The Face: NTK Kha Ngô – Đã làm thời trang, phải cực đoan

Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, NTK Kha Ngô đã không chấp nhận sự thỏa hiệp. Với anh, mỗi nhà thiết kế nên có tính cực đoan để giữ được chất riêng cho mình

Tốt nghiệp ngành thời trang tại Đại học kiến trúc, NTK Kha Ngô được biết đến qua giải nhì Her World Young Designer (2012), chung kết Audi Star Creation trong khuôn khổ Singapore Fashion Week (2013), chung kết Fashion Star… Tuy chưa bao giờ bước lên vị trí cao nhất nhưng anh luôn là thí sinh nhỏ tuổi nhất và gây ấn tượng mạnh mẽ cho giới mộ điệu. NTK Kha Ngô chia sẻ: “Chưa bao giờ có thứ gì khiến tôi tự nguyện bỏ ra hết sức lực và tinh thần như thời trang”.

“Cực đoan là cần thiết đối với người làm thời trang”

Phong cách tôi theo đuổi là sự nữ tính nhưng hướng đến chất nghệ thuật ý niệm và thể nghiệm (experimental). Những thiết kế của tôi thường mang tính kết cấu, bất đối xứng và bay bổng, có phần hơi cực đoan. Tôi yêu sự khó đoán, khó dự báo đó. Tôi nghĩ đã làm thời trang thì sự cực đoan là cần thiết. Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã không chấp nhận sự thỏa hiệp. Năm nhất đại học, chúng tôi có một bài học về trang trí. Đề bài đưa ra là cách điệu hoa. Trong khi tất cả bạn học chọn những loại hoa tươi, riêng tôi chọn một bông hoa sen héo. Tôi muốn nhìn thấy trong đó từng tầng lớp ý nghĩa, hình dáng thời trang nhuốm trong sự héo tàn như thế. Đó là cái tôi muốn – sự khác biệt, để cho mình không trùng lắp với bất kỳ ai. Khi bắt tay vào thiết kế, tôi là nhà bình phẩm khó tính nhất của chính bản thân. Tôi luôn cố gắng đẩy mình đến giới hạn của sự hoàn hảo để cho ra những sản phẩm ấn tượng nhất. Chẳng phải như vậy cũng là một dạng cực đoan rất “tích cực” hay sao?

2“Thời trang đối với tôi như một tôn giáo”

Nhiều người coi thời trang là một ngành công nghiệp, nhưng tôi thì khác. Lợi nhuận là cần thiết để một nhà thiết kế có thể tồn tại trong một thị trường mới mẻ như Việt Nam nhưng thời trang đối với tôi còn là nghệ thuật. Tôi rất yêu thích những nhà mốt đi theo phong cách ma mị, họ thường phá vỡ mọi cấu trúc và hình thái thông thường của áo quần: Maison Margiela, John Galliano, Viktor & Rolf, Hussein Chalayan… Tất cả họ đều không chấp nhận cái ngưỡng của sự bình thường và đang ngày một nâng thời trang đơn thuần lên thành một loại nghệ thuật. Chính vì vậy, ngay cả khi sự cực đoan của tôi tạo ra những thiết kế không thể bán được, tôi vẫn sẽ chọn làm như vậy. Bởi nếu trang phục của tôi chưa bán được, có nghĩa là tôi chưa đủ năng lực, chưa đủ kiến thức để khiến người ta hiểu được cái đẹp “cực đoan” ấy. Lằn ranh giữa quái dị và khác biệt thật sự rất mong manh, mỗi nhà thiết kế đều phải học hỏi không ngừng nghỉ để biến phần dị biệt của mình trở thành cái đẹp.

4Cảm hứng từ lịch sử Việt Nam

Cảm hứng thiết kế của tôi đến từ tất cả mọi thứ trong cuộc sống, nhưng đa phần đều mang yếu tố lịch sử. Giới trẻ hiện tại ít quan tâm đến lịch sử, đặc biệt là của chính quê hương mình. Tôi cảm thấy đây là một thiếu sót, đặc biệt với những người làm thời trang. Nếu bạn không hiểu về nguồn gốc những gì mình đang làm, sao có thể đặt nền tảng vững chắc và phát triển tư duy thiết kế? Bạn phải tự xác định được mình là ai, xuất thân từ đâu thì mới vạch ra được hướng đi đúng đắn và lâu dài, đúng không? Dễ thấy nhất là bộ sưu tập tốt nghiệp của Kha xuất hiện trong Harper’s Bazaar lần này, tất cả thiết kế đều xoay quanh nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị. Bà vô cùng nổi tiếng trên thế giới nhưng lại ít được người trẻ Việt biết đến. Tên bà từng được ghi danh trong từ điển Pháp Larousse: Nghệ thuật thế kỷ XX. Bà đã sáng tạo ra 7 module hình học cơ bản, bắt nguồn từ những mẫu gỗ thừa trong xưởng mỹ thuật. Nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat gọi là 7 mẫu tự, còn giáo sư Trần Văn Khê gọi là 7 nốt nhạc. Kha đã dùng 7 module này kết hợp với ý niệm của chính mình để lắp ghép, xây dựng và biến chuyển các mẫu thiết kế. Thế mạnh của Kha nằm ở cấu trúc trang phục bất đối xứng, nhiều lớp và các khối hình học. Sắp tới tôi có thể gắn bó với việc giảng dạy mảng kiến thức cơ bản về thời trang và trợ giảng những giảng viên, nhà thiết kế nước ngoài tại F.A.C.E – Fashion Workshop. Ngoài ra, Kha còn đang trong giai đoạn hình thành một capsule collection để chuẩn bị ra mắt thị trường trong tương lai gần, thử nghiệm với những kỹ thuật Draping và Cutting dựng rập, cùng xử lý chất liệu mới mẻ.

Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 1/2017

Xem thêm