HỌA SỸ PHẠM TRẦN VIỆT NAM MANG VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH VÀO NGHỆ THUẬT

Nam vẽ những oan hồn lạc loài để cảm ơn Nguyễn Du. Văn tế Thập loại Chúng sinh của đại thi hào là mong muốn lạc quan về một xã hội con người không dính vào tội lỗi

Trời chuyển mưa khi tôi bước vào The Factory Contemporary Arts Centre, nơi đang diễn ra triển lãm “Văn tế Thập loại Chúng sinh” của họa sĩ Phạm Trần Việt Nam. Họa sĩ đã chờ tôi. Anh mặc chiếc áo thun đen, quần đỏ, lặng lẽ đứng trong gian triển lãm rộng lớn. Giữa những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt hoành tráng nhuốm màu u buồn, anh như một chiếc lá đỏ lạc loài, chơi vơi.

Trước khi đến xem triển lãm, cái tên Văn tế Thập loại Chúng sinh làm tôi liên tưởng đến một không khí ghê rợn, lạnh lẽo, những lò lửa địa ngục, những hồn ma thác loạn… Nhưng không. “Nhân vật” trong tranh đúng là các hồn ma lẩn quất, nhưng tông màu chủ đạo nâu, cam, đỏ lại gợi cảm giác ấm áp.

Nổi bật giữa căn phòng rộng là bốn tác phẩm. Gọi là tranh cũng được, hoặc điêu khắc trên vải hay sắp đặt cũng được. Trên các bức tường là những bức tranh khổ lớn. Ngắm kỹ từng tác phẩm, ta sẽ thấy những đôi mắt đỏ ẩn hiện, những mạng nhện vần vũ, những đường nét siêu thực gợi tưởng đến những thân người quằn quại.

van-te-thap-loai-chung-sinh-1

Nam đục thủng những bức tranh cũ từ thời sinh viên để tạo thành tác phẩm mới; chuyển mặt tranh từ hai chiều thành ba chiều, như cuộc tái sinh trên nền hủy diệt

van-te-thap-loai-chung-sinh-3

Họa sĩ Phạm Trần Việt Nam

Nam tâm sự: “Đọc lịch sử, Nam nhận ra chúng ta có quá nhiều những mất mát, những cuộc chia ly. Đã là con người thì ai cũng có những nỗi đau khổ. Vì thế, Nam vẽ về những oan hồn trong hỏa ngục, những số phận lênh đênh quê người không nơi bến đỗ”.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 2010, Nam bế quan tỏa cảng, ở nhà vẽ. Dù Nam không nói, và tôi cũng không hỏi, nhưng tôi cảm nhận Nam đã trải qua nhiều bế tắc. Nam gọi đó là sự vô vọng. Vẽ chính là cách Nam giải tỏa stress cho mình.

Hỏi Nam bắt đầu nghiệp vẽ từ bao giờ, Nam cười: “Từ hồi đi học cấp ba”. Khi nào nghe cô giáo giảng bài… buồn ngủ quá, Nam lại lấy đầu compa rạch những nét quằn quại trên mặt bàn gỗ, rồi bôi phấn trắng lên. Những đường nét không nói lên điều gì, nhưng lại gợi cảm giác siêu thực, mang ta đến một thế giới khác hoàn toàn. Cứ thế, Nam rạch hết mấy chục cái bàn trong lớp, rồi cả trường kéo đến lớp Nam xem.

Cậu học trò bất trị xưa nay đã trở thành họa sĩ. Thông điệp của Nam trong triển lãm siêu thực này là gì? Hãy nghe Nguyễn Du:

Lôi thôi bồng trẻ dắt già
Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh.
Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ,
Phóng hào quang cứu khổ độ u,
Rắp hòa tứ hải quần chu,
Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không.

Triển lãm đang diễn ra tại The Factory đến hết ngày 13–7–2018

Bài: Trần Nguyễn Thiên Hương. Ảnh: Anh Dũng

Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm