Nữ doanh nhân gốc Việt của BeautyStreams: “nhà tiên tri” Lan Vũ

Trò chuyện cùng nhà tiên tri của thế giới làm đẹp – nữ doanh nhân gốc Việt. Chủ nhân của BeautyStreams, công ty dự doán xu hướng.

Tưởng rằng niềm đam mê thời trang sẽ đưa Lan Vũ trở thành một nhà thiết kế; nhưng nữ doanh nhân gốc Việt của BeautyStreams đã chọn cho mình một ngã rẽ khác. Con đường ấy thuộc góc khuất trong mắt công chúng yêu thời trang: dự đoán xu hướng.

Sau nhiều năm làm việc cùng các tạp chí và công ty dự đoán tại hai bờ Đại Tây Dương; cô quyết định thành lập BeautyStreams.com. Website cung cấp dịch vụ dự đoán xu hướng làm đẹp và ngành công nghiệp mỹ phẩm. Trụ sở chính đặt tại Paris. Từ khi ra mắt năm 2010 đến nay, BeautyStreams đã phát triển mạng lưới toàn cầu. Không chỉ đưa ra xu hướng, BeautyStreams còn tư vấn chiến lượt marketing cho các công ty mỹ phẩm. Từ thiết kế bao bì, nội thất cửa hàng, cho đến phát triển hình ảnh thương hiệu.          

Trò chuyện cùng nữ doanh nhân gốc Việt của BeautyStreams

Bazaar: Dành cho những độc giả chưa quen thuộc với công việc của chị, Lan Vũ có thể giải thích làm cách nào để BeautyStreams dự đoán và đưa ra xu hướng làm đẹp?

Lan Vũ: Việc dự đoán xu hướng làm đẹp cũng khá giống dự đoán thời tiết. Vì nó cung cấp thông tin giúp bạn có cái nhìn nhất định về tương lai. Các công ty trên thế giới luôn cần thông tin giúp họ định hướng chiến lược kinh doanh; marketing và phát triển sản phẩm – thường phải mất nhiều năm để nghiên cứu trước khi ra mắt thị trường. Vậy nên họ cần cái nhìn dự đoán về tương lai trước 1 đến 5 năm.

Để có thể đưa ra báo cáo chính xác, chúng tôi thực hiện nghiên cứu và khảo sát dựa trên nhiều yếu tố. Như xu hướng hiện hành trong văn hóa đại chúng của thời trang; phim ảnh, truyền hình, âm nhạc, kiến trúc, nghệ thuật, nội thất, ẩm thực. Thậm chí cả tình hình kinh tế và chính trị toàn cầu; nghiên cứu về xã hội học, hành vi mua sắm và những chuyển dịch trong phong cách sống… Từ đó phân tích dữ liệu để cho ra dự đoán xu hướng trong những năm sắp tới. 

Bazaar: Theo chị, hiểu lầm lớn nhất mà mọi người thường có về lĩnh vực thời trang và làm đẹp là gì? 

Lan Vũ: Đó chính là định nghĩa về cái đẹp. Như mọi thứ khác trong cuộc sống; cái đẹp được định nghĩa dựa theo xu hướng và nhận thức của xã hội. Điều mà bạn cho là đẹp ngày hôm nay có thể ngay lập tức bị xem là xấu. Và thuộc về quá khứ. Ví dụ đơn giản là, vào những năm 1800, phụ nữ có thân hình đầy đặn, nở nang được xem là đúng chuẩn. Nhưng đến thập niên 1960, vẻ đẹp của những cô nàng ngực nhỏ; như Twiggy và Mia Farrow lại được tôn sùng.

Là một người nghiên cứu về xu hướng, tôi luôn quan sát thấy quả lắc liên tục dịch chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Vậy nên tôi khuyến khích các bạn gái đừng nên cảm thấy bất an về ngoại hình của mình. Vì đơn giản những chuẩn mực về cái đẹp luôn liên tục dao động. Chỉ đến khi bạn cảm thấy thoải mái với chính mình, tự khắc nét duyên dáng và cái đẹp bên trong sẽ tỏa sáng – chúng còn đặc biệt hơn rất nhiều so với hình thức bên ngoài nhưng trống rỗng về nội tâm.   

Bazaar: Chị có lời khuyên gì cho những bạn trẻ muốn làm việc trong ngành thời trang và làm đẹp? 

Nữ doanh nhân gốc Việt của BeautyStreams: Hãy hỏi bản thân liệu bạn thích công việc này vì đam mê hay chỉ vì hào nhoáng bên ngoài. Như bất kỳ ngành nghề nào khác, thời trang và làm đẹp đòi hỏi bạn phải nỗ lực rất nhiều trong công việc. Hãy đặt mục tiêu cụ thể, theo học trường thời trang, làm càng nhiều vị trí thực tập nhất có thể – đây là điểm mấu chốt để bạn học hỏi và tiếp thu từ các chuyên gia trong ngành. Đồng thời, dành trọn tình yêu cho bất kỳ phần việc bạn được giao, dù lớn hay nhỏ. Nếu làm được điều đó, bạn sẽ có thể biến công việc và cuộc sống của mình thành một chuyến phiêu lưu đầy niềm vui.

Bài: Quyên Hoàng

Trích đăng từ tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 8/2017

Xem thêm