Bạn đã thử vang của xứ sở Cờ Hoa?

Nước Mỹ được gọi là vùng đất tự do với nền kinh tế hùng mạnh. Đây là những đặc tính khá trừu tượng, nhưng những con số cụ thể đã chứng minh Mỹ là một siêu cường thực thụ. Ngành vang của xứ Cờ Hoa cũng không ngoại lệ

Là chiếc cầu treo dài nhất thế giới khi khánh thành vào năm 1937, Golden Gate đại diện cho sức mạnh và vẻ đẹp của xứ sở Cờ Hoa. Cầu được bình chọn là một trong 7 kỳ quan kiến trúc của thế giới hiện đại

Hoa Kỳ có quân đội lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn khổng lồ đã khởi đầu ở quốc gia này; bao gồm Amazon, Facebook, Apple, Google và Microsoft. Ảnh hưởng văn hóa của Mỹ lan rộng đến tất cả các ngóc ngách trên trái đất; thông qua thời trang, âm nhạc và phim ảnh. Quan trọng nhất, Mỹ có nền kinh tế số một thế giới, bên cạnh mức sống rất cao. Không có gì đáng ngạc nhiên khi người dân nước này tiêu thụ rượu vang nhiều nhất trên toàn cầu. Sản lượng vang của Hoa Kỳ chỉ thấp hơn Ý, Tây Ban Nha và Pháp.

Vang Mỹ, “California Love”

Ở Mỹ, nho làm rượu vang được trồng nhiều ở Đông Bắc, Tây Bắc và California. Vang sản xuất tại California chiếm khoảng 80% tổng sản lượng, nên tôi muốn bàn nhiều về khu vực này. Tôi cũng biết nhiều độc giả có mối quan hệ đặc biệt với tiểu bang đầy nắng: Chỉ riêng ở thành phố San Jose đã có hơn 100.000 người gốc Việt sinh sống.

California có ba vùng trồng nho chính: “Thung lũng nội địa”, “Duyên hải miền Trung” và “Duyên hải phía Bắc”. Thung lũng nội địa ở phía Nam San Jose sản xuất một lượng lớn vang thương mại giá rẻ. “Duyên hải miền Trung” thú vị hơn, kéo dài gần như toàn bộ đoạn đường từ San Francisco đến Los Angeles. Có gần 30 AVA (American Viticultural Area – khu vực trồng nho Mỹ) ở đây, tạo ra một loạt các phong cách rượu vang đặc trưng khác nhau. Khách du lịch vang cũng sẽ được chiêm ngưỡng một số cảnh quan tuyệt đẹp gần các lò vang.

Chiến thắng của Napa Valley tại “Judgment of Paris” 1976

Khí hậu ở Napa rất thích hợp để trồng nho tuyệt hảo. Ban ngày trời nắng ấm, khô ráo. Ban đêm, không khí biển và sương mù từ Thái Bình Dương tràn vào làm mát quả nho. Nhịp điệu giảm ổn định này làm quả nho chín chậm nhưng đều đặn, làm tăng chất lượng đáng kể, đặc biệt là ở nho Cabernet Sauvignon. Từ những năm 1960, ngành vang ở Napa đã bắt đầu khẳng định tên tuổi.

Năm 1976, Napa bất ngờ vang danh bốn bể năm châu từ một đợt nếm thử rượu vang ở Paris, Pháp, gọi là “Judgement of Paris” (“Phán quyết của Paris”). Cuộc thi này là đứa con tinh thần của Steven Spurrier, một nhà phân phối vang người Pháp gốc Anh. Trong đó, các đại diện Napa, gồm vang đỏ làm từ Cabernet Sauvignon, và trắng từ Chardonnay, đã đánh bại các nhãn hiệu nổi tiếng của Pháp khi thi nếm vang giấu nhãn. Kết quả ở Paris đã củng cố danh hiệu vùng nho đẳng cấp thế giới cho Thung lũng Napa.

Những ngôi sao mới tại vùng vang Napa

Một số tên tuổi thư hùng trong thử thách năm 1976 như Chateau Montelena, Stag’s Leap và Freemark Abbey vẫn đang phát triển mạnh cho đến ngày nay. Gần đây, Screaming Eagle, Opus One, Caymus, Sine Qua Non, và Scarecrow là một số lò vang “rockstar” khác đã nổi lên ở Napa. Đẳng cấp cao của những ngôi sao mới này được thể hiện qua việc số lượng bán cực kỳ hạn chế. Người có thể mua được phải có quan hệ đặc biệt với lò vang. Phần lớn những chai vang này được giữ lại ở Mỹ chứ rất ít xuất khẩu.

xu so co hoa

Không gian sân vườn đầy nắng của French Laundry. Nhà hàng đạt sao Michelin thứ ba vào năm 2006

Các cơ sở nói trên cũng được bảo tồn và trưng bày trong điều kiện nguyên sơ. Khách du lịch vang không thể bỏ qua những điểm đến này. Tuy nhiên, để vào được phải có thư mời của hãng. Du khách đến đây thường kết hợp tham quan French Laundry. Cái tên gần như huyền thoại này đã được bình chọn là nhà hàng tốt nhất thế giới vào năm 2003 và 2004. Năm 2006, French Laundry đạt sao Michelin thứ ba và được đầu bếp Anthony Bourdain vĩ đại mô tả là “nhà hàng đỉnh nhất thế giới”.

Ngôi sao của xứ sở Cờ Hoa: Dòng vang Mỹ Freemark Abbey

Tháng này, tôi may mắn được thưởng thức một số chai vang kỳ diệu từ Napa để chuẩn bị cho bài viết. Tôi muốn quay trở lại khởi điểm của câu chuyện: Phán quyết năm 1976. Không gì thích hợp hơn là một thành viên của phái đoàn Hoa Kỳ khải hoàn tại Paris: Freemark Abbey.

Công ty này bắt đầu trồng nho năm 1881, khi Josephine và John Tychson mua 60 héc-ta đất ở Thung lũng Napa. Năm năm sau, John qua đời. Sau đó, Josephine đã xây một xưởng vang bằng gỗ bách đỏ ở St. Helena. Bà trở thành người phụ nữ sản xuất vang đầu tiên ở California.

Bằng đam mê và những ngày tháng làm việc cật lực; Josephine và Freemark Abbey đã góp sức mở ra kỷ nguyên vang California hiện đại. Trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, nhãn vang Bosché Vineyard Cabernet Sauvignon của họ được coi là một trong những tượng đài sáng nhất của ngành vang Hoa Kỳ. Về phần vang trắng, Chardonnay của Freemark Abbey cũng đã chứng minh rằng; California có thể sản xuất vang đẳng cấp thế giới tuyệt ngon từ loại nho cao quý này. Như đã đề cập trước đó, Freemark Abbey là một trong 12 xưởng vang Mỹ tham gia cuộc thi “Judgment of Paris” năm 1976. Đây cũng là nhà sản xuất duy nhất có cả vang Cabernet và vang Chardonnay. Hãng đã thành công trong cả hai thể loại, nâng cao uy tín và đưa tên mình vào lịch sử.

Ted Edwards hiện là quản đốc của Freemark Abbey từ năm 1985. Ông được công nhận là một trong những chuyên gia sản xuất vang hàng đầu khu vực.

Freemark Abbey Chardonnay 2016 và Cabernet Sauvignon 2012

Những ai yêu vang đỏ nên biết: Freemark Abbey Cabernet Sauvignon được làm từ nho ở 8 vườn nho khác nhau với chất lượng cao như nhau. Vang có màu hồng ngọc đậm. Vị trái cây đậm màu rất đáng chú ý, bao gồm anh đào đen, mâm xôi và việt quất. Vang được ủ hơn hai năm trong thùng gỗ sồi từ Pháp, góp phần tạo ra hương gia vị Ấn Độ, cà phê và xì gà quyến rũ. Vang rất mềm mại và đậm đà với hậu vị kéo dài.

Đối với vang trắng, The Freemark Abbey Chardonnay 2016 sử dụng nho từ bốn vườn nho riêng biệt. Khi cầm ly rượu trên tay, bạn có thể cảm nhận hàng loạt hương vị trái cây màu vàng như dứa, chuối, mơ và đào đang nhảy múa. Được ủ bốn tháng trong thùng gỗ sồi, vang còn có vị kem và hậu vị như bánh mì brioche nướng, gợi tưởng một buổi tiệc chiều ngày đầu đông nhẹ nhàng tại thung lũng Napa.

 

Thưởng thức vang Mỹ tại EDDIE’S NEW YORK DINER

Tại nhà hàng này, số 71 Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM, những năm 1950 tuyệt vời là vĩnh cửu: thức ăn ngon, phục vụ thân thiện và không gian thú vị. Đó là thập kỷ của những chiếc quần jeans bó sát, váy phồng; món hamburger và sữa lắc ngon đến kỳ lạ. Thiên đường rock ‘n roll này treo đầy guitar điện; bảng hiệu neon và các chi tiết trang trí kiểu retro. Bạn có thể ngồi trầm tư bên quầy bar bằng cẩm thạch trắng; hoặc rôm rả với bạn bè ở các băng ghế giả da quây thành buồng.

Đặc sản ở Eddie’s

Đến với Eddie’s New York Diner, bạn không thể bỏ qua hamburger 100% bò Mỹ. Ngôi sao của món này là miếng thịt nóng hổi được xay không quá thô hoặc quá nhuyễn, nên vẫn mềm mại mà không bị khô, ăn kèm khoai tây chiên hoặc nướng vàng óng.

Một đặc sản khác tại Eddie’s New York Diner là bánh kẹp Reuben cổ điển. Món này bao gồm thịt hun khói pastrami, dưa cải Đức, phô mai Thụy Sỹ, bánh mì pumpernickel. Bánh kẹp được đem nướng đến lúc phô mai vừa chảy ra, kết nối các thành phần lại với nhau. Tất cả đều được làm tại nhà hàng và có hương vị như thể đến từ Katz’s Kitchen – quán thịt nguội nổi tiếng ở New York. Ngoài ra, chương trình “ăn sáng cả ngày” và “ly cà phê không đáy” của nhà hàng rất đáng đồng tiền bát gạo; với sự góp mặt của món bánh quế vừa ra lò rưới kem ngọt ăn hoài không chán.

Giám đốc điều hành của Eddie’s là Thanh Hằng, năm nay mới chỉ ngoài 20 tuổi. Hằng cho biết: “Chúng tôi muốn đưa thực khách đến một nơi hoàn toàn khác. Đó là một trải nghiệm ẩm thực đậm chất Mỹ, gồm thức ăn, không gian, âm nhạc, trang trí; và cung cách phục vụ thân thiện. Những người biết qua ẩm thực Mỹ sẽ cảm thấy rất thân thuộc tại Eddie’s”.

Bài: Chris Thompson. Chuyển ngữ: Huy Đặng 

Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm