Lịch sử Alexander McQueen và sự tồn tại hậu cái chết nhà sáng lập

Nói đến thương hiệu Alexander McQueen và nhà thiết kế quá cố lập dị, người ta nghĩ ngay đến những trang phục độc đáo có một không hai.

Giống như người “cha đẻ” lắm tài nhiều tật, thương hiệu thời trang Alexander McQueen cũng có những bước thăng trầm. Tài năng của Lee Alexander McQueen đã được Isabella Blow phát hiện và nâng đỡ. Lee đã thành lập nên thương hiệu thời trang Alexander McQueen năm 1992.

Sau khi McQueen qua đời ở tuổi 40, hãng thời trang Alexander McQueen vẫn tiếp tục hoạt động dưới sự lãnh đạo của Jonathan Akeroyd với vai trò giám đốc điều hành kiêm chủ tịch, Sarah Burton từng là cánh tay phải của McQueen trở thành giám đốc sáng tạo và Pina Ferlisi làm giám đốc thiết kế dòng thời trang McQ.

alexander_mcqueen_pophore.com

Nhà thiết kế Lee Alexander McQueen. Nguồn: pophore.com

Sự khởi đầu của Alexander McQueen

Những bộ sưu tập đầu tiên của Alexander McQueen đã làm dấy lên một làn sóng tranh cãi trong làng thời trang thế giới. Anh đặt tên cho chúng với những cái tên cực sốc để tạo sự chú ý. Như chiếc quần lưng trễ với tên gọi là “bumsters”. Hay một bộ sưu tập mang tên Highland Rape.

Ngoài ra, anh cũng dàn dựng những show diễn hết sức độc đáo và xa hoa. Như show diễn mùa xuân 2003 trên nền một màn hình rộng với hình ảnh con tàu bị đắm sống động như trong phim. Một bàn cờ người khổng lồ trên sân khấu runway mùa xuân năm 2005. Hay màn trình diễn ấn tượng với kỹ thuật tạo ảnh ba chiều hologram của siêu mẫu Kate Moss ở phần kết show với thiết kế những sóng vải quấn quanh người siêu mẫu như rêu.

Bộ sưu tập mô phỏng bàn cờ mùa xuân 2005

Với vai trò là nhà thiết kế chính cho hãng thời trang của mình, McQueen đã bốn lần liên tiếp nhận giải Nhà thiết kế của năm tại Anh. Năm 2003 anh còn được Hiệp hội Các nhà thiết kế thời trang Mỹ (CFDA) trao giải thưởng Nhà thiết kế quốc tế của năm.

Tháng 12–2000, Tập đoàn Gucci nắm 51% cổ phiếu của công ty Alexander McQueen và bổ nhiệm anh làm giám đốc sáng tạo trước khi mở hàng loạt cửa hàng thời trang mang thương hiệu này tại các thành phố lớn như London, Milan, New York, Los Angeles và Las Vegas. Ngày 31–10–2011, Alexander McQueen khai trương cửa hàng đầu tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc, đánh dấu sự có mặt của thương hiệu này tại châu Á.

Alexander McQueen cho ra đời bộ sưu tập thời trang nam đầu tiên vào mùa xuân – hè 2005 và tiếp tục thực hiện những bộ sưu tập dành cho phái mạnh trong các tuần lễ thời trang Milan.

Năm 2008, Alexander McQueen ra mắt trang web bán hàng qua mạng tại Mỹ. Hai năm sau, trang web đã mở rộng thị trường sang Anh.

Thông tin McQueen tự tử được công bố vào chiều ngày 11–2–2010. Tại thời điểm đó, công ty đã có số nợ lên tới 32 triệu bảng Anh mặc dù lợi nhuận từ doanh số bán túi xách tay của Alexander McQueen năm 2008 cũng không phải là nhỏ.

Thương hiệu McQ

Ngày 27–7–2006, Alexander McQueen khai trương dòng sản phẩm may mặc giá rẻ McQ. Dòng sản phẩm này gồm quần áo may sẵn và phụ kiện cho nam và nữ do chính Lee Alexander McQueen thiết kế và SINV SpA sản xuất, phân phối trên khắp thế giới. Bộ sưu tập Xuân – Hè năm 2011 là bộ sưu tập cuối cùng Alexander McQueen hợp tác với SINV SpA. Tháng 6–2010, Pina Ferlisi được chỉ định làm giám đốc sáng tạo cho dòng thời trang này.

Sau khi kết thúc hợp đồng với SINV SpA, thương hiệu Alexander McQueen tuyên bố sẽ kiểm soát dòng sản phẩm phụ McQ bằng một đội ngũ nhân sự nội bộ, trong đó Pina Ferlisi làm giám đốc sáng tạo, hoạt động dưới sự chỉ đạo của giám đốc sáng tạo thương hiệu Alexander McQueen Sarah Burton.

Tháng 9 – 2012 cửa hàng thời trang độc lập McQ đầu tiên được khai trương trương tại London vào đúng tuần lễ London Fashion Week)

Những đối tác của Alexander McQueen

Tháng 1–2003, Alexander McQueen hợp tác với hãng nước hoa Jacques Cavallier cho ra đời nước hoa của mình đầu tiên mang tên Kingdom (Vương quốc). Sau đó công ty tiếp tục cho ra đời hương nước hoa thứ hai My Queen (Nữ hoàng của tôi) vào năm 2006.

Năm 2004, Alexander McQueen hợp tác với Safilo để phát hành dòng sản phẩm mắt kính. Bộ sưu tập năm 2010 tạo ấn tượng cho thương hiệu với hình đầu lâu trên các sản phẩm.

Năm 2005, Alexander McQueen hợp tác với Puma để sản xuất dòng sản phẩm giày dép Alexander McQueen Puma. Bộ sưu tập mùa Thu 2009 của dòng sản phẩm này đã mở rộng hơn với quần áo và phụ kiện cho nam và nữ.

Năm 2008, Alexander McQueen hợp tác với tập đoàn bán lẻ khổng lồ Mỹ Target. Đây là lần đầu tiên Target hợp tác với một nhà thiết kế nước ngoài. Cũng trong năm này, Alexander McQueen đã hợp tác với Samsonite để sản xuất va-li, túi xách với hình ảnh là bộ xương người và những họa tiết từ động vật khác. Alexander McQueen còn hợp tác với Philip Treacy cho ra đời những chiếc mũ cho bộ sưu tập mùa Xuân năm 2008 và bộ sưu tập mùa Thu năm 2009.

Một mẫu headpiece do Phillip Treacy thiết kế cho Alexander McQueen trong bộ sưu tập Xuân 2008

Tháng 6–2010, tạp chí Visionaire số 58 đã đưa dòng tít “Spirit: A Tribute To Lee Alexander McQueen”. Ấn bản tưởng niệm nhà thiết kế tài danh Lee Alexander McQueen này giới thiệu những hình ảnh và cuộc nói chuyện giữa McQueen với các biên tập năm 2003 nhằm xúc tiến việc hợp tác không bao giờ thành hiện thực. Ấn bản còn có sự đóng góp của Lady Gaga, Steven Klein, Nick Knight và Mario Testino. Chỉ có 1.500 ấn bản được phát hành. Đặc biệt, từng trang tạp chí được làm từ loại giấy có thể ươm mầm nhằm tượng trưng cho di sản của huyền thoại McQueen sẽ luôn sinh sôi nảy nở.

Những bộ sưu tập gây tranh cãi

Scandal đầu tiên của McQueen là bộ sưu tập Xuân – Hè 1995 với chiếc quần “bumsters” đặc trưng. Lúc đó chiếc quần này được xem là không đúng đắn vì nó không che được đường cong phía dưới của vòng ba.

Tiếp theo đó là bộ sưu tập Thu – Đông 1995 mang tên Highland Rape. McQueen đã giải thích rằng bộ sưu tập nói về việc người Anh đã “hãm hiếp” người Scotland. Đây là bộ sưu tập mang âm hưởng cá nhân vì gia đình Lee Alexander McQueen cũng có nguồn gốc Scotland. Bộ sưu tập gồm những chiếc đầm bằng vải kẻ ô đặc trưng của Scotland và chiffon rách tả tơi, thậm chí có một chiếc váy làm bằng từ vệ sinh.

Năm 1998, Alexander McQueen chụp ảnh Aimee Mullins và cho cô trình diễn thời trang với đôi chân gỗ được chạm khắc phức tạp. Aimee Mullins đã trở thành người bị cụt hai chân đầu tiên trình diễn thời trang.

McQueen ngày càng gây sốc như sàn trình diễn bộ sưu tập Thu – Đông 2009, Horn of Plenty. Trong show thời trang này, các người mẫu được trang điểm với đôi môi to và đỏ chót hoặc thâm tím giống những búp bê tình dục bằng cao su cùng những chiếc mũ làm từ rác và bất cứ vật dụng gì có thể tìm thấy như những lon nhôm và băng keo ngụ ý ví người mẫu như rác rưởi. Tương tự như vậy, bộ sưu tập nam Thu – Đông 2010, Bailitheor Cnámh với các nam người mẫu đeo mặt nạ và khăn trùm đầu kỳ quái ám chỉ đến hình ảnh ác dâm hay nô lệ và trong đó có những bộ vest in hình đầu lâu, xương người.

Bộ sưu tập Horn of Plenty

Cửa hàng bách hóa tổng hợp Selfridges đã bị lên án mạnh khi họ trưng bày những thiết kế của McQueen dưới giá treo cổ. Sau đó cửa hàng này đã cáo lỗi và phát biểu rằng: “Khi treo một mẫu thời trang trong bộ sưu tập mới của Alexander McQueen họ không có ý ám chỉ đến cái chết đột ngột hoặc anh ấy đã chết như thế nào”.

Tháng 10–2010, câu lạc bộ xe mô-tô The Hell’s Angels kiện thương hiệu Alexander McQueen vì đã lợi dụng biểu tượng đầu lâu có cánh của họ trên một số mẫu thiết kế trong bộ sưu tập Thu – Đông 2010. Cuối cùng, hãng thời trang đã dàn xếp được với Hell’s Angels sau khi chấp nhận bỏ tất cả những hàng hóa có in logo của Hell’s Angels trên website, cửa hàng đồng thời thu hồi và hủy bỏ những sản phẩm đã bán.

Một trường hợp tương tự nhưng ngược lại, nhà thiết kế phục trang cho tập phim Harry Potter and the Deathly Hallows Jany Temime đã bị cho là sao chép mẫu đầm trong bộ sưu tập Thu – Đông 2008, The Girl Who Lived in the Tree (tạm dịch: Cô gái sống trên cây) của Alexander McQueen. Trong đó, chi tiết những con công từ nguyên bản thiết kế của Alexander McQueen đã được Temime sửa đổi một chút để trở thành chim phượng hoàng. Tuy nhiên, bà đã quên sửa những chi tiết khác của con chim, kể cả những chiếc lông chim công. Câu chuyện này cũng tốn khá nhiều giấy mực của báo chí làng thời trang.

Thời kỳ hậu Lee Alexander McQueen

Ngày 18–2–2010, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Tập đoàn Gucci, ông Robert Polet, tuyên bố Alexander McQueen sẽ vẫn tiếp tục hoạt động khi không còn nhà sáng lập kiêm giám đốc sáng tạo Lee Alexander McQueen.

Ngày 27–5–2010, Sarah Burton, cánh tay phải của McQueen, chính thức trở thành giám đốc sáng tạo cùng với kế hoạch cho ra đời bộ sưu tập đồ lót nam vào tháng 6. Dòng sản phẩm đồ lót nam được in những họa tiết trong bộ lưu trữ của McQueen và logo được in trên lưng quần.

Sarah Burton và mẫu áo cưới cô thiết kế cho công nương Kate Middleton. Nguồn: hellomagazine.com

Burton cũng khá thành công trong vai trò của mình khi các bộ sưu tập đầu tiên của cô cho thương hiệu Alexander McQueen đều nhận được nhiều lời khen và đánh giá tích cực. Sarah Burton cũng chính là người thiết kế chiếc áo cưới cho công nương Catherine Middleton trong lễ cưới của cô với hoàng tử William ở Anh tháng 4–2011.

Ngày 28–11–2011, Sarah Burton đã giành giải Nhà thiết kế của năm tại Giải thưởng thời trang Anh. Tháng 1–2014, Harley Hughes trở thành nhà thiết kế chính cho dòng sản phẩm dành cho nam.

Thương hiệu yêu thích của hoàng gia

Cùng với những thiết kế đầy cảm xúc và sinh động, vừa lãng mạn vừa hiện đại, phong cách đối lập: mong manh nhưng mạnh mẽ, truyền thống nhưng hiện đại, Lee Alexander McQueen đã đưa thương hiệu Alexander McQueen trở thành tên tuổi lớn trong làng thời trang thế giới. Sau khi Lee Alexander McQueen qua đời, hãng thời trang Alexander McQueen vẫn tiếp tục hoạt động và phát triển dưới sự lãnh đạo của giám đốc sáng tạo Sarah Burton đầy tài năng.

Ngày nay, Alexander McQueen vẫn là một trong những thương hiệu được ưa thích bởi công nương xứ Cambridge Kate Middleton.

Bộ sưu tập thu đông 2012 của Alexander McQueen do Sarah Burton thiết kế

 Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm