Độc quyền: James Franco phỏng vấn Frida Giannini, giám đốc sáng tạo Gucci

Frida Giannini bị James Franco đặt câu hỏi hóc búa: Giả sử một tạp chí thời trang danh tiếng đánh giá thấp BST của Gucci thì sao?

James Franco và Frida Giannini đứng trước bức tranh của họa sỹ nổi tiếng Fernand Léger trong phòng khách.

Khi nhắc đến Gucci, nhiều người biết đến Tom Ford cùng với các thiết kế nóng bỏng, gợi cảm và cả những hình ảnh quảng cáo hết sức táo bạo của ông. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến cái tên của người kế nhiệm, Frida Giannini.

Nhưng rồi sự thành công của Gucci đã biến Frida Giannini từ một gương mặt mới trở thành người phụ nữ đầy quyền lực trong giới thời trang. Cô kết bạn với nhiều ngôi sao Hollywood như Gwyneth Paltrow, Katie Holmes, Oprah Winfrey… Trong đó, thân thiết nhất có lẽ là tài tử James Franco. Do vậy, chàng diễn viên điển trai tỏ ra rất hào hứng khi Bazaar ngỏ lời mời anh phỏng vấn cô bạn thân.

Vừa đáp chuyến bay dài từ London đến Rome, James Franco đã đến ngay nhà Frida Giannini để thực hiện cuộc phỏng vấn cho Bazaar. James thể hiện sự nghiêm túc và chuyên nghiệp như trên màn ảnh khi được giao trọng trách đặc biệt này.

***

JAMES FRANCO (JAMES): Frida ơi, em rất ấn tượng với các bộ sưu tập Thu Đông năm nay. Màu sắc và chất liệu mùa này cũng muôn hình muôn vẻ tùy theo từng nhà thiết kế. Theo em thấy, thường thì các bộ sưu tập trên sàn diễn trông lộng lẫy hơn so với lúc được bày bán ở cửa hàng. Ý chị thì sao?

FRIDA GIANNINI (FRIDA): Có thể lắm chứ nhưng điều đó không xảy ra ở Gucci đâu James ạ. Mình tin rằng dù trên sàn catwalk hay bên trong cửa hàng, các bộ trang phục Gucci đều độc đáo và lộng lẫy như nhau. Cậu biết không, Gucci không phải là kiểu công ty sẽ làm một cái gì đó thật điên rồ chỉ để trình diễn và rồi tạo ra một bộ khác cho dễ kinh doanh.

***

JAMES: Thế chị có nghĩ rằng nếu muốn tất cả tín đồ thời trang trên toàn thế giới đều mặc Gucci, có khi chị cần thay đổi cách thiết kế cho phù hợp với từng vùng?

FRIDA: Mình chưa từng nghĩ về điều đó vì mình cho rằng một tín đồ thời trang, dù ở Mỹ hay châu Á, đều yêu thích Gucci bởi những điểm chung nào đó. Mình không nghĩ người Trung Quốc sẽ nhảy cẫng lên vì một bộ sưu tập đặc biệt dành riêng cho họ đâu. Để mình kể cho James nghe một kinh nghiệm khá buồn cười thế này. Lần nọ, mình quyết định thực hiện một bộ sưu tập đậm chất Nga. Chúng được lấy cảm hứng từ các nghệ sỹ Nga những năm 1920 và 1930 di cư đến Paris. Cậu có ngờ không, rốt cuộc ai cũng thích bộ sưu tập đó cả, ngoại trừ người Nga.

***

JAMES: Lạ thật đấy! Mà chị Frida này, dạo này em thấy có một số nhà thiết kế áp dụng tiểu xảo để gây ấn tượng trên sàn catwalk. Như video này, em thấy đây cũng là một trò hay…

FRIDA: Mình thấy ngắm nhìn quần áo qua phần trình diễn của các cô người mẫu bằng xương bằng thịt trên sàn diễn vẫn thích hơn. James nghĩ xem, các phương tiện truyền thông như TV hay Internet không thể tạo cảm giác sống động như khi ta được tận mắt nhìn thấy những tà áo thướt tha theo dáng đi uyển chuyển của các cô người mẫu. Nếu để ý kỹ, cậu sẽ thấy báo giới và những vị “tai to mặt lớn” luôn được xếp ngồi ở các vị trí đẹp trong show diễn để có thể chiêm ngưỡng các bộ quần áo và trang phục thật rõ ràng đấy.

