Những điều bạn nên biết về phẫu thuật sửa cằm

Những năm gần đây, sửa cằm đã trở thành mốt của phụ nữ nhiều lứa tuổi. Việc can thiệp bằng phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi một phần khuôn mặt này có điều gì cần phải lưu tâm?

Khi chiếc cằm đã bị can thiệp bằng dao kéo, dung mạo của một phụ nữ cũng phần nào thay đổi

Khi chiếc cằm đã bị can thiệp bằng dao kéo, dung mạo của một phụ nữ cũng phần nào thay đổi

Cằm đóng vai trò tích cực trong việc tạo vẻ đẹp hài hòa trên khuôn mặt. Một số phụ nữ bẩm sinh có chiếc cằm bạnh, khiến gương mặt thô và góc cạnh như đàn ông. Một số khác lại có chiếc cằm mỏng, thiếu độ cao cần thiết hoặc cằm quá ngắn, viền cằm không đủ làm cho ranh giới giữa cổ và mặt rõ ràng. Nhìn nghiêng, cằm lẹm làm đường viền khuôn mặt trông không tự nhiên. Nếu cằm thô, miệng có vẻ nhô ra làm cho khuôn mặt trông phô hoặc yếu.

THAY ĐỔI CẰM LÀ THAY ĐỔI DUNG MẠO

Bàn về phong trào sửa cằm đang “nóng” hiện nay, thạc sỹ, bác sỹ Phan Quốc Vinh (Trung tâm Phẫu thuật Thẩm mỹ ThS. BS Phan Quốc Vinh), cho biết: “Độn cằm là phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện tình trạng khiếm khuyết của chiếc cằm trên khuôn mặt. Đối với cằm, có hai khuyết điểm gần như phổ biến là bị thiếu và bị thừa. Khi cằm bạn bị thiếu, dân gian thường gọi là bị lẹm, lúc đó cần can thiệp bằng hình thức độn để khuôn mặt trông cân đối. Đối với cằm bị thừa, nhô ra quá nhiều hoặc quá lớn, làm mặt bạn bị nghênh, mất vẻ cân đối và nét mềm mại đặc trưng của phụ nữ, hình thức can thiệp phù hợp nhất là gọt xương hàm hay phẫu thuật trượt xương cằm (genioplasty), để thu nhỏ, làm gọn cằm lại”.

Thạc sỹ, bác sỹ Phan Quốc Vinh nhấn mạnh: “Tôi cho rằng chị em chỉ nên phẫu thuật độn cằm khi tầng mặt dưới của mình nhìn nghiêng trông bị lẹm,  hóp sâu vào. Đối với phương pháp chỉnh hình trượt xương hàm, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, cần được thực hiện bởi bác sỹ chuyên khoa tại bệnh viện có trang bị máy móc hiện đại. Theo đó, chi phí cũng khá cao”.

PHẨU THUẬT CHỈNH HÌNH CHO CẰM THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Mũi và cằm là hai bộ phận giúp định hình khuôn mặt, do đó, bất kỳ sự can thiệp dao kéo nào vào hai bộ phận này cũng sẽ làm cho dung mạo của bạn phần nào thay đổi. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ độn phù hợp, bác sỹ vẫn sẽ giữ những nét tinh túy nhất trên gương mặt để người được phẫu thuật không biến thành “kẻ khác” trong mắt người thân của mình.

Chất liệu dùng để độn có thể bằng vật liệu nhân tạo như silicone định hình, alloderm, macrolane… Đây là những chất liệu độn được FDA (Hiệp hội Thực phẩm – Dược phẩm của Mỹ) cho phép sử dụng trong ngành thẩm mỹ. Gần đây, một số trung tâm thẩm mỹ còn sử dụng chính xương cằm của người phẫu thuật để độn. Với chất liệu độn tự thân này, vấn đề dị ứng không còn đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong vài trường hợp cá biệt, khi vật liệu tự thân bị thiếu, bác sỹ vẫn phải huy động thêm vật liệu nhân tạo.

Những năm về trước, người ta thường chỉnh hình cằm với đường rạch da ngay bên dưới cằm nên phẫu thuật thường để lại sẹo. Bạn cần bắn laser để xóa sẹo một thời gian sau đó. Ngày nay, tùy vào kinh nghiệm của bác sỹ, phẫu thuật đặt chất liệu độn với đường mổ nằm trong niêm mạc miệng. Sau khi lành, sẽ không biết được dấu vết của phẫu thuật và tất nhiên cũng không để lại sẹo. Theo thạc sỹ, bác sỹ Phan Quốc Vinh, hiện nay, kiểu phẫu thuật bên trong được nhiều người ưa chuộng.

woman 1

Sau khi phẫu thuật sửa cằm, khuôn mặt bạn sẽ cân đối, thanh thoát hơn

Quá trình độn cằm được thực hiện như sau: Căn cứ vào hình dáng cằm trên khuôn mặt, bác sỹ sẽ tính toán độ lẹm của cằm để tạo ra miếng độn vừa đủ và cân đối. Sau khi gây tê tại chỗ, bác sỹ sẽ tạo một đường nhỏ ở môi dưới của bạn với một khoang nhỏ để đưa chất cấy ghép vào. Phương pháp phẫu thuật nội soi mới hiện nay giúp chuyển dịch tổ chức mô dưới da của chính bạn để tạo cằm nhô và đầy. Phẫu thuật này tiến hành chỉ trong vòng 5–10 phút.

Một cách khác để sửa hình dáng cằm là phương pháp tiêm chất làm đầy hoặc cấy mỡ tự thân. Với phương pháp tiêm, bác sỹ sẽ sử dụng chất làm đầy macrolane để tạo hình chiếc cằm thanh tú. Macrolane là một chất giống như thành phần tự nhiên có sẵn trong cơ thể con người, có tính tương thích sinh học cao. Ưu điểm của phương pháp tiêm là có tác dụng ngay, phục hồi nhanh, không gây sẹo. Nhược điểm là chất này chỉ có tác dụng trong khoảng một năm, muốn giữ đường nét cằm, bạn phải tiêm tiếp.

Thạc sỹ, bác sỹ Phan Quốc Vinh khuyên: “Với trường hợp cằm ngắn, lẹm, việc độn cằm có thể cải thiện đáng kể. Riêng những người có cấu trúc xương cằm phát triển phì đại, quá dài so với xương góc hàm hai bên, việc đặt chất liệu độn chỉ làm khuôn mặt dài thêm, rất không cân xứng. Trường hợp này chỉ có giải pháp duy nhất là trượt xương cằm”.

PHẢI KIÊN NHẪN CHỜ ĐÓN DUNG NHAN MỚI SAU CA MỔ

Sau phẫu thuật, bạn sẽ khá đau trong khoảng 3 ngày. Trong vòng 5–7 ngày tiếp theo, vết thương mới lành, hết sưng. Từ 1–2 tháng sau phẫu thuật, cằm của bạn trông mới thật tự nhiên trở lại. Phụ nữ ở tuổi trung niên bị nọng mỡ khá nhiều ở cằm, khi phẫu thuật độn cằm có thể kết hợp cùng lấy túi mỡ, thu gọn da cổ dư, chảy xệ hay căng thêm da mặt, để khuôn mặt thon gọn và thêm phần thanh thoát.

Một điều nên lưu tâm là do đặc điểm chủng tộc, cấu trúc khuôn mặt người phương Đông, trong đó có người Việt Nam, thường là đầu ngắn, góc hàm to, cung xương hàm dưới rộng nên khuyết điểm ở cằm khá phổ biến ở chị em phụ nữ. Chính vì thế, nếu bạn không đẹp hoàn mỹ thì cũng không phải là xấu xí, đừng vì vậy mà ưu phiền bạn nhé!

Theo: Shape – Ảnh mang tính chất minh họa

Xem thêm