Có hay không tình bạn trong giới thời trang?

Cathy Horyn - cây bút thời trang danh tiếng - chia sẻ những câu chuyện thật của chính mình về tình bạn trong ngành thời trang

Năm ngoái, tôi viết một bài báo về nhà thiết kế L’Wren Scott đăng trên tờ The New York Times. Trong quãng đời ngắn ngủi vỏn vẹn 49 năm của mình, L’Wren ghét nhất là bị soi mói đời tư, đại loại như cô ấy có bao nhiêu đời chồng hay khi nào sẽ lại đến New York. Nhưng những gì L’Wren đã làm cũng bí hiểm như chính sự ra đi của cô ấy. Bài báo của tôi ở thời điểm đó đã tiết lộ đôi điều mà không phải ai cũng biết.

Sau khi bài báo phát hành, biên tập xuất bản của tờ The Times đã cảnh báo tôi về tình bạn thân thiết giữa tôi với L’Wren. Độc giả bàn tán, săm soi và phàn nàn. Tôi chỉ kể về bữa ăn tối với L’Wren dịp Lễ Tạ ơn và những khó khăn trong công việc mà L’Wren tâm sự cùng tôi hôm đó. Ai mà ngờ, những ký ức thân tình như vậy lại thành đề tài cho thiên hạ xôn xao.

Độc giả có muốn đọc và hiểu về sự thật?

Tình bạn trong ngành thời trang đang là chủ đề hấp dẫn, có lẽ vì ít khi được phơi trên mặt báo đài. Nhiều lúc tôi tự hỏi, làm bạn với người trong giới thời trang có thật sự nguy hiểm? Tình bạn với họ cũng dễ đổi thay như bản chất của thời trang, và giả tạo giống như những đóa hoa hồng của Lesage hay sao? Khi biết tôi có mối quan hệ thân thiết với nhà thiết kế Oscar de la Renta, nhiều người lấy làm ngạc nhiên bởi chú Renta từng gọi tôi là “hamburger” trên tờ Women’s Wear Daily, còn tôi thì dùng từ “hot dog” để đánh giá về bộ sưu tập mùa xuân 2013 của chú. Thực chất, tôi đã làm bạn với chú hơn ba thập kỷ qua, và những gì mà tôi học được từ người đàn ông này là tinh thần cạnh tranh mạnh mẽ. Đôi khi bạn phải giả vờ tạo ra một cuộc chiến ngầm nào đó để thu hút giới truyền thông. Sau bài báo đó vài tuần, chú gặp tôi trong một sự kiện và nở nụ cười “nhắc nhở” tôi về “cuộc chiến ngầm” giữa chúng tôi dành cho cái ngành kinh doanh cần nhiều hơn là sự thật.

Câu chuyện đó khiến tôi nhớ đến nhà phê bình mà tôi rất thích, Wayne Koestenbaum. Năm 1995, cậu ấy xuất bản quyển “Jackie Under My Skin”, chỉ cho độc giả thấy truyền thông đã dùng hình ảnh của Jacqueline Kennedy Onassis để định hình nhận thức của công chúng ra sao. Tôi nhớ trong sách có câu thế này: “Với nhiều người, Jackie chẳng có nghĩa lý gì, Jackie chỉ là một nhân vật xuất hiện trên báo đài được người ta săn đón. Ai muốn biết về Jackie, chỉ việc ra sạp báo gần nhà là biết hết”.

Ấy là chuyện của 20 năm trước, còn 20 năm sau thì sao? Tôi nhìn quanh và thử hỏi xem có ai sống mà không gắn đời mình với một chiếc smartphone và đọc đủ thứ trên đó? Càng ngày, tôi càng thấy thế giới này thật lạ lùng. Chỉ cùng một sự việc mà có thể kể ra hai hay hàng lốc câu chuyện.

Trong ngành thời trang, thông tin được bạn đọc chú ý nhiều nhất là những thông tin đời tư đằng sau sàn diễn, mà thật sự thì mấy ai là người trong cuộc để biết độ chính xác của những thông tin ấy? Nói đến đây, tôi chợt nhớ về những bữa ăn tối ấm cúng trong bếp với nhà thiết kế Azzedine Alaïa ở Paris. Chúng tôi chuyện trò đến tận nửa đêm, tưởng chừng như bấy nhiêu thời gian có thể đủ để ra đời một thiết kế mới. Rồi tôi lại nhớ có lần mình lái xe đi chơi ở Bỉ hồi năm 2005 với một nhà thiết kế thời đó hãy còn vô danh là Raf Simons. Bên trong cánh cửa chiếc xe Volvo của Raf chất đầy hộp thuốc lá rỗng không. Không phải tôi lan man đâu, tôi chỉ muốn bạn hãy nhớ: chỉ nên tiếp cận và tin vào những gì bạn tận mắt nhìn thấy.

Người ta chỉ có bạn khi có thời gian

Ngày xưa, tôi đến với ngành thời trang vì tôi thấy những người trong ngành này thường sống đúng với cuộc đời của họ, sống một cách thật sự chứ không phải chỉ tồn tại. Hồi những năm 1970, mẹ tôi đã đặt mua những tờ tạp chí đình đám nhất, và tôi có cơ hội đọc về những tên tuổi lừng danh. Chừng 30 năm sau, tôi trở thành phóng viên và được giao phỏng vấn Yves Saint Laurent và nhóm cộng sự về chuyện họ từng cạnh tranh với Karl Lagerfeld những năm 1970 để giành ghế tiếp quản Gucci. Tổng biên tập lúc đó muốn tôi cho bạn đọc thấy bộ mặt thật của người trong ngành.

Nhớ lại thời đó, anh bạn của tôi – biên tập viên nổi tiếng Andre Leon Talley từng bảo tôi rằng: “Em có bạn vì em có thời gian”. Rồi anh nhẩm đếm trên đầu ngón tay những người bạn thật sự của mình, gồm Karl Lagerfeld, Ralph Rucci, Manolo Blahnik, Marc Jacobs, và nhà Valentino gồm Garavani và Giancarlo Giammetti.

Nói về Lagerfeld, Talley bảo: “Bọn anh đã không nói chuyện với nhau 6 tháng trời, nhưng rồi khi đến Paris, bọn anh chỉ cần nhấc máy gọi nhau là có mặt ngay. Đó là thứ trái ngọt em sẽ có được khi vun trồng một tình bạn hàng chục năm trời đấy, cô em ạ”. Anh còn nói: “Karl và Valentino rất giống nhau, cả hai người họ đều tin vào cảm giác cân bằng trong cuộc sống”. Anh còn chỉ cho tôi thấy chất keo đã gắn kết tình bạn giữa Jacobs, Sofia Coppola, Rachel Feinstein chính là cảm hứng và họ đã truyền cảm hứng cho nhau.

Ngày nay, vì cơ số những lý do, tình bạn trở nên khó duy trì, thậm chí không nằm trong danh sách những thứ cần ưu tiên của mỗi người.

Kathy Kalesti, quản lý bán hàng cho Narciso Rodriguez mà tôi từng gặp những năm 1990 bảo: “Ngành thời trang giờ bao la lắm, không còn là một nhóm những nghệ sĩ thân thiết như ngày xưa nữa”.

Đúng là thời gian chính là một trong nhiều nguyên nhân khiến người ta xa rời nhau. Đã qua rồi cái thời các biên tập viên có thể cà phê cà pháo ăn trưa chuyện trò hàng giờ. Talley cũng thừa nhận: “Giờ mọi người, cả bản thân anh đều dành nhiều thời gian hơn cho cái điện thoại và máy tính”.

Có lẽ, cùng với giới showbiz và phương tiện truyền thông mới, bản chất của tình bạn đang thay đổi. Nhưng tôi thích nghĩ rằng, tình bạn trong giới thời trang, giống như tài năng và sự nhạy cảm, sẽ đi vào tâm hồn của mỗi người và khai sáng sự hiểu biết của chúng ta về một ngành công nghiệp thật sự chứ không phải chỉ là những bộ quần áo đang được biểu diễn trên sàn catwalk.

“Làm bạn với người trong giới thời trang khó lắm, vì cái tôi của họ quá lớn. Bạn mà chọc vào cái tôi của họ, họ quẳng bạn vào bãi rác không thương tiếc” – Andre Leon Talley

BZ-tinh-ban-trong-thoi-trang

Tác giả Cathy Horyn

Cathy Horyn sinh năm 1956, là một nhà báo, nhà phê bình thời trang nổi tiếng của tờ The New York Times. Ngoài ra, Horyn còn cộng tác viết bài cho các tạp chí thời trang danh tiếng như Vanity Fair, Vogue, Harper’s Bazaar…

Chị nổi tiếng là cây bút sắc sảo, tinh tế, không e dè trước sự ảnh hưởng của các nhà thiết kế hay các nhân vật chi phối làng thời trang. Horyn có nhiều bạn thân như Raf Simons, L’Wren Scott… Bằng sự thẳng thắn, Horyn nhiều lần làm phật lòng các nhà thiết kế danh tiếng, trong đó có Oscar de la Renta, khi viết bài đánh giá bộ sưu tập mới của họ với lời lẽ khá gay gắt. Tuy nhiên, cũng chính vì tính cách bộc trực này mà Horyn được nhiều người trong giới thời trang yêu quý, và ít ai biết được chính Oscar de la Renta cũng là bạn thân của Horyn.

Chuyển Ngữ: Ngọc Khanh. Ảnh Minh Họa: Trí Nghĩa. Stylist: Emil Vy. Người Mẫu: Nhã Trúc, Hoàng Nhung (Trang Phục Và Mũ: Paul & Shark. Khăn, Túi, Mắt Kính: Furla). Trang Điểm: Đinh Trần

Theo Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 8/2015

Xem thêm