***

JAMES: Thế trong các show diễn của Gucci, chị có thay đổi cảnh trí, sắp xếp ghế theo hình tròn hay làm một điều gì đó mới mẻ không?

FRIDA: Cậu có biết Chanel nổi tiếng với những kịch bản hay ho luôn khiến khán giả phải trầm trồ thích thú? Trong khi đó, Gucci sẽ không đầu tư một số tiền lớn để tạo ra cái gì đó thật hoành tráng nhưng chỉ thể hiện trong 10 phút đâu James ạ. Thà bỏ sáu tháng để tập trung sáng tác một bộ sưu tập mới, mình vẫn thích hơn.

***

JAMES: Làm việc tập thể chắc dễ nảy sinh tranh cãi lắm chị nhỉ. Đội ngũ làm phim bên em cũng hay bất đồng về vấn đề chi phí…

FRIDA: Tranh cãi ư? Chuyện thường ngày ở huyện mà cậu trai ơi. Nào là giữa các thành viên trong nhóm, nào là giữa nhóm thiết kế với đội ngũ sales, nào là giữa đội ngũ của mình với báo giới. Bởi vậy, mình luôn phải cố gắng tìm kiếm điểm chung giữa mọi người.

***

JAMES: Chị có hay phàn nàn với nhân viên những câu như: “Chị không thích thiết kế này” hoặc “Mẫu này trông kinh quá”?

FRIDA: Không đâu, người đầu tiên mình cần phải phàn nàn chính là bản thân mình đó. Cậu biết mình sợ nhất là deadline trong khi các tuần lễ thời trang lại hay diễn ra vào cùng một thời điểm. Hơn nữa, đây là ngành công nghiệp đòi hỏi sự chính xác về giờ giấc. James nghĩ xem, vào ngày diễn ra show thời trang, nếu mình đến đó và nói: “Xin lỗi, tôi chưa hoàn thành bộ sưu tập”, không bị đuổi việc mới lạ đó.

20141101_Frida-Giannini-James-Franco

Frida Giannini và James Franco là cặp bài trùng từ nhiều năm nay.

*** 

JAMES: Thật ra cũng không tiện lắm khi có ê-kíp tạp chí Bazaar đang ngồi đây, nhưng em vẫn muốn hỏi chị điều này. Giả sử một tạp chí thời trang danh tiếng đánh giá thấp bộ sưu tập của Gucci thì sao?

FRIDA: Ở vài mùa đầu tiên, đôi khi mình còn bị sốc khi nhận được các lời khen chê lẫn lộn, đặc biệt là sau khi Tom Ford ra đi. Cậu có thể tưởng tượng áp lực đó lớn cỡ nào không? Mình là phụ nữ, Tom Ford là đàn ông. Mình là người Ý, anh ấy là người Mỹ. Cả hai hoàn toàn khác nhau. Còn bây giờ, thậm chí có khi mình còn thản nhiên ngồi đọc một bài báo chỉ trích bộ sưu tập của Gucci nữa đấy. Dĩ nhiên, ai cũng thấy thiết kế của mình là nhất rồi nhưng nếu lời góp là chính xác thì cũng đáng để nghe chứ, đúng không?

***

JAMES: Chị không cho là người ta sẽ không mua hàng của Gucci nữa vì bài báo thời trang đó sao Frida?

FRIDA: James à, chúng ta chỉ đang đề cập đến một thế giới rất nhỏ của báo giới, các nhà thiết kế và những người làm việc trong ngành thời trang. Đó không phải là quyết định của những vị khách cuối cùng…

***

JAMES: Vậy những lời khen chê không thể tác động đến các vị khách hàng cuối cùng?

FRIDA: Khách hàng sẽ luôn trung thành với cậu dù có chuyện gì xảy ra với thương hiệu. Còn nhớ thời điểm khủng hoảng kinh tế năm 2008, mình bị chỉ trích vì một bộ sưu tập đậm tính thương mại. Nhưng như cậu thấy đấy, trong khi nhiều công ty khác sụp đổ và biết bao người bị mất việc, nhà Gucci vẫn vững mạnh và hiện nay còn có hàng nghìn nhân viên trên toàn thế giới. Rõ ràng, thương mại hóa sẽ giúp ta giữ được doanh thu.

JAMES: Cảm ơn những chia sẻ của chị. Biết đâu đây sẽ là một đề tài hay dành cho em khi làm một bộ phim tài liệu về chị và Gucci trong tương lai.

Bài: Anamaria Wilson
Ảnh: Douglas Friedman, Reuters
Chuyển ngữ: Phương Thảo

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm