Bạn có đang đeo “mặt nạ hạnh phúc”?

Trong cuộc sống, không hiếm người "nhìn vậy mà không phải vậy", vì sĩ diện, lề thói gia đình và nhiều lý do khác, họ đã phải làm "kịch sĩ ngoài ý muốn"...

Với ai đeo mặt nạ hạnh phúc, sau nụ cười giả tạo là những nỗi niềm đau đớn.

Dù năm năm đã trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên câu chuyện của cô bạn An Trân. Khi gặp lại Trân, tuy cố ra vẻ bình thường nhưng nét hốc hác, mệt mỏi trên gương mặt cô ấy không thể che giấu điều gì đó bất thường đang xảy ra. Sau một hồi lưỡng lự, Trân mới thổ lộ nỗi đau thầm kín của mình. Chuyện cô ấy kể làm tôi suy nghĩ mãi…

Những kịch sỹ gia đình

An Trân là một dược sỹ với ngoại hình dễ thương, tính tình đáng mến. Có thể nói không quá lời rằng khi chứng kiến Trân có một gia đình hạnh phúc, bạn bè phải thầm ao ước, mong được như vậy. Chồng Trân rất phong độ, là giám đốc một công ty lớn. Họ có hai con, một trai, một gái, vừa ngoan ngoãn vừa học giỏi.

Một thời gian sau, cô thấy chồng mình có những dấu hiệu bất thường và phát hiện anh có người phụ nữ khác bên ngoài. Đáng buồn hơn, kẻ thứ ba kia lại thua kém Trân cả về trình độ học vấn lẫn ngoại hình. Đối với Trân, mọi người đã quen nhìn cô là mẫu phụ nữ thành công về sự nghiệp và gia đình. Nếu chuyện lộ ra, Trân nghĩ mình sẽ bị chê cười là kẻ thất bại tình trường nên cô cắn răng chịu đựng, không ly hôn.

Chồng của Trân cũng không muốn chia tay vì công ty anh có một lệ bất thành văn. Đó là những người muốn leo lên chức cỡ phó tổng hay tổng giám đốc phải có gia đình hạnh phúc. Quan điểm của công ty là nếu ai không quản nổi mái ấm nhỏ, người ấy không thể điều khiển được một đại công ty gồm cả nghìn người. Thế là cả hai cố gắng diễn vở tuồng gia đình hạnh phúc trước mắt những người xung quanh.

Hai đường thẳng song song

Trên thực tế, tình trạng như của An Trân không phải là hiếm trong xã hội hiện đại. Bạn có thể thấy trong tấm ảnh lớn được treo trịnh trọng ở phòng khách là hình ảnh đẹp đẽ về gia đình đầm ấm với hai vợ chồng cùng con cái đang nở nụ cười hạnh phúc. Thế nhưng, sự thực lại là vợ chồng ngủ riêng, chẳng bao giờ thấy họ nắm tay, thủ thỉ tâm sự chứ đừng nói đến nụ hôn. Với họ, sinh nhật và những ngày kỷ niệm khác trôi qua chẳng khác một ngày bình thường.

Nhìn từ bên ngoài, cuộc hôn nhân đó có vẻ hoàn hảo với nhà to, xe xịn, con cái đẹp đẽ bảnh bao. Thế nhưng bên trong, mỗi người sống riêng một cõi, bất đắc dĩ họ mới mở miệng bàn bạc về con cái hay những việc thực sự quan trọng của gia đình. Nói cách khác, họ đang đeo mặt nạ hạnh phúc.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9–2011, nam tài tử Hollywood Brad Pitt đã chua chát thú nhận mình đang có cuộc hôn nhân giả tạo với Jennifer Aniston và phải đóng một vai diễn trong chính cuộc đời thật của mình. Nhiều người đã sốc và giật mình với thông tin này, nhưng trên thực tế, không ít người cũng cảm thấy mình đang trải qua một cuộc sống tương tự. Chỉ có khác là họ sợ thừa nhận sự không hòa hợp, bất mãn trong đời hôn nhân. Với họ, ly hôn làm họ mất thể diện, uy tín, dễ thất bát tài chính, mất nơi trú ẩn an toàn… Cứ như vậy, họ giả vờ ôm một gia đình đầm ấm ảo.

Tháng 7–2013, một nghiên cứu trên 2.000 cặp vợ chồng Anh quốc được đăng tải trên website The Huffington Post cho thấy, 1/5 trong số đó cho biết mình bị “mắc kẹt” trong hôn nhân và chỉ dám ly hôn khi có sự bảo đảm về tài chính. Bên cạnh đó, 1/4 số cặp vợ chồng cho biết mình không còn yêu người bạn đời và 15% trong số này ao ước giá như trước đó họ kết hôn với người hoàn toàn khác. Trên thực tế, có hàng triệu người cũng lâm vào tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” nhưng không thể ly hôn vì nhiều lý do khác nhau. Họ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” sống gượng đời vợ chồng.

Giải mã thực trạng

Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân phổ biến nhất khiến người ta cam chịu sống giả tạo chính là nỗi lo sợ. Họ sợ đương đầu với hậu quả, sợ mất con cái, tiêu tán danh dự và lo bị tước lớp vỏ bọc bảo đảm của hôn nhân… Nhiều cặp phải sống đóng kịch vì sợ điều dị nghị bình phẩm nếu ly hôn xảy ra. Họ không muốn mình bị chỉ trích, chế nhạo là kẻ thất bại trong hôn nhân.

Theo bác sỹ và cũng là chuyên gia tâm lý Mỹ Mark Banschick, không có một công thức chung nào nhằm giải quyết các vấn đề gia đình khi không hạnh phúc. Bạn sẽ ly hôn hay tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân mà thậm chí chính bạn cảm thấy mình đang thất bại? Hoặc bạn vẫn giữ quan niệm rằng hôn nhân là không hoàn hảo, rồi cứ đi tiếp con đường bất hạnh đó chờ mọi thứ sẽ qua đi?

Cách bạn giải quyết vấn đề nan giải này sẽ tùy thuộc từng hoàn cảnh cụ thể sau khi đã cân nhắc kỹ mọi khía cạnh từ tiền bạc, con cái, tài sản đến hệ lụy ly hôn đối với bản thân mình và bối cảnh sống. Tuy không thể làm cho thời gian quay ngược lại nhưng bạn có thể tiến tới phía trước với sự tự tin bằng quyết định của chính mình.

Bài: Ái Linh
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm