GIỚI HẠN LÀ BẦU TRỜI: TƯ DUY ĐỂ SÁNG TẠO HƠN

“Chỉ đơn thuần bắt kịp cái người khác đã làm là cần thiết để tiếp tục cuộc chơi, nhưng cuối cùng kẻ chiến thắng sẽ là những ai có khả năng sáng tạo ra các cuộc chơi hoàn toàn mới”– Gary Hamel

Giới hạn là bầu trời – câu ngạn ngữ tiếng Anh bất giác bật ra khi tôi tìm hiểu các thông tin về những người phụ nữ đang chứng minh rằng sức tưởng tượng của họ, sự đột phá trong sáng tạo và suy nghĩ đã vượt hẳn… lực hút của trái đất.

Suy nghĩ “ngoài cái hộp”

Hàng loạt tờ báo lớn nhất của Mỹ đều cho rằng Wheelys, một công ty mới có 2 tuổi đời, sẽ là một đối thủ cạnh tranh đáng sợ nhất của chuỗi quán cà phê lớn nhất thế giới Starbucks. Tại hầu hết các diễn đàn trao đổi của giới khởi nghiệp, người ta nhắc về Wheelys với điều đặc biệt: những ý tưởng luôn mới mẻ của nữ tổng giám đốc có mái tóc màu xanh dương, Maria De La Croix.

Từ một suy nghĩ đơn giản của Maria: Làm thế nào để việc sở hữu một ly cà phê ngon nhất thế giới trở nên đơn giản nhất? Và để trả lời câu hỏi này, lại là một câu hỏi khác: Làm thế nào để việc sở hữu và vận hành một quán cà phê tốt nhất thế giới trở nên đơn giản nhất? Vậy là Wheelys ra đời. Năm ngoái, họ bán sản phẩm cà phê organic của mình tới hơn 45 quốc gia, nghĩa là có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử ngành cà phê thế giới. Vì sao vậy? Vì nữ CEO 27 tuổi của Wheelys đã làm mọi cách trên đời này để có thể tạo ra một thiết kế xe đẩy bán cà phê dạo đẹp nhất thế giới và đồng thời đa năng nhất thế giới. Cái xe đẩy này có thể đạp bằng chân, chạy bằng năng lượng mặt trời, năng lượng gió và quản trị toàn bộ hoạt động của nó bằng phần mềm, kể cả tìm kiếm và cho khách đặt hàng cũng qua một ứng dụng trên điện thoại.

Cô nàng tóc xanh dương còn sở hữu một ý tưởng “xanh nhất thế giới”: bã cà phê có thể nén lại, “và chúng tôi cung cấp sẵn hạt giống để khách hàng có thể tự trồng lên một cái cây xinh xinh đặt trên bàn làm việc của mình trong khi vẫn nghe thoang thoảng mùi thơm của cà phê”…

Với cách nghĩ “thinking out of the box”, không ngại vượt qua thông lệ và thử những cách tiếp cận mới, Maria cũng vừa kết thúc phiên gọi vốn cộng đồng để sản xuất loạt xe đẩy thứ hai, với tổng số tiền nhận được lớn gấp 5 lần số kinh phí mà họ cần thiết.

“Luôn có những công thức khác nhau để sáng tạo chứ không phải chỉ là chuyện “hái sao trên trời”

Câu chuyện của đam mê

Đó là chuyện của Ta Satomi, cô gái 28 tuổi vừa đi vừa kể chuyện vòng quanh thế giới từ Tokyo, Nhật Bản. Cô quyết định thực hiện giấc mơ của mình bằng câu chuyện gọi vốn cộng đồng: “Bạn thích một cái khay gỗ làm thủ công tuyệt đẹp của xứ Uzbekistan? Hay bạn chọn thưởng thức những ngụm trà tự nhiên thơm ngát của vùng núi đồi xứ Sri Lanka? Hay là bạn cần tìm một món độc đáo mà không ai có thể có được trên thế giới này?”. Satomi kêu gọi như vậy, và cứ mỗi 10, 20… đô la Mỹ được góp vào, cô gửi tới họ những món quà riêng biệt của từng mỗi xứ sở khác nhau. Chưa đầy một tuần, nữ chủ nhân của website “Cô gái ngoan trở thành dân du mục” này đã nhận được nhiều hơn số kinh phí mà cô kỳ vọng.

Satomi gợi tôi nhớ đến chủ xưởng thêu Meo Meo Atelier tại Hội An: Trâm mèo, họa sỹ thêu nổi tiếng Đông Nam Á. Từng có công việc hoành tráng ở Hà Nội, Trâm rời bỏ và đi vòng quanh thế giới để thực hiện đam mê từ nhỏ: học thêu. Ở Paris, Trâm tham dự khóa học thêu tại trường Ecole Lesage danh giá, nơi những sáng tạo thêu phong cách Pháp đã đồng hành hàng chục năm với Chanel, Dior. Cô học người dân đảo Crete cách móc ren tinh tế của vùng Địa Trung Hải. Quay về, cô học từ những người H’Mong, người Thái, và những nghệ nhân chuyên thêu áo bào ở Huế… Với Trâm, mỗi mũi thêu là một cảm xúc phát ra từ trái tim.

Câu chuyện của họ cho thấy sự đam mê và cả những giấc mơ hoang đường, lại chính là thứ giúp đôi cánh sáng tạo của mỗi người bay lên, rất cao…

Đi tìm công thức sáng tạo

Israel, một quốc gia nhỏ xíu, ít tài nguyên, bị bao vây bởi nhiều áp lực đã sản sinh ra công ty tư vấn sáng tạo – Systematic Inventive Thinking (SIT). SIT cho rằng chính những khó khăn, rào cản mới thúc đẩy sức sáng tạo.  SIT đưa ra hai nguyên tắc chính: “Thế giới đóng”, và “Thứ tự tư duy: hình thái trước, chức năng sau”. “Thế giới đóng” có nghĩa, chúng ta không tự nhiên tạo ra sản phẩm mới, mà trước hết nên dùng các tài nguyên có sẵn quanh ta để thay đổi sản phẩm đang có. Nguyên tắc “Hình thái trước, chức năng sau” thì lại đề nghị các doanh nghiệp cứ thay đổi hình dạng trước, rồi hãy xác định công dụng mới cho sản phẩm. SIT đưa ra một số công cụ để thực hiện các nguyên tắc này, chủ yếu là thay đổi và sắp xếp thứ tự các thành phần cấu tạo nên sản phẩm. Với một nửa diện tích là sa mạc, Israel, qua các công cụ này, đã tìm cách nuôi cá và trồng trọt ngay trong sa mạc với hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt và cảm ứng nhiệt để đảm bảo lượng nước tưới và hạn chế lãng phí. Hệ thống này đã giúp Israel tiết kiệm hàng trăm triệu đô-la Mỹ mỗi năm và trở thành nhà cung cấp hoa màu lớn cho châu Âu. Hà Lan cũng đang phải mua hoa của Israel.

Tháng 7 này, CEO của EasyJob, chị Phạm Thị Bảo Nguyên và cả nhóm ráo riết chuẩn bị cho cuộc tranh tài toàn cầu mang tên Start Tel Aviv – cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất thế giới của Israel. Sản phẩm của đại diện Việt Nam: Lập trình EasyJob là ứng dụng giúp kết nối nhà tuyển dụng với người lao động phổ thông ngay tức thời. Giải pháp này cũng chính là một trong những mô hình sáng tạo Israel theo đuổi: thực dụng và hiệu quả. Họ tin rằng luôn có những công thức khác nhau để sáng tạo chứ không chỉ là chuyện “hái sao trên trời”.

Goc nhin1

Bên ly cà phê, cuộc sống nói gì?

Tác giả Howard Schultz, đồng thời là CEO thương hiệu cà phê Starbucks đã chia sẻ câu chuyện đầy cảm hứng: Làm thế nào một cửa hàng nhỏ ven sông ở Seattle lại lớn mạnh và phát triển nên hơn một ngàn sáu trăm cửa hàng trên khắp thế giới? – “Chìa khóa nằm ở trái tim. Tôi dốc hết trái tim mình vào từng tách cà phê… Tôi muốn pha cả sự lãng mạn vào từng tách cà phê, muốn can đảm nỗ lực để đạt được điều mà người khác cho rằng không thể, muốn thách thức nghịch cảnh bằng những ý tưởng sáng tạo, và muốn làm tất cả những điều này bằng sự tinh tế và bằng phong cách của riêng mình”.

Ông cho rằng thách thức lớn nhất mà mọi doanh nhân đều phải đối mặt, đó là làm mới bản thân mình: từ một người mộng mơ thành một doanh nhân táo bạo với một hệ thống các kỹ năng cần có để biến giấc mơ thành hiện thực và khả năng quản lý sự phát triển. Đằng sau những thành công vượt bậc, Schultz nhìn thấy giá trị lớn lao khác: “Thành công không tính bằng tiền: Nó chính là cách bạn thực hiện cuộc hành trình và độ lớn của trái tim bạn khi kết thúc hành trình đó”.

Bài: Trần Nguyên. Ảnh: Getty images
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm