Người giàu Trung Quốc đua nhau học kiểu cách thượng lưu

Những quý cô giàu có ở Trung Quốc không còn khẳng định đẳng cấp chỉ bằng việc mua những chiếc túi hàng hiệu đắt đỏ ở trời Tây. Giờ đây, họ muốn cư xử theo đúng kiểu cách của người phương Tây

Sara-Jane Hồ, người sáng lập trường dạy nghi thức xã giao đang thị phạm cách cầm thìa ăn súp cho các học viên.

Năm người phụ nữ Trung Quốc ngồi thẳng lưng trên ghế, túi xách tay hàng hiệu để ở dưới chân, tập trung lắng nghe một phóng viên ảnh của tạp chí Tatler của Trung Quốc giảng về cách tạo dáng như thế nào ở nơi công cộng.

Đây là khóa học “Cách tạo dáng thanh lịch trước ống kính”, một trong những lớp của Viện Sarita, một mô hình hiện đại của trường nghi thức xã giao châu Âu cung cấp dịch vụ cho thế hệ người giàu mới phất lên ở Trung Quốc. Những lớp khác của trường diễn ra ở quận Sanlitun hiện đại của Bắc Kinh, gồm các lớp dạy dỗ trẻ em, kiểu cách ăn uống tao nhã và cách phát âm tên các thương hiệu nổi tiếng.

“Giàu nhưng quê”

CHINESE-LEARN-ETIQUETTE-8

Sara-Jane Hồ (đứng) năm nay 30 tuổi, đã tốt nghiệp trường Havard Business School là người sáng lập viện Sarita

“Phần lớn các khách hàng của tôi từng có những lúc bối rối khi ra nước ngoài hay khi ăn tối bàn bạc chuyện làm ăn. Họ tới đây vì họ muốn học cách ứng phó tốt hơn,” Sara-Jane Hồ, một quý cô ăn mặc chỉn chu và là người thành lập trường, ngồi trong phòng khách bày toàn đồ nội thất cổ nhập từ Pháp, nói.

“Chủ yếu là học cách ứng xử trong môi trường quốc tế,” Sara-Jane Hồ nói. Bản thân cô từng tốt nghiệp trường Havard Business School và đã học nghi thức xã giao ở Viện Villa Pierrefeu, Thụy Sỹ, một trong những trường hàng đầu về nghi thức trên thế giới.

Một lớp học nghi thức có gì?

Cô có những lớp chuyên dạy cho những phụ nữ đã kết hôn lẫn quý tiểu thư mới vào đời những cung cách ứng xử của người thượng lưu. Cô dạy họ tất cả mọi thứ, từ cách chùi miệng mà không làm bẩn khăn ăn, cách lột vỏ cam mà không phải chạm các ngón tay vào, cách tránh đâm phải mũi nhọn của dao ăn vào người ngồi kế bên.

“Những học viên của tôi là những người từng thi nhau mua túi Hermès cách đây 10 năm. Giờ đây họ muốn nâng bản thân lên một tầm cao mới với những tiêu chuẩn chuyên sâu hơn”, Sara nói. Cho tới nay, cô đã thu hút được vài trăm người Trung Quốc giàu có tới học. Sara sẽ mở một chi nhánh ở Thượng Hải vào tháng Năm.

CHINESE-LEARN-ETIQUETTE-3

Các học viên chăm chú trong một lớp học của Sara 

Sara làm mẫu cho các học viên của cô tách vỏ chuối bằng dao và nĩa…

…cũng như tách vỏ cam.

Các quý cô, học viên của Sara Jane đang học cách dùng nĩa xoắn mì Ý sao cho thật tao nhã.

Một quý cô đang ăn súp từ tốn theo hướng dẫn.

Họ được dạy cách sắp xếp dao nĩa gọn gàng sau khi ăn xong.

Khát vọng “lột xác”

Với 190 tỷ phú và hơn hai triệu triệu phú thì Trung Quốc chỉ thua Mỹ về số lượng cá nhân có giá trị tài sản lớn, theo nghiên cứu của tạp chí Forbes và Boston Consulting Group. Theo đà phát triển nhanh này, những người giàu mới nổi tự nhận thấy họ không có mấy kiến thức và ít được đào tạo về cách cư xử trong trong các hội nghị kinh doanh quốc tế và những lúc giao tế.

“Nhiều người đã trở nên giàu có trong một thời gian quá ngắn. Sự thay đổi đã tạo rất nhiều sức ép đối với cá nhân.”, Sara giải thích. Kết quả là các doanh nhân ý thức được rằng họ quá vụng về, thô lậu trước các đối tác Tây Âu hoặc Châu Á.

Các khách hàng tham dự lớp học nghi thức giao tế ở Trung Quốc bao gồm các quan chức chính phủ, trẻ em được du học ở nước ngoài, các bà vợ sẽ phải tiếp trọng khách và những người thích du lịch nước ngoài.

“Với phạm vi đào tạo rộng này thì nhu cầu là rất lớn,” James Hebbert, đại diện của Seatton, một trường chuyên đào tạo về nghi thức xã giao ở Trung Quốc cho biết. Khách hàng của ông lúc đầu chỉ là tài xế hãng Rolls Royce muốn ăn mặc cho đúng cách, sau đó trường còn đào tạo cả cách ứng xử cho các thí sinh đi thi hoa hậu.

Thí sinh Hoa hậu Trung Quốc 2014 học cách ứng xử từ giáo viên trường Seatton (Ảnh Darcy Holdorf)

Thí sinh Hoa hậu Trung Quốc 2014 học cách ứng xử từ giáo viên trường Seatton (Ảnh Darcy Holdorf)

Nếu như việc học cách bóc vỏ cam bằng dao và nĩa có vẻ như hơi quá hình thức ở Châu Âu thì ở Trung Quốc, những người mới giàu sẵn sàng trả những khoản tiền không nhỏ để học được sự cảnh vẻ hỗ trợ cho địa vị mới có của họ.

“Lần tới, khi đi Milan và ăn tối ở một khách sạn sang trọng thì tôi có thể tự tin nói với chồng tôi là không nên cầm dao ăn như cầm dao găm,” một học viên khóa dạy phép xã giao Tây Âu nói. Người muốn ẩn danh này dự khóa học với James Hebbert ở Thượng Hải. Hebbert tính phí 20.000 nhân dân tệ (3.243 đô-la Mỹ, khoảng 69 triệu đồng) một khóa buổi chiều cho nhóm 10 người.

Khóa được ưa thích nhất của Viện Sarita mang tên “Làm chủ tiệc”, có phí 100.000 nhân dân tệ (16.216 đô-la Mỹ, khoảng hơn 340 triệu đồng) trong 12 ngày. Khóa học này dạy khách hàng các kỹ năng từ cách tiếp chuyện xã giao ban đầu cho đến cách dùng rượu vang với đồ ăn.

Tránh tiếng xấu

Với hơn 100 triệu người Trung Quốc đi du lịch trong năm 2014, việc ứng xử thô lỗ của một số người đã bị bêu xấu khá nhiều trên báo chí quốc tế. Những điều tệ nhất từng được nhắc tới là du khách Trung Quốc làm hỏng mặt tượng Ai Cập, té nước sôi vào tiếp viên hàng không và đái bậy. Trong chuyến đi tới Maldives, ông Tập Cận Bình đã khuyên công dân Trung Quốc nên “văn minh hơn nữa khi đi du lịch nước ngoài.”

Trong tháng 10, Cục Du lịch Quốc gia Trung Quốc đã ra hướng dẫn nghiêm ngặt về cách cư xử khi đi du lịch. Cuốn cẩm nang 64 trang cảnh báo các du khách Trung Quốc là không được tiểu tiện trong bể bơi, không ăn cắp áo phao trên máy bay và không dẫm giầy dép lên bệ xí bệt. Các hình phạt về những hành động như vậy bao gồm phạt tiền người hướng dẫn du lịch và liệt vào sổ đen những du khách thô lỗ.

Do đó, để tách mình ra khỏi tiếng xấu này, nhiều người thuộc giới thượng lưu mới đang tìm sự tao nhã lịch thiệp ở các trường nghi thức xã giao. Đồng thời họ cũng đang tìm cách hành xử đẹp như tạo một thước đo mới cho biểu tượng của địa vị cá nhân.

Theo: BBC và ft.com
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm