Marc Jacobs, Karl Lagerfeld… qua tác phẩm điêu khắc kính của họa sỹ Dustin Yellin

Họa sỹ Dustin Yellin đã khắc họa các bậc thầy phù thủy thời trang thế giới trong tác phẩm điêu khắc kính độc đáo của mình

Marc Jacobs: “Những điều mang lại cảm hứng cho tôi thường được tạo ra trong chuỗi những hình ảnh phi lý, hoặc những suy nghĩ khó có thể diễn tả ra một cách rõ ràng. Đó là một quy trình hoàn toàn nghịch lý. Những điều dường như hợp lý đối với tôi sẽ không nhất thiết hợp lý với những người khác” 

Dustin Yellin là họa sỹ chuyên về việc cắt dán, sắp xếp hình khối được làm từ sơn acrylic và những bức tranh nhỏ phần lớn được lấy từ những quyển sách cũ, gắn chúng vào nhiều mặt khác nhau của tấm kính. Sau đó chúng được hợp nhất với nhau để tạo ra không gian ba chiều khiến
người xem có cảm giác giống như các ảnh ảo từ tập sách Magic Eye bước vào đời thực.

Gặp Dustin Yellin tại studio Red Hook, nơi làm việc của anh ở Brooklyn khiến tôi có cảm giác như đang chui vào một hang động chuẩn bị màn bắn pháo hoa đặc sắc, một nguồn năng lượng tràn trề tỏa ra từ người nghệ sỹ ẩn giấu qua mái tóc nâu rối bù. Có tới hơn một tá các tác phẩm điêu khắc kính với mức độ hoàn thành khác nhau được đặt trên các bàn làm bằng thép vững chắc, khiến ta liên tưởng tới hình ảnh bệnh nhân đang nằm trên bàn phẫu thuật.

Karl Lagerfeld: “Tôi chưa bao giờ tự hỏi bản thân về quá trình sáng tạo của mình. Tôi chỉ làm việc mà thôi.”

Karl Lagerfeld: “Tôi chưa bao giờ tự hỏi bản thân về quá trình sáng tạo của mình. Tôi chỉ làm việc mà thôi.”

Cái cách Yellin thả mình xuống chiếc ghế, nhấp nháy đôi mắt xanh nhạt của mình sau cặp kính dầy cho tôi biết anh ấy đã không được ngồi nhiều giờ liền. Thời gian qua anh bận rộn di chuyển qua năm nơi khác nhau để hoàn thành việc tạo ra các tác phẩm trưng bày cho Công ty New York City Ballet, ra mắt vào tháng 1 tại Trung tâm Lincohn. Đồng thời xuất bản cuốn sách Heavy Water vào cùng thời điểm và chuẩn bị bài phát biểu tại hội thảo TED Talk ở thủ đô Vancouver vào mùa xuân. Bên cạnh đó, anh còn dành thời gian cho Pioneer Works, học viện phi lợi nhuận do anh thành lập ở tòa nhà bên cạnh.

Pioneer Works

Dustin thành lập Pioneer Works vào năm 2011, tiếp nối ước mơ của mình từ khi anh kết thúc trung học tại Colorado và chuyển tới New York sinh sống vào giữa những năm 1990. “Tôi có ý tưởng điên rồ về một xã hội kết nối không tưởng, nơi bạn bè của tôi có thể chơi nhạc trong khi tôi ngồi vẽ và những người khác thì sáng tác thơ. Tôi luôn thấy rằng khi có người làm mọi thứ xung quanh bạn, nó cũng thôi thúc bạn phải làm
gì đó”, Dustin chia sẻ. Ý tưởng trên được anh lấy cảm hứng từ cộng đồng những người làm nghệ thuật ở Đại học Cooper và Đại học Black Mountain. Năm 2009, anh tình cờ biết được một nhà máy đúc gang cũ lớn, được xây từ cuối năm 1800 ở số 159 phố Pioneer đang được rao bán.

Nicolas Ghesquière: “Tất cả những người phụ nữ, cảnh vật tự nhiên, nghệ thuật… là nguồn cảm hứng của tôi. Tôi thường bắt gặp nguồn cảm hứng của mình khi đi du lịch, đó có thể là người phụ nữ Ấn Độ mặc áo sari, mặt trời chiếu rọi hoa anh đào... Tôi đều chụp lại để ghi nhớ hoặc phác họa và tạo nên tác phẩm của mình.”

Nicolas Ghesquière: “Tất cả những người phụ nữ, cảnh vật tự nhiên, nghệ thuật… là nguồn cảm hứng của tôi. Tôi thường bắt gặp nguồn cảm hứng của mình khi đi du lịch, đó có thể là người phụ nữ Ấn Độ mặc áo sari, mặt trời chiếu rọi hoa anh đào… Tôi đều chụp lại để ghi nhớ hoặc phác họa và tạo nên tác phẩm của mình.”

Nhờ những khoản tiền quyên góp đáng kể mà anh luôn khiêm tốn khi nhắc tới, Dustin đã mua rất nhiều đồ để cải tạo nơi này, những dầm gỗ dày được để lộ, tách các ô cửa sổ làm bằng gạch để tạo nên khoảng sáng, một nét kiến trúc giống với các nhà thờ giáo hội. Tuy nhiên, cơn bão Sandy năm 2012 đã khiến nơi này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sàn nhà ngập tới hơn 1,5 mét nước biển. Nhưng điều này không làm Dustin nhụt chí, anh nói đây là một trong những điều kì quái nhất mình từng thấy.

Ẩn mình trong một không gian yên tĩnh giữa những tòa nhà công nghiệp ồn ào gần bến cảng, Pinoneer Works vẫn huyên náo trong sự yên lặng tách biệt. Ở đây có 7-10 người, gồm các nghệ sỹ, nhà văn, nhà khoa học cùng làm việc trong không gian tràn ngập ánh sáng. Pinoneer Works có 11 phòng thu âm, một phòng thí nghiệm hiện đang được sử dụng bởi một nhóm các nhà thần kinh học, thuộc công ty Nanotronics Imaging và các lớp học khác. Anh giải thích sự xếp đặt này mang tính liên kết với nhau: “Chúng tôi không bao giờ để 5 họa sỹ ngồi với nhau. Tầng một của không gian triển lãm mở miễn phí cho tất cả khán giả. Mọi người ở các lĩnh vực khác có thể bước vào nơi làm việc của bất kỳ ai và quan sát cách mọi thứ được tạo ra”.

Diane von Furstenberg: “Tôi có được nguồn cảm hứng từ những vị nữ anh hùng, những người phụ nữ hiện đại, đa nhân cách và cá tính như: Charlotte Gainsbourg, Jennifer Connelly, Catherine Deneuve.”

Diane von Furstenberg: “Tôi có được nguồn cảm hứng từ những vị nữ anh hùng, những người phụ nữ hiện đại, đa nhân cách và cá tính như: Charlotte Gainsbourg, Jennifer Connelly, Catherine Deneuve.”

Tầm nhìn có phần nổi loạn của Dustin Yellin đã không chỉ giúp Red Hook trở thành “cột thu lôi” cho cộng đồng hoạt động nghệ thuật tại New York, mà còn khiến cho anh có được hàng triệu người hâm mộ trong thế giới thời trang. Dustin đã khiến nhà thiết kế nổi tiếng Diane von Furstenberg rất phấn khích với những ý tưởng độc đáo của mình. Anh được Diane đặt thực hiện tác phẩm điêu khắc trên kính, miêu tả thiết kế váy quấn băng và đã trở thành thương hiệu độc đáo của bà. Diane cho biết thật hãnh diện khi tác phẩm đó được trưng bày ở lối vào buổi triển lãm Journey of a Dress tại Los Angeles, được các vị khách chiêm ngưỡng ngay từ khi bước vào. Năm ngoái, nhà thiết kế Misha Nonoo đã cộng tác với Dustin trên bản in màu cho bộ sưu tập mùa xuân 2015 của mình. Cô đánh giá: “Dustin thật sự rất tài giỏi, anh ấy có cái nhìn tổng thể vào một bức tranh lớn, thể hiện qua dự án Pioneer Works cũng như những dự án nghệ thuật của mình. Anh ấy không bao giờ đóng khung bản thân và luôn tin vào sự cộng sinh kết hợp giữa những thế giới tràn ngập sự sáng tạo”. Khi Pioneer Works phát triển thành một tổ chức có thể tự duy trì, anh mong muốn được thử nghiệm với những phương tiện khác nhau. “Cho dù làm gì, tôi cũng không bao giờ hoàn tất được, thậm chí chỉ là một phần nhỏ những điều tôi muốn thực hiện. Tôi có những ước mơ và tầm nhìn cho một tương lai rất xa về sau nữa”, Dustin nói thêm.

Bài: Charlotte Cowle. Ảnh: David Deng. Chuyển ngữ: Phan Thu Hiền

Dựa theo bài Out of the box trên Harper’s Bazaar tháng 5/2015

Xem thêm