạ da, bước này kéo dài lý tưởng nhất là 15 phút. Kết hợp cùng ngâm bồn thư giãn và một bản nhạc du dương thì thật là tuyệt vời!

Cuối cùng, sau khi làm sạch tóc, hãy cho một ít dầu dưỡng ngay khi tóc còn ẩm. Dầu olive, dầu mắc-ca, dầu hạnh nhân, … là những thành phần lành tính được ưa chuộng nhất.

Detox cho tóc bao nhiêu là đủ?

Vì tẩy tế bào chết là bước chăm sóc tương đối mạnh, bạn không nên làm với tần suất quá dày đặc. Detox cho tóc mỗi tuần một lần sẽ là vừa đủ.

Ngược lại, bạn có thể sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc thường xuyên hơn. Đắp mặt nạ tóc 2 lần/tuần. Bôi dầu dưỡng tóc sau mỗi lần gội.

Các bước chăm sóc tóc này đều có thể làm tại nhà, với các nguyên liệu sẵn có. Tuy nhiên, nếu quỹ thời gian eo hẹp, bạn có thể tìm đến các sản phẩm detox tóc công nghiệp. Trên thị trường hiện có đa dạng các sản phẩm này. Nhưng đừng quên cân nhắc theo nhu cầu cá nhân để có sản phẩm phù hợp nhất.

Cùng Harper’s Bazaar điểm qua một vài sản phẩm chăm sóc tóc được yêu thích nhất hiện nay.

Dầu gội Detox Micellar Shampoo không chứa paraben và silicon, giúp loại bỏ bụi bẩn từ ô nhiễm môi trường, YVES ROCHER

Mặt nạ cho tóc chiết xuất từ dầu ôliu và quả bơ giúp dưỡng ẩm hiệu quả, KIELH’S

 

Dầu argan giúp phục hồi và mềm mượt tóc, MOROCCANOIL

Những lưu ý nhỏ để hiệu quả tốt nhất

Bên cạnh việc chăm chỉ tẩy tế bào chết cho tóc, bạn cũng cần thêm một số bước chăm sóc cơ bản để cho hiệu quả tốt nhất.

Không gội đầu sau 9 giờ tối

Việc làm sạch và chăm sóc tóc cần nhiều thời gian và tỉ mẩn hơn bạn nghĩ. Tuyệt đối tránh gội đầu sau 9 giờ tối, trước giờ đi ngủ. Để tóc ẩm ướt dễ tạo môi trường cho nấm tóc phát triển.

Hạn chế tác động nhiệt, chất hoá học lên tóc

Tóc của chúng ta vô cùng mong manh. Vì vậy, nếu có thể, hãy hạn chế tối đa tác động nhiệt lên tóc. Để tóc khô tự nhiên thay vì sử dụng máy sấy tóc. Uốn tóc cơ học thay cho máy uốn tạm thời hay chất hoá học.

>>> Xem thêm: 10 CÁCH GIÚP GIẢM GÃY RỤNG TÓC VÀ GIÚP MỌC TÓC TỰ NHIÊN

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm