Sức mạnh tình thân trong các công ty gia đình: Con dao hai lưỡi

Không ít các công ty thành công trên thế giới đều là những thương hiệu gia đình. Nhưng cũng có lắm công ty gia đình mau chóng sụp đổ. Lý do vì đâu?

Missoni đến bây giờ vẫn là một công ty gia đình. Thương hiệu Ý do ba thế hệ điều hành: Mẹ Rosita là người sáng lập. Con gái Angela là giám đốc sáng tạo. Cháu gái Margherita cũng tham gia thiết kế thời trang và phụ kiện.

Theo Barbara Spector, chủ biên của tạp chí Family Business, công ty gia đình lâu đời nhất trên thế giới là Houshi Onsen ở Komatsu, Nhật Bản. Công ty này được thành lập năm 718 do duy nhất một gia đình quản lý qua suốt 46 thế hệ. Barbara cho biết: “Các công ty gia đình là trụ cột của nền kinh tế ở hầu hết mọi quốc gia và quả thật, các công ty gia đình lâu nhất thế giới đã tồn tại lâu hơn rất nhiều so với chính quyền của quốc gia mà nó tồn tại”.

Tuy nhiên, để phát triển thành công theo một cách thức chuyên nghiệp luôn là thách thức đối với các doanh nghiệp gia đình. Hãy cùng giải mã hai mặt của sức mạnh tình thân trong quản trị doanh nghiệp hiện đại.

Sức mạnh của công ty gia đình trị

Trong top 500 thương hiệu thành công nhất trên thế giới, có hơn 1/3 là công ty theo mô hình gia đình trị. Như Walmart, Toyota, Ford, Peugeot, Samsung, Benetton, Hyundai…

Còn tại Việt Nam, theo khảo sát Hội đồng Doanh nhân gia đình Việt Nam, 1/4 GDP của cả nước là từ khoảng 100 công ty gia đình lớn nhất Việt Nam.

Một ví dụ là tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), sở hữu công ty DAFC và ACFC chuyên phân phối các thương hiệu thời trang ngoại nhập. Mỗi thành viên trong gia đình quản lý một nhánh riêng của đại tập đoàn. Nữ doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên chịu trách nhiệm mảng thời trang cao cấp. Con trai Louis Nguyễn điều hành nhóm các thương hiệu tầm trung. Con dâu Tăng Thanh Hà là tổng giám đốc một công ty tổ chức sự kiện và một nhà hàng hải sản, hỗ trợ chặt chẽ cho các thương hiệu ẩm thực quốc tế khác của “gia đình hàng hiệu” này.

Hai anh em Louis và Phillip Nguyễn bên rapper Wowy Nguyễn tại một sự kiện của Nike, thương hiệu do ACFC phân phối.

Vì sao các công ty gia đình đáng tin cậy

Các chuyên gia tâm lý kinh tế cho rằng những thương hiệu gia đình mang đến sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Đó là sự cam kết cho thành công vững bền, đến từ kinh nghiệm gia truyền lâu đời. Những ví dụ tiêu biểu như Hermès hay thương hiệu truyền thống Việt Nam như bánh cốm Yên Ninh, giò chả Ước Lễ. Các thương hiệu này được sự nhận biết mạnh mẽ từ khách hàng với niềm tin vững chắc qua thời gian.

Giáo sư Harold James của đại học Princeton cho biết: “Tại sao Wilkin and Sons – một công ty cung ứng mứt của Anh – kể cho bạn nghe câu chuyện về những thế hệ trong gia đình của họ, câu chuyện nằm ở mặt dưới của nắp sản phẩm, nơi mà bạn chỉ thấy được khi mua chúng? Điều này được xem như là cách tạo nên sự tin tưởng hay là một cách bảo đảm về chất lượng”.

Có thể thấy, các doanh nghiệp non trẻ phải chứng tỏ thành công qua hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận. Còn trong doanh nghiệp gia đình họ nói về tình yêu, về truyền thống và bề dày lịch sử. Sức mạnh tình thân tạo ra sự tận tâm để họ làm ra sản phẩm tốt hơn, vì sự phồn vinh của gia đình.

Đối mặt với quản lý hiện đại

Những tập đoàn gia đình lớn đã chứng minh rằng có những giá trị tư tưởng đặc biệt trong mô hình kinh doanh gia đình. Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi và người tiêu dùng không nhất thiết chỉ trung thành với các thương hiệu truyền thống.

Francis Fukuyama, tác giả quyển sách Trust: The Social Virtues and the Creation of Prosperity nhận thấy ở Mỹ, Đức và Nhật Bản, các tập đoàn lớn được quản lý chuyên nghiệp phát triển nhanh chóng. Ông cho rằng các nền văn hóa này có những đặc điểm đòi hỏi cần phải phá vỡ phạm vi gia đình và chuyển giao quyền sở hữu cho các nhóm khác trong xã hội.

Gia đình gốc Hàn sáng lập và điều hành Forever 21 cũng là lý do khiến thương hiệu này lụn bại, phá sản.

Mặt khác, các công ty gia đình cũng phải gánh chịu những khó khăn từ sự giới hạn của chính họ. Thông thường, nhà sáng lập của công ty gia đình thường là người mạnh mẽ, sáng tạo và có tầm nhìn đặc biệt. Nhưng đến thế hệ thứ hai hoặc thứ ba, các công ty của họ có thể bị xé thành từng mảnh bởi những xung đột giữa những người trong gia đình xuất phát từ sự bất đồng về mục tiêu, lợi ích cá nhân và tầm nhìn hạn chế. Đây là điều đã xảy ra với Gucci vào thập niên 1980.

>>> Xem thêm: GIÀY HORSEBIT LOAFER, PHỤ KIỆN ĐÃ CỨU LẠI GUCCI TRONG THỜI KỲ ĐEN TỐI

Tất cả các doanh nghiệp gia đình cuối cùng đều phải đối mặt với thực tế này. Sự khác nhau giữa một doanh nghiệp gia đình không giải quyết được những yếu kém của mình và một doanh nghiệp gia đình biết khai thác những thế mạnh của mình chính là chất lượng của việc cải tổ hệ thống quản lý.

Vượt qua giới hạn của tình thân

Làm cách nào để các tập đoàn gia đình trường tồn qua nhiều thế hệ?

Theo Lawrence Chong, CEO của Consulus, công ty tư vấn đổi mới và chuyển hóa tổ chức hàng đầu của châu Á: “Các tập đoàn gia đình cần phải sẵn sàng mạo hiểm và sáng tạo trong khi vẫn giữ được những giá trị cốt lõi vốn có của mình.”.

Khi ông chủ công ty nhựa Đại Đồng Tiến bị tai biến, cậu con trai cả Trịnh Chí Cường được chọn ngồi vào ghế thuyền trưởng. Thế hệ thứ hai của Đại Đồng Tiến đã bắt đầu trong nỗi lo lắng của nhiều người khi áp dụng một loạt các giải pháp ngược đời để cùng công ty “vượt bão”: Chấp nhận hy sinh doanh thu để vận hành lại hệ thống phân phối của công ty theo mô hình linh hoạt hơn, hiện đại hơn, nỗ lực mở rộng ra thị trường nước ngoài bằng thương hiệu Việt.

Trước áp lực mở rộng, vị thuyền trưởng công ty vẫn kiên định không chọn hình thức mời gọi vốn từ bên ngoài: “Sau này, đời con đời cháu của tôi cũng phải tôn trọng mô hình kinh doanh gia đình này, mô hình công ty gia đình chuyên nghiệp”.

Lawrence Chong cũng đưa ra một số lời khuyên hữu ích cho mô hình công ty gia đình là:

  •  Phân biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản trị
  • Lên kế hoạch chuyển giao và kế thừa rõ ràng
  • Đưa vào tư duy mới
  • Dung hòa giữa truyền thống và tư duy hiện đại.

Bài: Hàn Thủy
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm