Zaha Hadid – nữ kiến trúc sư vĩ đại

Điều gì đã khiến người phụ nữ Hồi giáo như Zaha Hadid lại được tôn thờ như một trong những kiến trúc sư vĩ đại nhất của thời đại?

Zaha Hadid trong chuyến viếng thăm Bảo tàng Riverside ở Glasgow, Scotland

Yêu thích lĩnh vực kiến trúc đã lâu, tôi không mấy xa lạ với những tên tuổi lỗi lạc như Frank Lloyd Wright, Renzo Piano, Tadao Ando… Trong số đó, có lẽ Zaha Hadid, nữ kiến trúc sư đầu tiên vinh dự nhận Pritzker Architecture Prize năm 2004, giải thưởng về kiến trúc hàng đầu thế giới, khiến tôi cảm thấy nể phục hơn cả.

Say mê ngắm nhìn những công trình kiến trúc của bà trên tạp chí, tôi ao ước được một lần nhìn tận mắt, sờ tận tay các tác phẩm nghệ thuật đó. Điều ước này của tôi đã được thực hiện trong chuyến đi công tác đến tiểu bang Ohio, Mỹ, vào giữa năm nay. Tọa lạc trên một khu có diện tích nhỏ, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Rosenthal, Cincinnati, bang Ohio, do bà Zaha Hadid thiết kế và hoàn thành vào năm 2003, là những khối vật liệu cắt lớp đen trắng. Tòa nhà trông cứng cáp và nổi bật cả góc phố. Bước vào trong, không chỉ mình tôi mà nhiều khách du lịch khác cũng đang trầm trồ thích thú trước những ô kính bao quanh khu vực công cộng ở tầng trệt, đan xen là những ánh đèn điện dọc ngang rực rỡ.

Người phụ nữ theo đuổi sự khác biệt

BZ194_Zaha_hadid

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Rosenthal chỉ là một trong những công trình tuyệt tác của nữ kiến trúc sư Zaha Hadid. Một số tác phẩm đặc sắc và tiêu biểu cho phong cách kiến trúc giải tỏa kết cấu khác của bà có thể kể đến như trạm cứu hỏa Vitra và Trung tâm Khoa học Phaeno, Đức, cùng ga phía Bắc Hoenheim, Strasbourg, Pháp…

Xuyên suốt sự nghiệp của mình, bà đã thổi luồng gió mới vào những quy tắc kiến trúc cổ điển và góp phần xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và thực tiễn cuộc sống. Khá thú vị, cựu giáo sư của trường thiết kế tại Đại học Harvard cho biết mình có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu và không sử dụng máy vi tính khi làm việc: “Tôi vẽ tay rất nhanh, nên trong mỗi dự án, tôi thường cho ra đời hơn 100 bản vẽ”.

Khi có người cắc cớ hỏi bà rằng liệu một người bạn thân sẽ mô tả phong cách thiết kế của bà ra sao, người phụ nữ có đôi mắt to bí ẩn này dí dỏm: “Bậc thầy của sự tao nhã”. Theo Zaha Hadid, quá trình nghiên cứu của bà trước khi bắt tay vào một dự án là sự đan xen rất nhiều ý tưởng. Điều đó khiến người khác khó lòng đánh giá chính xác phong cách của bà dựa trên bất cứ khuôn mẫu nào.

Có lần, tác giả của cầu trượt tuyết Bergisel ở Áo này còn quyết định đánh đố trí tưởng tượng của mình bằng cách tạo ra khoảng 700 bản thiết kế cho một không gian nhà ở với diện tích nhất định. Bà Zaha Hadid thậm chí còn ví von mức độ căng thẳng của bài tập này tương tự như việc một nghệ sỹ dương cầm phải luyện tập ngày đêm không ngừng nghỉ một giây phút nào.

Heydar Aliyev Cultural Centre, Azerbaijan, by Zaha Hadid - The Style Examiner (1)

Trung tâm Heydar Aliyev Cultural Centre ở thủ đô Baku của Azerbaijan do Zaha Hadid thiết kế

Định hướng từ gia đình

Xuất thân từ tầng lớp Hồi giáo thượng lưu, nhưng ngay từ nhỏ bà Zaha Hadid đã được giáo dục theo chủ nghĩa đa văn hóa của phương Tây. Người bố, một chính trị gia và nhà tư bản công nghiệp giàu có của vùng đất Iraq, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển khả năng sáng tạo của bà. Trong khi đó, kỹ năng phác thảo của bà được thừa hưởng từ người mẹ, một phụ nữ giàu có ở Mosul.

Những quan điểm tiến bộ của bố về xã hội và chính trị ở Iraq đã tác động sâu sắc đến sự hiểu biết và nhận định của cựu sinh viên của trường Kiến trúc London. Có lẽ vì thế mà bà luôn khéo léo từ chối khi được hỏi về các vấn đề liên quan đến đất nước Hồi giáo này.

Tuy nhiên, những tâm tư, tình cảm của bà Zaha Hadid hướng về quê hương đất nước lại được âm thầm thể hiện qua các công trình kiến trúc của mình. Dù ít hay nhiều, bạn cũng sẽ bắt gặp bóng dáng của kiến trúc truyền thống Hồi giáo ẩn chứa bên trong những tuyệt tác đó. Có lẽ đúng như nhà văn và giám tuyển nghệ thuật Raymund Ryan đã từng tuyên bố trong một bài nhận định của mình: “Những gì Zaha Hadid có thể thực hiện hầu như là không giới hạn”.

Niềm đam mê thời trang

Để gây quỹ cho Quỹ bảo vệ động vật hoang dã WWF, Zaha Hadid đã thiết kế nên chiếc đầm lưới lấy cảm hứng từ chính công trình kiến trúc nổi tiếng do mình thiết kế, tòa nhà ThyssenKrupp ở Đức.

fashion-architecture-zaha-hadid-537x402

Trang phục yêu thích của Zaha Hadid thường là những chiếc đầm đen đơn giản, quý phái và thương hiệu thời trang Issey Miyake. Sở thích thời trang của bà còn thể hiện qua “nghề tay trái”: thiết kế giày dép cho Melissa, một thương hiệu giày nổi tiếng ở Brazil. Trong lúc đang theo học kiến trúc tại London, bà thường đến lớp trong chiếc áo khoác lông vũ màu hồng của nhà thiết kế Pháp Chantal Thomass: “Chiếc áo trông có vẻ bình thường nhưng lại giúp tôi tỏa ra sức hấp dẫn vô cùng đặc biệt”.

Bài: Abbey H., Khánh Linh, Quỳnh Hương – Ảnh: Getty Images, Philip Sinden – Stylist: Nathalie Riddle

Xem thêm