Doanh nhân Ngô Thị Cẩm Tú: Người phụ nữ đắm say với radio

Say mê với mọi điều từ chuyện giản dị nhất, chị như một ly rượu vang, nồng nàn không làm người ta say mà chỉ thêm men cho cuộc sống

Vang là thứ cởi mở, dễ phải lòng nhưng vang cũng phức tạp ra trò, như đàn bà vậy. Không ai chắc mình biết hết về vang. Ngậm một ngụm, cảm giác mềm môi thật dễ chịu, người rồi cũng mềm ra đấy, sau bao cố gắng của một ngày… Mưa lạnh, phòng ấm và một ly vang… chưa uống đã thấy men cay nồng.

Cuộc trò chuyện với chị Ngô Thị Cẩm Tú, Giám đốc công ty MegaMedia, bắt đầu bằng sự “phải lòng” mê đắm của chị với đời, với nghề…

Đắm say radio

Trong khi truyền hình, báo mạng đang chiếm ưu thế về độ lan truyền cũng như hiệu quả kinh tế, chị và cộng sự lại chọn việc kinh doanh giải pháp tiếp thị trên radio để phát triển sự nghiệp. Làm việc với hàng chục đài phát thanh, hàng trăm kênh tuyến huyện truyền thống, cùng nhóm kênh radio mới toanh trên nền tảng công nghệ, chị Cẩm Tú coi đây là một “good business”, “vì có quá nhiều người thích truyền hình và Internet nên chúng tôi bơi trong thị phần radio cũng thoáng rộng”.

Chị rạng rỡ nói về nghề: “Radio là giọng nói và cảm xúc. Một lời cảm ơn được nói ra chầm chậm chân tình, một sự xúc động khiến giọng nói lắp bắp, một cơn cao hứng khiến giọng bạn vang to hơn… đều mang lại các ngữ nghĩa cảm xúc khác nhau”.

Mê đời nồng say

Cuộc sống cái gì cũng vui, cũng hay, với chị, đều là năng lượng cả. Những cái ta có là nguồn năng lượng đã đành, những cái ta không có, cũng là năng lượng cho ta tiến tới. Chị thừa nhận mình chịu ảnh hưởng nhiều từ đàn ông, nhất là bố và chồng, ở khả năng chấp nhận nhưng không bao giờ từ bỏ. Phần nào đó, trong công việc, chị không coi mình là phụ nữ.

Chồng chị, vừa là bạn đời, vừa là bạn nghề, bạn chơi, là “tri kỷ” gần bên. Hai cô con gái được vợ chồng chị nuôi dạy theo hướng phát triển tự nhiên: “Tôi mong con mình sống đời thực tế và tôn trọng sự khác biệt. Chúng tôi cùng nhau đi nhiều nơi, đến những chốn không xác định và không được dọn sẵn, cùng nhau nhảy xuống sông tắm hay đến những nơi trang trọng, nói chuyện với những con người đáng kể. Tất cả đều đáng để trải nghiệm”.

Thoăn thoắt với các chuyến vào Nam ra Bắc, đi nước ngoài, chị vẫn nhiệt thành giữ liên lạc với bạn bè, đi chợ vào bếp làm vài món cho gia đình, giữ được niềm đam mê văn chương, bền bỉ với yoga trong quỹ thời gian eo hẹp. Chị cười vui: “Tôi thích hình ảnh người phụ nữ giỏi giang đứng ở cửa nhà”. Say mê với mọi điều từ chuyện giản dị nhất, chị như một ly rượu vang, nồng nàn không làm người ta say mà chỉ thêm men cho cuộc sống

Giọng nói, chất men gắn kết

“Khách hàng của chúng tôi không nói truyền hình hiệu quả hơn hay Internet nhanh hơn. Chúng tôi nói với nhau, trong mục tiêu này thì cái nào tốt hơn, trong trường hợp kia thì kiểu nào hiệu quả hơn. Ví dụ một nhãn hiệu làm thế nào để tiếp cận với một người đang lái xe ô tô, một người lơ mơ ngủ, một người đang nấu nướng, một người tập thể thao, một ngư dân trên biển, một nông dân đang gặt ngoài đồng, một tiểu thương trong chợ… Dễ thôi, dùng radio. Radio di động và song hành với các hoạt động của con người, nó xuất hiện đúng lúc và thường xuyên. Radio là giọng nói và cảm xúc, bạn có thể quay nhanh quay chậm hành động, có thể thiết kế lại các bức ảnh, nhưng mà giọng nói thì luôn là thật, điều này có sức truyền cảm mạnh”.

Và nếu nghe giọng nói của Cẩm Tú, dù ngoài đời hay trên sóng, người ta đều có thể cảm nhận được chất men đặc biệt này.

BZ_Nudoanhnhan-NGO-THI-CAM-TU-1

“Cuộc sống là những lựa chọn. Tôi thấy những điều mình làm được và những điều mình không làm”

3 thứ say lòng với Cẩm Tú

Tự tự tin khi mặc “đồ của tôi”

Nhãn hiệu nổi tiếng thường có nhiều đồ đẹp, nhưng các nhãn chưa nổi tiếng cũng vậy, cũng có nhiều đồ đẹp. Khi ta nói đẹp, là khi cái món đồ ấy nói lên được tiếng nói mà ta muốn. Món đồ hiệu mới nhất nói rằng ta là cô gái thời thượng, còn món đồ mang dấu vết các trào lưu đã xa cho ta sống lại ký ức. Cho nên, tôi mặc đồ của tôi, tôi tự tin hơn, cười cười nói nói, bước chân tung tăng dễ chịu. Có lần đi phượt trong mưa bão, tôi và chồng dừng xe để ngắm một cô gái dân tộc đang lội ruộng và thốt lên: “Trời ơi, đôi ủng của cô ấy có màu đẹp quá!”. Rồi chúng tôi mò vào chợ thị trấn và mua được đôi ủng nhựa màu xanh đá rất đẹp. Bà con dùng ủng này đi làm đồng cho khỏi ướt chân. Vào những ngày mưa, tôi đi đôi ủng đó và lội vào chợ tìm mua mớ cá rô đồng. Thời trang nên là thứ ca ngợi bạn. Còn hàng hiệu thuần túy là cách bạn ca ngợi thời trang.

Danh sách những thứ li ti

Tôi thích sống, trong cuộc sống như hoa như lá, có phần của công việc. Tôi là đàn bà thích ba thứ nhỏ nhặt. Đi ăn các món thú vị, hoặc tới quán cafe xinh xắn hoặc leo lên tầng ba chung cư cũ để mua đồ trong một cửa hiệu nhỏ xíu. À… và ta nên đi chợ đồ cũ. So với các shop thời trang chỉ có một hai mùa, thì một khu chợ đồ cũ cho bạn khám phá cùng một lúc hàng ngàn kiểu chơi, hàng trăm nhãn hiệu và hàng chục trào lưu sống. Nói cách nào đó, tôi thích tất cả những thứ có hồn có vía.

Qua cây đa bến nước mà không ghé chân vào cái quán nước đầu làng thì cảm thấy bị phí. Nói chung, cuộc sống rất sinh động, cuộc sống mở hội mỗi ngày, khắp nơi, ngay từ đầu ngõ nhà ta. Rồi giờ nếu ta chưa đi dự được thì lấy điện thoại ra note lại những thứ li ti nhưng đầy cảm xúc đó. Bản danh sách này lẫn lộn từ vài bài hát bỗng nhiên thấy yêu, một quán ăn có từ cách đây gần trăm năm, một sự kiện văn hóa nghe nói sẽ hay, tên một tác giả mới nổi, lịch chiếu phim, số của anh taxi vui tính, hoặc nhật ký một ngày đáng nhớ, tóm lại là rất lung tung… Cuộc sống không chờ bạn ký bản hợp đồng xong rồi nó mới diễn ra.

Thú tuyệt nhất là ngao du

Đi du lịch với chúng tôi là sống hạnh phúc ở một nơi khác, chứ không phải là tới xem những cảnh đẹp, hoặc tự thấy mình cao quý trong hồ bơi của một resort. Vì vậy, chúng tôi cần nhiều thời gian, mỗi năm ít nhất dành ra một tháng. Này nhé, cần phải ở Côn Đảo chừng 10 ngày, một chỗ đó, mới thấy được những cơn mưa trôi theo mây ngang đảo, thấy nhịp điệu ở chợ, thấy đêm trong, thấy ngày nay và ngày mai ở đảo không khác nhau gì cả. Cần đi xe ở Tây Bắc, trong bóng đêm nhìn các chiều đều không thấy ánh điện, để thấy một đêm tối chỉ có sao nháy mắt trên trời. Âm u và hùng vĩ, và trong bóng đêm ấy, ta thấy một vài người Mông đi săn, họ lẫn vào vũ trụ. Cần phải đi lang thang trong những ruộng nho ở Napa Valley cả chiều, tối về ngủ trong căn nhà gỗ, sáng mở mắt ra thấy con chim làm tổ trong cây sồi già và con ngựa thở phì phì ngoài cửa sổ như trong truyện cổ tích. Ba bề bốn phía không một tiếng động của loài người để thấy cái buồn ơi là buồn, rộng ơi là rộng, thanh bình như đang ở giữa đường chân trời của nông thôn Mỹ. Chúng tôi thích cảm giác miệt mài lái xe dọc nước Úc như lũ thanh niên bỏ nhà đi lang thang, nhảy tàu điện chui rúc các khu phố của người da màu ở Harlem, New York như thể một người trở về nhà của mình sau khi lên khu da trắng có việc. Hoặc đi bộ dưới các triền núi, đỉnh thì đầy tuyết trắng mà nắng thì chan hòa trên các cánh đồng vàng sẫm có hàng ngàn con cừu như những chấm trắng ở New Zealand. Nếu đi bảo tàng thì ta sẽ lại đắm chìm trong im lặng cả ngày không thoát ra được, nếu ghé nhà một người bạn và say sưa nấu ăn, ta dễ mất nửa ngày cho một bữa. À, và còn nữa…

Thực Hiện: Mỹ Trang. Stylist: Emil Ty. Ảnh: Thái Kids. Make Up: Lee Quan, Đầm: Lê Thanh Hòa. Cảm ơn sự hỗ trợ của quán M2C, 4B Lê Quý Đôn, Q. 3, Tp. Hồ Chí Minh.

Theo Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 8/2015

Xem thêm