Nghệ sỹ piano Phó An My: Dưới ánh mặt trời, có gì là mới đâu

Những ngày cuối năm, Bazaar đã có cuộc trò chuyện nhiều dư vị với nữ nghệ sỹ piano cá tính Phó An My

Nghệ sỹ Phó An My và nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên

Phó An My, người được mệnh danh là “ngón dương cầm bão tố” là một nghệ sỹ cá tính, độc đáo và cực kỳ… khác thường. My thường mặc đồ đen, giản dị, tóc xù, lúc buộc cao tém lên, thích hút thuốc, uống được bia, rượu và cực kỳ khéo tay. My ham chơi, nhưng làm nghệ thuật cũng khiến người ta kính nể. Điều gì, hình như cũng là dễ mà cũng là cực đoan với người nghệ sỹ này.

Dưới ánh mặt trời, có gì là mới đâu

BAZAAR (BZ): Này My, chị được làm quen với âm nhạc từ khi nào?

PHÓ AN MY (PAM): Khi tôi khoảng 3 tuổi, trong cái ký ức còn non nớt, ngôi nhà nhỏ trên phố Quan Thánh như một không gian âm nhạc khiến cho con bé là tôi cứ ngẩn ngơ. Mọi người tập đàn như điên. Tôi cứ ngắm họ, những người trong nhà tôi, hầu như ai cũng chơi một nhạc cụ. Hồi bé, tôi thích nghe chuyện cổ tích. Và khi tôi chạm tay vào các phím đàn, tôi cứ tưởng tượng ra à đây là con chó sói hung ác, nó đang đuổi theo con thỏ… Tuy nghịch ngợm, nhưng tôi rất thích được biểu diễn trên sân khấu. Khách đến nhà, tôi chạy ra cúi đầu chào, cứ như mình đang đứng trên sân khấu. Khi bố tôi đèo tôi bằng xe đạp đi qua Nhà hát Lớn, tôi cứ ao ước tự hỏi bao giờ mình sẽ được đặt chân vào biểu diễn ở đó. Thế nhưng lúc được bố mẹ chính thức cho học đàn, tôi thấy mình như mất đi tuổi thơ. Không còn được chơi các trò chơi khác, chỉ có học và tập đàn quá nhiều. Những ngày tháng cứ trôi đi như thế, như trong cơn tâm thần phân liệt…

BZ: Vậy là ngay từ đầu, chính ngôi nhà là môi trường âm nhạc, nhưng tại sao là piano chứ không phải loại đàn khác?

PAM: Thực ra, tôi thích và định học violin. Nhưng tôi bị chê là ngón tay út ngắn quá, không thể sử dụng cây kéo của đàn violin. Sau này sang Đức học, tôi gặp một cô bạn người người Trung Quốc, ngón tay cô ấy còn ngắn hơn tôi. Trời ơi, hóa ra người ta sẽ có phương pháp dạy dành riêng cho những người có ngón tay ngắn. Dĩ nhiên chắc là ở Việt Nam chưa biết, thế nên số mệnh đã định đoạt cho tôi phải gắn với piano cho đến bây giờ.

BZ: Tôi đang ngắm chị và tôi đang nghĩ không hiểu My hồi bé chịu ngồi học đàn nghiêm túc như thế nào nhỉ?

PAM: Cũng như mọi đứa bé khác, làm sao có thể nghiêm túc được, tôi nhận thấy mình phải ngồi học đàn, trong khi những đứa trẻ khác được chơi. Nhưng một người đã làm thay đổi nhận
thức của tôi, đó là thầy giáo dạy nhạc Hoàng Mi, một người tri kỷ, một người bố, một người bạn hữu. Tôi còn nhớ ngôi nhà của ông nằm trong ngõ Văn Hương. Vào mùa mưa, nhà dột, nước ngập ngoài ngõ. Ông phải gọi người bê cây đàn piano lên trên một đống gạch cao và tôi lội bì bõm qua nước để ngồi tập. Ông bảo: con đi đôi tất vào, cho đỡ muỗi. Những hình ảnh và cảm xúc ấy, tôi không thể nào quên. Điều làm tôi xúc động đến gai người, đó chính là tấm lòng của người thầy. Và chính vì thế, đến giờ, tôi nhận ra, mình sẽ mãi mãi không bao giờ có thể dạy học kiếm tiền được. Tôi có cái cực đoan riêng của chính mình.

BZ_TalkingPoints_PhoanMy_01_15

Một cảnh trong show Bóng của Phó An My

BZ: Nghe nói chị đã bị “bứt” ra khỏi vòng tay của bố mẹ để tự lập ở Đức từ sớm? Liệu có là một My “lạc lõng” ở Đức không? 

PAM: Năm 13 tuổi, tôi được anh trai đón sang Đức học nhạc. Đặt chân tới Đức, anh trai mua cho một cân nho xanh. Tôi nghĩ, thiên đường đây rồi, vì quả nho đó quá lạ, quá ngon, nó không có hạt. Sau đấy, thực tế khắc nghiệt đã dạy tôi nhiều bài học trong cuộc sống. Những năm 90, bố mẹ nghèo, không trợ cấp, nên tôi sống khá khó khăn ở bên đó. Tôi nghĩ mình sang đây vì có một sự sĩ diện không thể hiểu được. Trong sự cô đơn ấy, bạn bè chăm sóc tôi, người Đức tử tế với tôi, song hành với tôi suốt cả chặng đường dài. Tôi cũng chẳng hiểu mình kiểu gì mà mỗi lần vào phòng thi đều gây ấn tượng với các thầy. Cứ nhìn thấy tôi, ai cũng cười. Toàn bộ dàn giáo sư cứ cười lăn ra. Tôi chẳng hiểu sao nữa. Có vị bảo tôi: “My, mày có biết mày thừa độ điên không?”. Mà tôi có làm gì đâu nhỉ?

BZ: Về Việt Nam, với tấm bằng âm nhạc danh giá cùng các giải thưởng mà chẳng mấy khi “khoe”, chị có cú shock nào khi vừa từ “thiên đường” rơi xuống mặt đất không?

PAM: Ngày xưa, khi mới về, tôi nghĩ, phải bỏ nghề. Vì tôi quá mệt mỏi. Tự nhiên rồi một ngày tôi thèm được biểu diễn, thèm được chia sẻ. Vậy, ai sẽ xem tôi, ai sẽ nghe tôi, nếu họ không biết tôi là ai? Khi tôi kể một câu chuyện, cũng cần phải có người nghe tôi chứ. Đây là một thực tế. Còn về những thành tích, đến giờ phút này, tôi nghĩ, tại sao mình cứ phải đưa ra những giải thưởng đó? Có thể là tôi tốt, hoặc tôi tồi, cái đó có gì quan trọng? Tôi chỉ muốn biết tôi đang ở đâu. Có thể, sau những show diễn, mọi người tung hô, nhưng chỉ tích tắc ngay sau đó, tôi nhận ra mình đã thiếu cái gì. Vì vậy, những gì tôi nghĩ, để được hoàn hảo, thì mọi sự trải nghiệm từng sát-na một, nó biến đổi một cách quá nhanh. Còn dưới ánh mặt trời, có gì là quá mới đâu… Điều quan trọng nhất là sự tử tế

BZ: Tóm lại, 8 năm, được gì và mất gì? Hay vẫn mang biệt danh “My điên” về?

PAM: 8 năm ấy, tổng kết lại, tôi học được câu: Cái gì quá, là chết! Mình phải học, và chắt lọc được sự điềm tĩnh để đưa ra các câu chuyện. Không có gì là nhất trong cuộc đời này. Tôi muốn học sự cân bằng trong đời sống.

Kết hợp giữa nghệ thuật tuồng truyền thống và piano

Kết hợp giữa nghệ thuật tuồng truyền thống và piano

BZ: Nghe xong câu này, thì tôi thấy chị lại quá tỉnh, thế còn điều gì đã khiến chị kết hợp giữa piano cổ điển với các loại hình  nghệ thuật dân tộc? Một sự mạo hiểm chăng?

PAM: Có lẽ tôi phải biết ơn Hiển Lâm Các của Huế. Mãi sau này tôi mới biết đó là chốn linh thiêng nhất, là nơi thờ cúng vua chúa triều Nguyễn. Lúc ngồi ngoài sân Hiển Lâm Các, tôi chợt thấy một luồng gió mát, khung cảnh đặc biệt khiến tôi thấy mình phải làm gì đó liên quan đến âm nhạc dân gian truyền thống. Tại sao lại không có một sự kết hợp giữa piano cổ điển và một loại hình gì đó cực kỳ cổ điển của Việt Nam như tuồng, chèo, hát văn, hò…?

BZ: Nhiều người cho rằng, khi đi tìm con đường riêng của mình, chị đã “liều lĩnh” khi kết hợp giữa piano và các loại hình nghệ thuật cổ. Có đúng là chị liều thật không?

PAM: Trong show Lửa vừa rồi, truyền thông vây quanh làm tôi hoảng loạn, tôi bị mất tự tin. Tôi nghĩ, mình bị trông chờ quá. Cả tôi, và Tuệ Nguyên cùng hoảng loạn. Mà quả tình, tôi thích “Lửa” hơn là “Bóng” (một show trước của My). Tôi kỳ vọng vào nó ghê gớm. Khi kết thúc, nhiều nghệ sỹ đã gọi điện thoại cho tôi, cảm ơn và nói lâu lắm rồi, tuồng mới lại được trân trọng đến thế. Thực ra, những giá trị nghệ thuật hay sẽ tồn tại hàng trăm năm, có thể lâu dài hơn nữa. Tôi chưa đủ tư cách để bảo tồn chúng. Tôi chỉ là người song hành với chúng và tôi tin, những loại hình âm nhạc dân gian này sẽ nâng đỡ cuộc đời các nghệ sỹ thời nay, giúp họ qua được cơn bấn loạn để tiếp cận cuộc sống này.

Lửa, chương trình biểu diễn mới nhất của Phó An My

Lửa, chương trình biểu diễn mới nhất của Phó An My

BZ: My nói My ham vui, nhiều bạn, thế thì cũng đỡ buồn nhỉ?

PAM: Là một người làm nghệ thuật, thừa thãi quá thì không làm được, lúc có tiền thì nghĩ đủ thứ để tiêu bằng sạch. Lúc không có tiền thì nghĩ nên làm thế này thế kia. Vậy suy ra, cuộc sống phải thiếu thốn một chút. Tôi thì ham vui, sợ cô đơn, nên cần nhiều bạn. Tôi đã coi ai là bạn, thì mãi mãi là bạn.

BZ: Thế còn yêu thì sao? My khi yêu thế nào, có cực đoan như làm nghệ thuật không?

PAM: Trong tình yêu, tôi không kỳ vọng nhưng lại hay tưởng tượng nhiều. Về sau tôi nhận ra đó là cái sai của mình. Nhìn lại, cuộc đời đã cho tôi nhiều thứ, trong đó có hai đứa con. Với tôi, đó là món quà lớn nhất. Còn cực đoan khi yêu, tôi có muốn cũng không được đâu. Tôi không quan tâm tới hiện tại nhiều lắm. Với tôi, tự do có ý nghĩa hơn nhiều, biết mình còn sống được bao lâu nữa đâu. Điều quan trọng nhất của cuộc đời này là sự tử tế.

BZ: Nghe chừng về tình thì My có vẻ như “vô vi” rồi, thế còn vật chất ?

PAM: Tôi là người không cần gì cả. Các show diễn, đều phục vụ cho cá nhân tôi, cả ekip, đều là phục vụ cho cá nhân tôi. Thế nên trong đêm diễn, tôi không trăn trở vì tiền, mà chỉ trăn trở về việc tôi mang lại gì về cho họ, tôi nhìn rõ điều đó. Tôi mong một ngày nào đó, tôi sẽ đưa ra một concept piano đặc biệt, chỉ có âm nhạc, và âm nhạc. Hiện tại, mỗi show của tôi thường kết hợp nhiều thứ, cả nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, ánh sáng, âm thanh, hội họa. Tôi hiểu xu hướng bây giờ là thế. Nhưng, tôi đã quyết sẽ làm một chương trình chỉ có tiếng đàn piano, giao hưởng và bộ gõ. Tôi hy vọng, khán giả sẽ cảm thông và cùng tôi cảm thụ hơi thở của âm nhạc.

LỬA sẽ “cháy” ở TP. HCM

Lửa dựa trên tích Lửa thiêng được tác giả Lương Tử Đức phóng tác từ vở tuồng cổ Ngọn lửa Hồng Sơn. Nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên đã sáng tác phần piano mang hơi thở từ tuồng. Các diễn viên của Nhà hát Tuồng Trung ương sẽ biểu diễn cùng với các nhạc cụ thính phòng. Lần này trong Lửa có bộ gõ giao hưởng cùng hai nhạc cụ đặc trưng của tuồng là kèn bóp và trống chiên. Sau buổi biểu diễn thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lửa sẽ được Phó An My trình diễn tại Gem Center(TP.HCM) vào ngày 9-1-2015.

Phó An My thích

Phó An My thích phong cách thời trang đơn giản với hai màu đen trắng. Chị chỉ mặc đồ sặc sỡ khi biểu diễn trên sân khấu

BZ_TalkingPoints_PhoanMy_01_15-3

Bài: Codet. Ảnh: Gagaru, Tuấn Đào

Xem thêm