Hành trình đi tìm cái đẹp của nghệ sỹ thị giác Ly Hoàng Ly

Không để những khái niệm nghệ thuật phân vùng mình, các tác phẩm của nghệ sỹ thị giác Ly Hoàng Ly là sự kết hợp tương hỗ giữa các hình thức nghệ thuật như video art, thi ca, trình diễn, sắp đặt.

Ảnh: Hà Thế Hiển

Ly ngồi đó, lưng thẳng, đầu hơi cúi trên trang bản thảo, mặc mọi thứ xung quanh, mặc thời gian trôi, cho đến khi ngẩng lên thì trời đã tối, phòng làm việc không còn ai… Nhiều khi sau những lúc tập trung cao như thế, Ly lại giật mình thảng thốt… đã quên mất việc này việc kia, quên cả ăn và không hiểu sao mình bị tụt đường huyết xỉu trong lúc đạp xe trên đường.

Tự do đến không gì chạm được

Ly chạm vào “danh” từ rất sớm: Giải thơ Bút Mới của Báo Tuổi Trẻ năm 20 tuổi, bốn năm sau, tập thơ Cỏ trắng của Ly nhận Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động. Là biên tập viên của một nhà xuất bản, Ly Hoàng Ly cũng là cái tên nhiều người trong và ngoài nước biết với các hoạt động nghệ thuật đương đại. Nhưng Ly lại không để “danh” chạm vào mình. Từ chối tặng thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2006 cho tập thơ Lô Lô, Ly nghĩ: “Mong muốn sáng tạo là vô hạn, giải thưởng có cao quý đến đâu cũng là hữu hạn. Kỳ vọng vào bất kỳ giải thưởng nào là tự giới hạn mình”.

Khi được hỏi một câu hỏi “phi nghệ thuật”: Ly lấy đâu ra tiền để làm tác phẩm, thường là khá tốn kém? Ly đáp nhẹ như đương nhiên: “Có tác phẩm được tài trợ, có tác phẩm không, nếu không đủ thì mình tự bù. Giàu hay nghèo Ly cũng đều sống được…”. Đừng vội tưởng Ly phi thực tế. Bên trong mọi hình thức sáng tạo và diễn đạt nghệ thuật, người ta thấy một Ly Hoàng Ly rất thao thức với “sự đời”. Căn hộ Ly ở và tự thiết kế cũng cho thấy chân dung một phụ nữ đảm đang, giỏi sắp đặt, biết biến từng ngóc ngách trong không gian sống đều trở nên tiện ích và đẹp từng cm. Nhiều bạn bè biết tài đã nhờ Ly giúp cải tạo nhà, khiến Ly đôi khi nói đùa: “Ối, nếu Ly mà chuyển nghề thiết kế nội thất chắc là sẽ giàu to”. Thế rồi, Ly cứ lẳng lặng đi trên con đường tự do sáng tạo và thể hiện tư tưởng của mình, không danh, không lợi, không gì chạm vào được.

Đẹp là một chọn lựa bản năng

Ly quê ở Bắc Ninh, sinh ra ở Hà Nội, trưởng thành ở Sài Gòn, học nghệ thuật đương đại ở Mỹ. Sự tinh tế của người Kinh Bắc, sự thanh lịch của người Tràng An, tính cách rộng mở của người Sài Gòn… như đã làm nên vẻ đẹp trong phong thái của Ly: ý tứ, duyên dáng, và hiện đại.

Nhìn vẻ ngoài thong dong, cứ tưởng hành trình đi tìm cái đẹp của Ly là thảnh thơi lắm. Nhưng, không! Giỏi tập trung, Ly còn giỏi “phân thân” hơn khi cùng lúc phải hoàn thành nhiều việc: biên tập sách, sáng tác nghệ thuật, hoàn thành chương trình Fulbright song song với tận lực lo việc ăn ở, học hành cho cô con gái nhỏ khi hai mẹ con ở nơi xứ lạ quê người. Không thể biết được, nàng thơ, cô họa sỹ có dáng vẻ mảnh mai này lấy đâu ra đủ thời gian, năng lượng cho khối lượng và chất lượng công việc mà hai, ba người mới đảm đương nổi. Chắc chỉ có thể lý giải bằng sức tập trung cao độ, tinh thần quyết liệt, ý chí mạnh mẽ, và nhất là bằng tâm niệm xem con gái, và nghệ thuật là tất cả của mình.

Quen biết và là đồng nghiệp nhiều năm với Ly, nhưng phác họa chân dung Ly thật khó toàn vẹn, vì tôi chưa tìm được góc “bớt đẹp” để hình ảnh Ly chân thật hơn. Màu trong suốt của pha lê có lẽ vẫn chưa đủ để vẽ. Nhưng khi tôi muốn dùng màu của kim cương để thể hiện vẻ trong trẻo và rắn rỏi của Ly, Ly lại nói “thật ra Ly yếu xìu hà, chỉ cố… lê lết thôi, chỉ là mê làm cái gì thì làm hết mình thôi, ngày càng thấy có biết bao điều mình phải học phải rèn”.

“Có lẽ, nghệ thuật với Ly chính là bão giông cuồng phong, là hạn hán, cũng là đất mẹ, là khí trời, là nắng trong và gió mát”

HARPER’S BAZAAR: Nhìn Ly mong manh, có phải nghệ thuật đã lấy đi hầu hết năng lượng của Ly?

LY HOÀNG LY: Ly luôn cảm thấy mình toàn vẹn nhất khi ở trong thiên nhiên, bên cỏ cây. Có lẽ, nghệ thuật với Ly chính là bão giông cuồng phong là hạn hán, cũng là đất mẹ, là khí trời, là nắng trong và gió mát. Ly may mắn trải nghiệm việc chết đi rất nhiều lần trong cuộc đời này vì bản chất mong manh của mình, và rồi lại sống lại mãnh liệt rất nhiều lần nhờ sự rộng lượng của thiên nhiên. Có một người bạn nói với Ly rằng: chính Ly sẽ là ngôi nhà cho nghệ thuật. Theo Ly hiểu thì câu ấy có nghĩa: Ly không thể thở bình thường nếu thiếu nghệ thuật, hoặc nghệ thuật là ngôi nhà của Ly.

Nov 29 2014

HARPER’S BAZAAR: Thế giới installation và performance art mà Ly đang theo đuổi thật không dễ để công chúng cảm nhận?

LY HOÀNG LY: Ly bắt đầu với installation art năm 1997 và với performance art năm 2000. Trên thế giới, loại hình nghệ thuật này được khai sinh khoảng đầu những năm 1960.

Từ năm 1996, một số nghệ sỹ Việt Nam như Nguyễn Minh Thành, Trần Lương, Trương Tân, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Cường đã bắt đầu thực hành nghệ thuật đương đại. Cả hai hình thức installlation art và performance art thường chỉ tồn tại tạm thời phù du trong một không gian nhất định, khó mà lưu trữ lại được theo cách ta lưu trữ vận chuyển tranh hay tượng, nhưng có khả năng đưa ra những câu hỏi quan trọng cho chính nghệ sỹ và cả công chúng về cách chúng ta nhận thức, trải nghiệm về nơi chúng ta đang sống và chỗ đứng, vai trò của chúng ta trên thế giới này. Trong nhiều tác phẩm installation và performance, tương tác và phản ứng của công chúng là một phần cấu thành nên tác phẩm.

Công chúng không cảm nhận một cách thụ động, mà chủ động tham gia trực tiếp vào tác phẩm, đem lại những đối thoại và phản hồi thú vị, nhiều chiều.

HARPER’S BAZAAR: Dự định sắp tới của Ly?

LY HOÀNG LY: Hiện Ly đang cùng một nhóm bạn xây dựng một studio nhỏ mang tên Studio Một Lẻ Tám – One O Eight, thành địa điểm để chia sẻ những phác thảo, bản thảo, tạo cảm hứng cho nhau trong quá trình phản ánh suy tư, thái độ của mỗi người qua tác phẩm, về cái thế giới mà mình đang thuộc về, đang sống.

Một số tác phẩm của Ly Hoàng Ly

Faithfully Flat

unspecified

Dự án “Faithfully Flat”, mà Ly mời giáo sư toán Ngô Bảo Châu cộng tác, lấy ngôn ngữ toán học cao cấp làm vật liệu và dùng ngôn ngữ nghệ thuật thị giác diễn tả hình dạng của các biến lệch, khoảng hổng, dịch chuyển trong ngôn ngữ và cái không gian ý niệm được khơi mở trong vòng những diễn dịch khác nhau. Faithfully Flat có thể được hiểu như “địa điểm ảo” chứa đựng bộ mã then chốt giải mã mọi kiểu ngôn ngữ – nắm giữ căn tính, sự thật, và gốc gác của mọi sự, trong một thế giới mà mọi mảnh xé rời của tri thức, văn hoá, lịch sử được dán ghép.

Tháp mâm

Monument of Round tray - Thap Mam o Chiangmai Mar 2004 (81)
Khi bước đến gần Tháp Mâm, bạn sẽ thấy khối kim loại vững chãi đó chuyển động như một chuông gió khổng lồ… diễn tả sự kiên định vững chãi đồng thời tinh tế nhạy cảm của người phụ nữ truyền thống. Tháp mâm là biểu tượng cho mâu thuẫn nội tại của người phụ nữ Việt Nam – giữa quan niệm về giá trị và vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống – và nhu cầu khao khát tự giải phóng khỏi khuôn mẫu ấy, vẻ đẹp cũ ấy, dưới áp lực của một xã hội đang vươn đến sự hiện đại hoá, toàn cầu hoá, một đời sống đem lại cho người phụ nữ nhiều hơn những lựa chọn cá nhân.

Bài: Thu Nhi. Ảnh: Hà Thế Hiển, Giau Minh Truong, Nhân vật cung cấp
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm