Cách nào gạt bỏ những áp lực vô hình?

Ai cũng phải gánh trên vai nhiều áp lực, điều quan trọng là ta cần biết cách tạm thời đặt chúng xuống để vui sống

Chuyện kể rằng ở một trường đại học nọ, vị giáo sư gọi các sinh viên của mình vào phòng học và yêu cầu mỗi người cầm lên một cốc nước. Khi các sinh viên đã thực hiện yêu cầu đó, ông hỏi họ: “Các bạn thấy cốc nước có nặng không?”. “Không ạ!”, họ đồng thanh đáp. Tuy nhiên, sau khi được giáo sư yêu cầu phải nâng chiếc cốc suốt cả buổi, họ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Vị giáo sư mỉm cười nói: “Các bạn thấy đấy, vấn đề không phải nằm ở chiếc cốc nặng hay nhẹ, vấn đề là các bạn phải cầm bao lâu”.

Trong cuộc sống, mỗi người đều phải cầm trên tay những cốc nước vô hình như vậy. Mỗi cốc nước một trọng lượng, nhưng khi chúng ta phải nâng chúng quá lâu, cảm giác mệt mỏi sẽ đến rồi tích tụ thành stress. Trước những áp lực, nhiều người đã tìm ra cách để đặt bớt gánh nặng xuống và tận hưởng cuộc sống của mình.

Những áp lực vô hình

Khi nhìn lại quãng thời gian đã qua, chúng ta chợt thấy có biết bao kế hoạch, dự định, những công việc chưa hoàn thành. Khi đó, một cách tự nhiên, ta dễ thốt ra những câu nói bắt đầu bằng từ “Giá như…”. Ta bắt đầu tiếc nuối và muốn quay lại biến điều ấy thành hiện thực.

Bên cạnh đó, còn có những gánh nặng tương lai. Khi đó ta tự hỏi mình những câu hỏi bắt đầu theo cách “Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu…”. Và khi ta đang loay hoay tìm câu trả lời, cuộc sống đã có thể nảy sinh những biến cố bất ngờ. Rồi khi ấy, ta lại “vò đầu bứt tai” vì gánh nặng phải tìm ra cách thích ứng với hoàn cảnh mới.

Những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, khi mắc kẹt trong áp lực, cơ thể chúng ta sẽ sản sinh ra những hormone căng thẳng, trong đó có cortisol, khiến toàn bộ cơ thể được khởi động để phản ứng ở tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài quá lâu, cortisol có thể phá hủy hệ miễn dịch của chúng ta. Những dấu hiệu cảnh báo sẽ tăng tiến dần, bắt đầu là nhiễm lạnh, đau đầu, đau nhức cơ bắp rồi đến mất ngủ và căng thẳng cao độ hơn nữa…

Quá khứ luôn là những gì đã qua, khi bạn chẳng còn cơ hội quay lại. Còn tương lai là thứ còn chưa đến, vậy sao ta cứ bận lòng. Chúng ta không thể đi nhanh nếu vai đang oằn xuống bởi sức nặng của stress và âu lo.

Kiểm soát hiện tại

Có một lần, tôi tình cờ đọc được câu chuyện thú vị về một người đàn ông. Dù trăm công nghìn việc, anh không bao giờ về với vợ con trong bộ dạng mệt mỏi, cau có. Bí mật của anh là: cuối ngày đi làm về, anh lại đến chỗ cái cây trong vườn, khẽ vỗ nhẹ vào nó, như thể nhờ cây giữ hộ gánh nặng của mình trong một đêm. Và sáng mai, rời khỏi nhà, anh vỗ vào nó lần nữa để xin lại trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, sau một đêm, gánh nặng của anh dường như cũng đã bớt đi chút ít.

Có lẽ, đó là cách mà chúng ta nên làm. Đôi khi, ta cũng phải đặt những gánh nặng sang một bên để tận hưởng cảm giác đời mình nhẹ bỗng. Cái cây của người đàn ông nói trên cũng như một chiếc công tắc giúp anh phân chia thời gian cho những điều quan trọng.

Đừng đặt tất cả lên vai cùng lúc, khi nâng cái này lên, hãy đặt cái kia xuống. Nhờ thế, đời ta sẽ bớt áp lực hơn nhiều.

Bí quyết sống khỏe cùng áp lực:

1/ THỰC HIỆN THEO DANH SÁCH NHỮNG VIỆC CẦN LÀM, trong đó bao gồm cả thời gian dành cho riêng bạn và những hoạt động giải tỏa căng thẳng. Xác định các nhiệm vụ quan trọng nhất để thực hiện trước tiên.

2/LUYỆN TẬP THỂ CHẤT THƯỜNG XUYÊN là một trong những cách tuyệt vời nhất để giải quyết căng thẳng. Việc này sẽ phóng thích endorphin trong máu và mang đến tâm trạng thoải mái cho bạn.

3/ HẠN CHẾ NHỮNG ẢNH HƯỞNG GÂY NHIỄU. Khi bạn có những công việc quan trọng cần phải hoàn thành, hãy cố gắng thu xếp được một khoảng thời gian để tập trung làm việc mà không bị làm phiền bởi điều gì khác. Bạn có thể tắt điện thoại, đóng cửa hay làm việc ở một nơi riêng tư.

4/ CHỦ ĐỘNG VÀ TÍCH CỰC TIẾP THU NHỮNG YẾU TỐ MỚI. Điều này hơi giống với việc học một ngôn ngữ mới. Bạn hãy bỏ lối suy nghĩ thụ động tiêu cực để nghĩ về những điều tích cực trong cuộc sống và nói lên suy nghĩ tích cực mỗi ngày. Đừng tốn thời gian để lo lắng về những điều bạn không thể thay đổi hay cứ suy nghĩ về những điều tồi tệ nhất.

5/ YÊU CẦU SỰ GIÚP ĐỠ. Dù thông minh và khéo léo đến đâu, chúng ta vẫn cần sự hỗ trợ vào một lúc nào đó. Đừng coi đó là một biểu hiện của sự kém cỏi mà hãy chia sẻ những vấn đề khó khăn của bạn với bạn bè, người thân

6/HÃY BỎ LẠI NHỮNG ÁP LỰC KHÔNG CẦN THIẾT bằng cách liệt kê những gì có ý nghĩa với bạn nhất trong hiện tại, đừng để mình chìm vào âu lo vô ích về quá khứ hay tương lai.

Bài: Mỹ Trang – Ảnh: Corbis

Xem thêm