Chủ sở hữu Delvaux Francois Schwennicke: Chọn Việt Nam để trốn ánh hào quang

Dừng chân tại Việt Nam hơn một thập kỷ qua với mục đích "nghỉ hưu" sớm, ông lại tiếp cận với đất nước này bằng cách đầu tư vào ngành công nghiệp bia đầy sôi động

Căn hộ của Francois Schwennicke có rất nhiều sách. Cuốn sách ông cầm trên tay viết về lịch sử phát triển của thương hiệu Delvaux.

Khi chúng tôi bước vào căn penthouse trên tầng thượng một trong những tòa nhà sang trọng nhất TP. Hồ Chí Minh, Francois Schwennicke đã chờ sẵn. Ông mặc chiếc áo sơ mi xanh linen giản dị và quần jeans. Dáng vóc cao cao thanh nhã, giọng nói từ tốn, ông trông như một giáo sư nhiều hơn là một doanh nhân.

Người đàn ông này rời Bỉ đến Việt Nam sống gần mười hai năm qua. Khi hỏi sao ông đến Việt Nam, ông hóm hỉnh: “Để sản xuất bia”. Câu trả lời nghe qua rất logic. Ai chẳng biết Bỉ là quốc gia của bia. Thế nhưng nếu bạn biết thêm về xuất thân của ông, bạn sẽ không tin bia đã mang ông đến Việt Nam suốt ngần ấy năm.

Giới mê thời trang đều biết Delvaux – nhà sản xuất túi da cao cấp có lịch sử dài lâu nhất thế giới. Delvaux ra đời năm 1829. Họ nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho các sản phẩm túi xách của mình năm 1908. Vì thế trong ngành thời trang, Delvaux được xem là nhà phát minh ra túi xách da.

>>> Xem thêm: NĂM 2020, DELVAUX GIỚI THIỆU 3 MẪU TÚI XÁCH MINI PHONG CÁCH SATIRE TRỨ DANH

Cơ duyên trở thành chủ sở hữu Delvaux

Đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy trong chiến dịch quảng cáo của Delvaux năm 1961.

Đầu thế kỷ 20, thương hiệu đi xuống. Ông Franz Schwennicke mua lại công ty Delvaux năm 1933. Chiếc túi xách mang tên Le Brillant ra đời năm 1958 với logo chữ D nổi bật. Đây là lần đầu tiên logo của một thương hiệu được sử dụng và từ đó trở thành chuẩn mực công nghiệp. Vợ ông, bà Solange, tiếp quản công ty vào năm 1970. Bà giới thiệu dòng túi Le Pin lớn hơn để phù hợp với nhu cầu của phụ nữ ưu tiên sự nghiệp.

Ca sỹ, diễn viên Dara cầm túi xách châm biếm của Delvaux: “Ceci n’est pas un Delvaux” (tạm dịch: Chiếc túi này không phải Delvaux)

Giới thiệu lịch sử công ty dài dòng như thế để nói với bạn rằng: Francois Schwennicke là con trai trưởng và người thừa kế của gia đình. Ông trở thành Giám đốc điều hành của tập đoàn vào năm 1993. Ông hợp tác với First Heritage Brands để đưa công ty đến giai đoạn phát triển quốc tế tiếp theo.

Năm 2009, ông đến Việt Nam sinh sống, nhưng vẫn giữ vai trò chiến lược trong ban giám đốc của Delvaux. Người đàn ông thành đạt cuối cùng cũng cho chúng tôi câu giải thích rõ ràng: “Tôi đi trốn các sự kiện và sự chú ý của mọi người”.

Tiếc thay, ông chỉ được yên ổn nghỉ hưu cho đến khi gặp Harper’s Bazaar! Tháng 10 năm ngoái, chúng tôi đã mời ông lên trao giải trong sự kiện Star Awards 2019.

>>> Xem thêm: KHOẢNH KHẮC ÔNG FRANCOIS SCHWENNICKE TRAO GIẢI CHO TRƯƠNG NGỌC ÁNH TẠI BAZAAR STAR AWARDS 2019

Cách đây ba năm, ông cùng người bạn đồng hương Gauthier Lagasse thành lập công ty bia thủ công Bỉ, tên là Belgo. Thế là câu chuyện của chúng tôi rôm rả diễn ra quanh chủ đề di sản, xa xỉ phẩm, thời trang và… bia.

HARPER’S BAZAAR: Francois, dường như người mẹ Solange ảnh hưởng nhiều đến ông?

FRANCOIS SCHWENNICKE: Gia đình Schwennicke lưu giữ truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi thế hệ có sứ mệnh kế thừa các giá trị và phát triển lên một tầm cao mới.

HARPER’S BAZAAR: Khi trở thành CEO của Delvaux, ông ưu tiên tập trung vào điểm nào trong ngành công nghiệp xa xỉ?

FRANCOIS SCHWENNICKE: Vào đầu những năm 90, ngành công nghiệp xa xỉ châu Âu bắt đầu mở rộng sang phần còn lại của thế giới. Tôi tập trung phát triển thị trường quốc tế của thương hiệu sang châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tôi phát triển đội ngũ sản xuất, đồng thời tăng số lượng thợ thủ công. Cuối cùng, tôi tân trang lại tất cả các cửa hàng theo thiết kế đương thời. Cho dù là một ngôi nhà cũ, nó trông vẫn tươi mới và hiện đại.

Một người bạn đã kết bức tranh bằng kén tằm này tặng Francois Schwennicke. Ông treo bức tranh ở vị trí trang trọng trong căn hộ penthouse của mình.

HARPER’S BAZAAR: Ông nhận xét gì về sự phát triển của thời trang châu Á trong hơn 30 năm quá, thưa ông?

FRANCOIS SCHWENNICKE: Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi may mắn được chứng kiến sự phát triển to lớn của thời trang xa xỉ châu Á. Khởi nguồn từ Nhật Bản những năm 1980. Lan tới Hồng Kông và Singapore. Gần đây là Trung Quốc.

Tuy các thương hiệu gốc từ Âu và Mỹ vẫn chiếm ưu thế, nhưng thương hiệu địa phương đã tạo nên sự cạnh tranh sôi động cho thị trường. Những mẫu sản phẩm Nhật Bản rất truyền cảm và được quốc tế công nhận. Các quốc gia châu Á khác đang theo gương của họ.

Rosé của Blackpink bên chiếc túi Delvaux ưa thích. Ảnh: Instagram @roses_are_rosies

HARPER’S BAZAAR: Mười mấy năm sống tại Việt Nam, ông thấy thị trường nội địa có sự chuyển biến đáng kể nào không?

FRANCOIS SCHWENNICKE: Tôi đã chứng kiến sự ra đời của nhiều thương hiệu nội địa mới. Việt Nam có lợi thế tay nghề thủ công và có thể sản xuất trang phục với số lượng nhỏ. Hạn chế duy nhất là doanh nghiệp Việt phải nhập tất cả các nguyên liệu, trừ lụa tơ tằm. Lực lượng lao động trẻ, tài năng và đầy nhiệt huyết Việt Nam là những tiềm năng rộng mở cho tương lai.

“Người Việt Nam tò mò, thích tìm hiểu và có niềm say mê vô hạn với cuộc sống. Đó chính là tiềm năng để kích cầu các ngành công nghiệp hướng tới chất lượng và sự tinh tế.”

– Francois Schwennicke –

HARPER’S BAZAAR: Ông cảm nhận thế nào về xu hướng thời trang Việt?

FRANCOIS SCHWENNICKE: Việt Nam đã trải nghiệm phần nào xu hướng tương tự như các nước châu Á khác. Song song đó là sự phát triển của giới thượng lưu.

Thực tế cho thấy tâm lý người Việt Nam vẫn chuộng đồ ngoại. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền cho các nhãn hàng nước ngoài dù chúng có chất lượng thấp hơn hàng nội địa. Khách hàng dù vẫn yêu chuộng các thương hiệu nước ngoài, nhưng đã bắt đầu đề cao bản sắc cá nhân với sự phát triển của nhiều thương hiệu địa phương. Theo tôi, các doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu sâu hơn để nâng tầm thương hiệu.

Diễn viên Diễm My 6X là một tín đồ của túi Delvaux. Ảnh: Facebook Diễm My

HARPER’S BAZAAR: Ông thấy có xu hướng tiềm năng lớn nào khác ở Việt Nam? Hoặc lĩnh vực khác ông đã đầu tư vào?

FRANCOIS SCHWENNICKE: Tôi thấy hơi tiếc là Việt Nam không sản xuất được các nguyên liệu như vải, phụ kiện kim loại. Thậm chí cả da chất lượng cao cũng không có. Phải chi chúng ta có thể có một ngành dệt may và đồ da hoàn thiện hơn. Điều này sẽ tăng cường tương tác giữa các nhà thiết kế và các ngành công nghiệp. Từ đó, tạo ra các sản phẩm khác biệt được định vị cao hơn trong chuỗi giá trị thị trường.

Mặt khác, tôi cũng thấy tiềm năng lớn cho các ngành công nghiệp hướng tới chất lượng và sự tinh tế. Lấy ví dụ về ngành công nghiệp bia. Năm năm trước, chỉ có vài thương hiệu bia địa phương với chất lượng cơ bản. Thế mà gần đây, ngành bia thủ công tại thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một chuẩn mực ở châu Á. Chúng tôi nhìn thấy hiện tượng này trong ngành thực phẩm, khách sạn. Ngay cả ngành kinh doanh thời trang cũng trở nên đa dạng như vậy…

Bia thủ công trở thành một xu hướng mới trong ngành ẩm thực.

HARPER’S BAZAAR: Đó là nguyên do ông và đối tác Gauthier quyết định đầu tư xây dựng nhà máy bia Belgo?

FRANCOIS SCHWENNICKE: Đúng vậy. Gert Keersmaeker sản xuất bia trong nhà máy ngay vùng ngoại ô thành phố. Đây là nhà sản xuất bia hàng đầu với nhiều năm kinh nghiệm tại Bỉ. Chúng tôi tự hào thấy hai quán của mình ở Đa Kao, Q.1 và Lê Ngô Cát, Q. 3, ngày càng được nhiều người biết đến. Chúng tôi cảm kích sự tiếp nhận nồng nhiệt của mọi người đối với sản phẩm của chúng tôi tại các quán trên khắp cả nước.

Chi nhánh Belgo Lê Ngô Cát, Quận 1

HARPER’S BAZAAR: Sân thượng nhà ông có tầm nhìn tuyệt đẹp. Nếu tổ chức tiệc tại đây và có thể mời các nhân vật từ quá khứ đến hiện tại, ông sẽ mời ai?

FRANCOIS SCHWENNICKE: Tôi sẽ mời ca sỹ Bỉ Jacques Brel. Ông là một nhà nhân văn học vĩ đại, triết gia, diễn viên và yêu bia. Kế đến là Eckhart Tolle, một nhà văn, triết gia. Cuốn sách của ông, Nghệ thuật của hiện tại, là một trong những tác phẩm yêu thích nhất của tôi. Tôi cũng ngưỡng mộ Pablo Picasso bởi khả năng tái tạo bản thân trong suốt cuộc đời ông ấy. Tôi chắc chắn sẽ mời Loan. Người phụ nữ đã luôn đồng hành cùng tôi trong suốt những năm tháng ở Việt Nam. Bữa ăn tối sẽ như là lời cảm ơn đặc biệt mà tôi dành cho cô ấy. Sau cùng là một số người bạn thân của tôi ở Việt Nam. Chắc chắn là vậy.

HARPER’S BAZAAR: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ đầy cảm hứng và nhiều thú vị này!

>>> Xem thêm: UỐNG BIA VÀ TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA BỈ TẠI SÀI GÒN

Bài: Chris Thompson. Chuyển ngữ: Xuân Hà
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm

Nhân vật

Chủ sở hữu Delvaux Francois Schwennicke: Chọn Việt Nam để trốn ánh hào quang
Francois Schwennicke
Nơi sinh : Bỉ
Lĩnh vực hoạt động/nghề nghiệp : Doanh nhân
Thành tựu chính
    • CEO Delvaux – nhà sản xuất túi da cao cấp có lịch sử dài lâu nhất thế giới
    • Cùng bạn thành lập công ty bia thủ công Belgo ở Bỉ