Lối đi nào cho ngành dệt may ở Việt Nam?

Sự việc Khaisilk thừa nhận bán lụa Trung Quốc gắn mác “Made in Việt Nam” trong một thời gian dài gây chấn động dư luận khiến Harper’s Bazaar đi tìm lời giải vì sao ngành dệt may ở Việt Nam vẫn không phát triển

Năm ngoái, tôi có một bài viết trên tạp chí Harper’s Bazaar số tháng 11 về đề tài chất liệu. Khi ấy, vấn đề được đặt ra là, khi nguồn nguyên liệu nội địa bị lãng phí đến mức dẫn đến các làng nghề thủ công bị khai tử; các nhà thiết kế và doanh nghiệp có động thái nào để xoay chuyển tình hình. Bài toán năm ấy xem ra vẫn chưa có lời giải cụ thể.

Một năm sau, trong số báo tháng 11 mà quý độc giả cầm trên tay, tôi lại một lần nữa nói về chất liệu. Nhưng lần này, mối quan tâm của tôi được mở rộng ra ở chỗ; “Từ chính phủ, nhà sản xuất vải, đến doanh nghiệp kinh doanh thời trang phải làm gì; để có thể vực dậy một nền công nghiệp yếu kém đang bị Trung Quốc lấn lướt?”.

Nói là bị lấn lướt, là bởi vì hàng hóa, chất liệu; thành phẩm có xuất xứ từ Trung Hoa Đại lục ngày nay đã tràn lan trên toàn thế giới. Thậm chí là lụa có xuất xứ từ Trung Quốc, trở nên nổi tiếng vì chất liệu cao cấp; hoa văn sắc sảo, giá thành hợp lý; đã trở thành mặt hàng sản xuất mà ngành dệt may Việt Nam khó lòng sánh kịp.

Ngành dệt may ở Việt Nam: Thị trường béo bở còn bỏ ngỏ

Sau Trung Quốc, Campuchia và các nước Trung Đông, thì Việt Nam cũng sở hữu nguồn nhân công giá rẻ. Rẻ đến mức các hãng thời trang của Đài Loan, Hàn Quốc; và gần đây là Nhật Bản, kéo nhau ồ ạt sang nước ta lập nhà máy, xưởng may. Nhưng nguồn hàng hóa sản xuất ra chủ yếu là để xuất khẩu. Trong khi đó, dân ta hơn 90 triệu người; rõ ràng là một thị trường khá béo bở, thì lại bị bỏ ngỏ chẳng mấy ai quan tâm.

Khi các hãng fast-fashion như Mango, Zara, Topshop và mới đây là H&M chính thức đổ bộ vào Việt Nam; đối tượng khách hàng họ nhắm đến cũng chỉ là giới trẻ, học sinh – sinh viên và nhân viên văn phòng. Kể cả khi các thương hiệu Việt bắt đầu rục rịch cho ra mắt những sản phẩm được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; họ cũng chỉ nhắm đến hầu bao của những đối tượng này.

Hệ quả là các quý bà, quý cô từ U40 trở lên đành phải tìm đến những thương hiệu đắt giá từ nước ngoài và không ngừng làm giàu cho các ông lớn quốc tế. Còn phụ nữ thuộc thành phần lao động cứ vậy mà trung thành với các sản phẩm trôi nổi ngoài chợ; với nguồn gốc không rõ ràng, giá thành thì lập lờ mà kiểu dáng thì vẫn còn năm một nghìn chín trăm hồi đó.

Thực trạng  ngành dệt may ở Việt Nam

Nếu nhìn lại tình hình ngành công nghiệp dệt may ở Việt Nam; không khó để nhận thấy chúng ta thua kém các nước bạn ở điểm nào. Định hướng trồng bông làm sợi; công nghệ sản xuất chất liệu và độ nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng; chúng ta đều đi sau người khác.

Nhà máy gia công sản phẩm ở Việt Nam không thiếu, cái thiếu chính là nhà máy sản xuất vải. Nguồn vải được thành phẩm ngay lập tức được đóng thùng xuất đi các nước khác. Bởi các nhà máy sản xuất vải này cũng được doanh nghiệp nước ngoài đầu tư; tận dụng nguồn nhân công giá rẻ và vị trí giao thông đường biển thuận lợi ở nước ta.

Nên mới có chuyện, các doanh nghiệp, nhà thiết kế trong nước phải lặn lội sang tận nước ngoài để tìm kiếm chất liệu phù hợp với các thiết kế của mình. Từ đó dẫn đến chuyện giá thành sản xuất tăng vọt đến chóng mặt; thế thì người có thu nhập trung bình thấp nào dám đụng tới.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.”

Trước khi trách nước bạn vì sao “suy nghĩ tân tiến thế; có được công nghệ vượt trội thế”, chúng ta hãy nên nhìn lại chính mình. “Bộ Công Thương, Hiệp hội dệt may Vitas; Vinatex phải dứt khoát quyết tâm phát triển ngành sản xuất vải cho nhu cầu thị trường nội địa hơn nữa. Trước tiên là dòng vải cơ bản cho áo quần casual wear, rồi sau đó hãy đến các dòng vải cho thiết kế cao cấp hơn.

Từ năm 2005 khi Hiệp định EPA có hiệu lực; đó đã là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam chú trọng vào sản xuất vải để đáp ứng yêu cầu 2 công đoạn. Việt Nam đã không bỏ được tính chậm trễ, để rồi đến hôm nay sau mười mấy năm; hầu như sản xuất cho thị trường trong nước vẫn là số 0. Đến yêu cầu TPP cho ngành dệt may là 3 công đoạn; thì Việt Nam lại càng hụt hơi”; chị Mizuno Gia Cát – Quản lý kế hoạch công ty Adastria tại Shibuya (Tokyo), chia sẻ.

20171107 ngành dệt may ở Việt Nam 01

Lối đi nào cho ngành dệt may ở Việt Nam?

Vốn có thâm niên làm việc trong ngành dệt may ở cả Việt Nam và nước ngoài, chị Gia Cát nhận xét rằng; nếu như được Nhà nước và các ban ngành quan tâm, đầu tư và phát triển đúng cách; các doanh nghiệp và nhà thiết kế Việt không phải lo lắng về nguồn chất liệu nữa. Từ đó cũng sẽ không xảy ra tình trạng dân Việt phải mua hàng may sẵn; hàng chợ mà vải thì ai cũng hiểu là vải rẻ, vải thừa nhập từ Trung Quốc; các nhà sản xuất “giấu mặt” cũng không cần phải bắt chước mẫu mã theo các nhãn hiệu casual wear thế giới; gắn nhãn mác theo các nhãn hiệu ấy và bán theo hình thức “hàng xuất khẩu” cho chính người mua trong nước.

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm