Làm thế nào để đánh thức cái tôi sáng suốt?

Làm sao để phát huy cái tôi sáng suốt và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ cái tôi nhạy cảm hoặc phóng đại quá mức?

Ảnh: Nữ doanh nhân tài năng và xinh đẹp Brit Morin: Với phương châm: “Hãy làm những gì bạn thích”, Brit Morin hiện thực hóa niềm đam mê cá nhân: chia sẻ kinh nghiệm về ẩm thực, thời trang, làm đẹp… bằng cách của riêng mình. Thành công của Brit+Co tiêu biểu cho cá tính quyết liệt và sự linh hoạt thú vị của nữ doanh nhân xinh đẹp này.

Có định kiến cho rằng người có cái tôi lớn thường chỉ thích hợp làm công tác chuyên môn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện đang trao quyền quản lý cho những doanh nhân xuất phát là nhà thiết kế, nghệ sỹ sáng tạo. Việc phát huy năng lực cá nhân của họ đã khiến công ty giành được những lợi thế khác biệt đáng kể.

Hai mặt của cái tôi 

Cái tôi được hiểu là sự tự nhận thức của một người về tư cách, nhân phẩm hoặc giá trị của chính mình. Cái tôi cá tính tạo nên sự khác biệt của mỗi người. Tính cách nào cũng có những điểm mạnh và điểm yếu, thậm chí ngay cả sự kiêu hãnh ngạo mạn cũng có thể là trợ thủ đắc lực của doanh nhân.

Trong kinh doanh, hầu hết mọi người đều thích làm việc với những người có cá tính mạnh mẽ. Họ được nhìn nhận từ góc độ tâm lý học là những nhà quản lý sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, tư duy logic và hoàn thành công việc nhanh nhất. Rất nhiều thương vụ được đàm phán thành công nhờ cá tính quyết làm bằng được của người đàm phán.

Nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ, từng chia sẻ: “Người ta thành công là nhờ tính cách bản thân, cũng như sự rèn luyện cùng môi trường, nề nếp gia đình và bối cảnh xã hội”. Thống kê đã chỉ ra rằng hầu hết các doanh nhân thành công đều có cái tôi mạnh mẽ.

Ngược lại, người có cá tính mềm yếu là người không quyết đoán và vì thế, khó xác định được hướng hành động. Mặt khác, người có cái tôi lớn không có nghĩa là có tính cách mạnh mẽ mà đôi khi cố khẳng định cái tôi của mình, họ chỉ chứng tỏ sự tự ti về bản thân.

Có một điều thú vị là với các nữ doanh nhân, cái tôi của họ thường gây ấn tượng sâu sắc và rất khó đoán định. Sự biến chuyển linh hoạt không kém phần phức tạp trong cá tính và biểu hiện hành xử của họ vừa là lợi điểm vừa là điểm yếu.

Nữ tướng lừng lẫy một thời của làng công nghệ, Carly Fiorina, là một ví dụ. Khi làm giám đốc điều hành hãng máy tính khổng lồ Hewlett – Packard (HP), bà quyết liệt làm mọi việc mà bà cho là đúng. Tính cách cứng rắn quá mức và đặt cái tôi lên trên lợi ích công ty của bà đã dẫn tới những quyết định thiếu suy nghĩ thấu đáo. Bài học rút ra là lãnh đạo tốt nhất phải là người làm nên công ty chứ không chỉ tạo nên chính bản thân mình.

Cần lưu ý, đặc điểm não bộ có thể xử lý nhiều thông tin sẽ giúp phụ nữ thành đạt thực hiện tốt nhiều công việc trong bộn bề, nhưng chính điều này lại có thể gây ra những hạn chế nghiêm trọng đối với cái tôi sáng tạo, sức đột phá của họ.

Năng lượng mới từ cái tôi tích cực

Nhiều tờ báo lớn trên thế giới đang nhắc tới Jessica Minh Anh, nữ giám đốc sáng tạo kiêm người mẫu của J Model Management. Điều gì đã tạo nên sức hút ở cô? Có thể thấy đó là sự tự tin và dám làm điều khác biệt. Minh Anh luôn bị hấp dẫn bởi các ý tưởng mới và những địa điểm đặc biệt có tính biểu tượng. Từ mặt đất, cô đem sàn catwalk lên không trung rồi xuống dưới mặt nước: tổ chức diễn thời trang trên cây cầu tháp Tower Bridge của London, khách sạn Savoy London, cầu trên không ở hẻm núi Grand Canyon Skywalk (Mỹ), tháp đôi Petronas (Malaysia), trên dòng sông Seine lãng mạn ở Paris, Gardens by the Bay (Singapore) với đường băng trên không cách mặt đất 25m, tháp Eiffel (Paris)… Kết hợp giữa đam mê, quyết đoán và liên tục cách tân, Minh Anh cho rằng điều quan trọng là phải nhận thức rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình.

Jessica Minh Anh at 1WTC-NEWYORK

Jessica Minh Anh 

Vấn đề nữa cần được xem xét là cá tính của chính người lãnh đạo. Không gì gây trở ngại đến việc thấu hiểu người khác bằng chính cá tính của bản thân. Khi theo đuổi khát vọng cho sự nghiệp cá nhân, nhà lãnh đạo cần kết hợp hài hòa giữa nguyện vọng của mình và lợi ích của nhân viên.

Thay vì luôn áp chế hay thách thức và đối đầu với cá tính của người khác, người lãnh đạo thành công hơn khi hiểu ảnh hưởng của cá tính với văn hóa doanh nghiệp.

Có một khía cạnh của cá nhân hóa mà các nhà lãnh đạo cần quan tâm, đó là lòng trắc ẩn. Cá nhân hóa đôi khi rất ích kỷ vì nó chỉ tập trung vào cái tôi. Lòng trắc ẩn là một xúc cảm hướng trực tiếp tới người khác, giúp bạn thể hiện sức mạnh của cái tôi với một trí óc tỉnh táo và cởi mở, không hề bị sự kiêu ngạo làm vẩn đục.

Trong cuốn The Power of Full Engagement, tác giả Jim Loehr và Tony Schwartz chứng minh rằng những người có thành tích cao trong cuộc sống là những người biết quản trị năng lượng cá nhân để duy trì hiệu suất cao lẫn sức khỏe, hạnh phúc và cân bằng cuộc sống. Nhờ phát huy cái tôi sáng suốt, họ vượt qua những áp lực của công việc và tái tạo cho mình một năng lượng mới.

Làm thế nào phát triển cái tôi sáng suốt?

Trong cuộc sống và công việc, ta thường giả vờ rằng mình muốn sự thật nhưng thực ra ta đang tìm kiếm sự đảm bảo. Khi muốn tin điều gì đó là đúng, ta sẽ “chiếu” đúng vào những thứ củng cố nó mà thôi và cái tôi hầu như chỉ gắn chặt vào điều cố định đó.

Chip Heath và Dan Heath, tác giả cuốn Decisive (Quyết đoán) đưa ra các giải pháp để ra quyết định hiệu quả và giúp bảo vệ chúng ta khỏi những định kiến của cái tôi quá mức.
Thay vì đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc bản năng, thông tin phiến diện… chúng ta cần chủ tâm xem xét những điểm trọng yếu hơn, biết nhìn xa trông rộng hơn và chú ý những góc còn khuất lấp. Hãy tham khảo:

1/ Ở mỗi bước ra quyết định, bạn có thể gặp “bộ tứ gây hại”:

– “Khung lựa chọn hẹp” khiến bạn bỏ qua nhiều khả năng có thể cân nhắc.
– “Thiên kiến xác nhận” khiến bạn chỉ thu thập những thông tin một chiều.
– “Cảm xúc nhất thời” khiến bạn lựa chọn sai.
– Phạm lỗi “tự tin quá mức” về những khả năng chưa biết trong tương lai.

2/Hãy sử dụng phương pháp WRAP sau đây:

– W: Mở rộng các phương án (Widen Your Options)
– R: Kiểm chứng thực tế các giả định của bạn (Reality Test Your Assumptions)
– A: Giữ khoảng cách trước khi ra quyết định (Attain Distance Before Deciding)
– P: Hãy sẵn sàng để sai (Prepare to Be Wrong)
Giá trị của phương pháp WRAP nhằm tập trung sự chú ý vào những thứ ta hay bỏ lỡ nhưng thật ra rất quan trọng, giúp đưa ra quyết định tốt hơn.

3/ Ta có thể tìm những khả năng mới ở đâu?

– Khảo sát đa phương, cân nhắc nhiều phương án, tăng khả năng dự phòng.
– Tìm ai đó từng giải quyết vấn đề tương tự như vấn đề ta gặp phải.
– Cân nhắc phía đối lập. CEO cần can đảm đi tìm ý kiến bất đồng.
– Thu nhỏ, phóng to giúp chúng ta giảm bớt những tưởng tượng lạc quan quá đà, nhìn vấn đề từ góc rộng bên ngoài và sau đó soi vào cận cảnh.
– Thử nghiệm thực tế.
– Vượt qua cảm xúc ngắn hạn.
– Đề cao những ưu tiên cốt lõi.
– Đặt giới hạn cảnh báo cần thiết.
– Quyết đoán cho chúng ta sự lựa chọn dũng cảm và tự tin để có thể làm nên điều khác biệt hoàn toàn.

BZ_TamLy_6_14

Bài : Mỹ Trang

Xem thêm