Thăm không gian sống của chuyên gia thiết kế nội thất Fong Chan

Khám phá căn hộ của chuyên gia thiết kế nội thất người Đan Mạch gốc Thái Lan, cùng triết lý của cô về kiến trúc và nghệ thuật

Đến thăm nhà của một người làm trong lĩnh vực kiến trúc – nội thất, ắt hẳn mỗi người trong chúng ta sẽ có những hình dung kỳ vọng nhất định. Tò mò xem, liệu tổ ấm của người chuyên thiết kế nội thất sẽ khác biệt ra sao với phần đông dân số. Thắc mắc rằng liệu nó có tráng lệ, như những thước phim điện ảnh. Thú vị lạ, khi lần đầu tiên bước chân vào căn hộ của Fong Chan Paw Zeuthen người sáng lập và điều hành công ty thiết kế và trang trí nội thất Kaze tại TP.HCM, điều tôi cảm thấy đầu tiên không phải là choáng ngợp mà là một không gian sống thật sự gần gũi, thoải mái đến lạ kỳ.

khong gian song dep fong chan 3

Không gian sống của Fong Chan luôn đầy ắp các tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ lượm lặt

khong-gian-song-dep-fong-chan

Không gian sống trang trí bằng các vật đồ cổ

Thiết kế là nghệ thuật

Có chăng sự êm dịu hoàn toàn, cho đôi mắt trên đến từ phong cách thiết kế tối giản nền nã của vùng Scandinavia, cụ thể là đất nước Đan Mạch nơi cô sinh trưởng. Mang trong mình dòng máu Thái Lan, Fong Chan được bố mẹ nuôi nhận về khi cô còn bé và chính họ là người đã thổi hồn đam mê, với kiến trúc và nghệ thuật trong cô: bố cô là kiến trúc sư, còn mẹ là nghệ sỹ.

Ở căn hộ hiện tại, Fong Chan cho biết cô đã thay đổi thiết kế ban đầu từ 3 phòng ngủ xuống còn 1. Lý do vì cô muốn mở rộng không gian sống sinh hoạt chung của phòng khách cũng như để ánh sáng tự nhiên tràn vào nhiều hơn từ khu vực ban công nơi vợ chồng cô thường thư giãn bên tách trà chiều. Tuy các vật dụng bài trí trong căn hộ mang tông màu chủ đạo chính là trắng nhưng riêng tường nhà lại được Fong Chan chọn sơn một tông màu xám với tên gọi Copenhagen Grey.

“Bạn biết đấy, văn hóa Đan Mạch thường rất chuộng những gì sáng sủa, nhẹ nhàng,” cô chia sẻ. “Tôi muốn căn hộ của mình trở nên tươi sáng, nhưng một bức tường trắng toát, thật sự sẽ gây nhức nhối cho đôi mắt, khi ánh sáng tự nhiên tràn vào.”

Fong Chan cho rằng mọi món đồ vật trong nhà đều phải có chủ đích phản ánh đúng thói quen sống của chủ nhà, cũng như truyền tải được câu chuyện của thiết kế. Một ví dụ điển hình là chiếc sofa của thương hiệu Đan Mạch Wendelbo được cô đặt tại phòng khách, vốn thông với gian bếp. Cô cho hay các hoạt động tại nhà của mình thường tập trung ngay trên sofa đồng thời đây cũng khu vực tụ tập chính mỗi khi bạn bè ghé chơi nên cô muốn có cho mình một chiếc sofa rộng rãi và thoải mái nhất có thể. Không chỉ vậy, một góc phần lưng của chiếc sofa này được thiết kế mở người ngồi có thể dễ dàng rướn người sang bếp, để trò chuyện với bất kỳ ai đang nấu nướng.

khong-gian-song-dep-fong-chan

Fong Chan và chú chó cưng Cosmo tại một góc thư giãn trong căn hộ

“Tôi thường nói với khách hàng của mình rằng, tôi không muốn thiết kế nhà trông như bản sao hoàn hảo, từ hình ảnh trong một cuốn catalog,” chị cười bảo. “Cuộc sống thường nhật trong một ngôi nhà thường tự nhiên, vô tư và cũng có lúc bừa bộn chứ.”

Fong Chan cũng ưu tiên tính linh hoạt trong không gian sống của mình, như chiếc bàn khách nho nhỏ là thứ có thể được dễ dàng dịch chuyển từ sofa sang góc đọc sách tùy hứng chủ nhân, ngay cả giá để TV cũng vậy. Riêng phần kệ sách lại gây ấn tượng hơn cả, vì tuy mang kích cỡ lớn nhưng trông nó vẫn thanh thoát, nhẹ nhàng nhờ những thanh đỡ vô cùng mỏng làm từ chất liệu thép. “Kệ sách là nơi hé lộ rất nhiều điều về chủ nhân của một ngôi nhà, vì bạn thường dòm xem những cuốn sách mà họ sở hữu là gì,” chị chia sẻ.

“Với gia đình tôi, đơn giản vì chồng tôi làm trong lĩnh vực kinh doanh-marketing nên bạn sẽ thấy nhiều tựa sách về đề tài đó, còn tôi là sách kiến trúc và nội thất. Rồi nào là những tấm ảnh gia đình, những món đồ vật kỷ niệm từ những chuyến du lịch… và đặc biệt là các tác phẩm từ bố chồng tôi – một nghệ sỹ làm gốm.”     

Nếu tinh ý, bạn sẽ thấy được chiếc ghế màu nâu nơi góc phòng khách mà Fong Chan thừa nhận mình ít khi dùng đến. Bởi lẽ đó là phiên bản gốc của chiếc ghế Swan do nhà kiến trúc sư nổi tiếng người Đan Mạch Arne Jacobsen thiết kế vào năm 1958. Fong Chan sở hữu chiếc ghế này với giá 5.000 đô la điều mà cô cho rằng là một khoản đầu tư không khác gì khi mua các tác phẩm nghệ thuật.

“Thiết kế là nghệ thuật, tất nhiên rồi! Nếu sản phẩm được thiết kế không phải là nghệ thuật thì nó chẳng khác gì một món hàng tiêu dùng đại trà.” cô nhấn mạnh.

khong gian song dep fong chan 4

Chiếc ghê Swan do Arne Jacobsen thiết kế năm 1958

Sự giao thoa hài hòa giữa hai nền văn hóa

Cho đến nay Fong Chan đã sống ở Sài Gòn hơn 16 năm. Cô thường bảo mình không chọn đến Việt Nam, mà là Việt Nam chọn mình. “Khi tôi 25 tuổi, một bà thầy bói đã xem chỉ tay và bảo rằng: “Trên tay bạn hiện lên một dải đất rất dài và bạn sẽ sống tại miền Nam vùng đất ấy” chị cười. “Khi ấy tôi không hiểu ý của bà ấy lắm nhưng 6 năm sau tôi đã thật sự có mặt tại đây.”

khong-gian-song-dep-fong-chan-8

Khu vực bếp với phần giá để đồ tiện dụng thay thế cho những chiếc tủ nặng nề

Tại công ty trang trí và thiết kế nội thất Kaze, Fong Chan luôn nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa hai nền văn hóa Đông – Tây không chỉ với đội ngũ của mình mà còn với mỗi dự án mà chị đảm nhận. Không chỉ đơn thuần chạy theo xu hướng thịnh hành, hay những đường lối bảo thủ được xem là mặc định. Fong Chan thường đào sâu vào việc kể một câu chuyện, thông qua ngôn ngữ của thiết kế và nội thất cũng như khuyến khích sử dụng các tay nghề và vật liệu truyền thống tại Việt Nam. Nổi bật trong đó là khách sạn Liberty Central Saigon Citypoint tại TP. HCM, dự án đã giúp Kaze thắng giải Asia Pacific Property Awards về thiết kế nội thất trong năm 2016.
khong-gian-song-dep-fong-chan-9

“Không ít người có cái nhìn rất hạn hẹp khi nhắc đến khái niệm xa xỉ. Họ thường dùng những tính từ như xa hoa, đẳng cấp… cũng như xem phương Tây là chuẩn mực” chị chia sẻ. “Điều mà tôi muốn làm chính là khuyến khích các nhà thiết kế trẻ mở rộng tầm nhìn về văn hóa cũng như gìn giữ được bản sắc riêng của châu Á trong các dự án thiết kế của mình.”

khong gian song dep fong chan 7

Trang trí khu vực bếp hài hòa với nội thất xung quanh

Xem thêm: VẺ ĐẸP THỜI THƯỢNG CHO KHÔNG GIAN SỐNG

ẢNH: ĐỖ SỸ. FASHION DIRECTOR: SARAH NGUYỄN.

PRODUCER: EMIL VY. BÀI: QUYÊN HOÀNG.

Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 6/2018.

Xem thêm