The face: Alexandre Phạm – Hành trình khẳng định phong cách

Tốt nghiệp thạc sỹ Fashion Designer loại xuất sắc, Alexandre Phạm là một trong số ít những người trẻ Việt đang có những khởi đầu vững chắc tại kinh đô thời trang Paris

Khi tiếng nhạc disco trên sân khấu Vietnam International Fashion Week (VIFW) cất lên rộn rã, khán giả nhìn thấy sự kết hợp giữa nghệ thuật và  âm nhạc sống dậy mạnh mẽ qua màn biểu diễn đẹp mắt trên sàn catwalk. Tác giả của những thiết kế mang âm hưởng đầy màu sắc của những năm 1970 chính là chàng trai trẻ Alexandre Phạm. Nhà thiết kế trẻ tuổi cùng 2 người bạn học thuộc Học viện Thời trang Atelier Chardon Savard đã mang đến cái kết viên mãn cho giới mộ điệu thời trang Việt hôm ấy.

Thời trang không phải là lựa chọn đầu tiên của tôi

Khi mới đặt chân đến Pháp, ngành mà Alexandre chọn lúc ấy là xây dựng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, anh nhận ra thời trang mới thực sự là đam mê lớn nhất. Bỏ hết mọi thứ tại Toulouse ở sau lưng, Alexandre quyết định nộp đơn vào học viện thời trang Atelier Chardon Savard ở thủ đô Paris hoa lệ. “Đó mới chính là nơi tôi thuộc về”, chàng trai trẻ chia sẻ. “Sau khi năm học cuối kết thúc, tôi cùng hai người bạn được Hội đồng xét tuyển chuyên nghiệp của Paris chọn để trình diễn bộ sưu tập cá nhân tại VIFW 2016”.

Bộ sưu tập “Disco Vietnam” lấy cảm hứng từ chương trình truyền hình “Soul Train”, được sáng lập bởi MC kiêm giám đốc sản xuất Don Cornelius vào năm 1970. Hai người chơi – một nam và một nữ sẽ thách đấu trên sàn nhảy disco. Những đôi giày cao gót dành cho nam cùng bộ jumpsuit ống loe đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho Alexandre. “Tôi đã yêu màu sắc rực rỡ, vũ đạo điên cuồng của thời kỳ disco từ đó.”

Alexandre-Pham

Sự biến chuyển rõ rệt của thị trường thời trang trong nước

Bộ sưu tập của Alexandre được biểu diễn cuối cùng và cái kết bất ngờ đầy thú vị đã diễn ra không hề báo trước. Khi người mẫu đầu tiên bước ra sàn diễn, anh ta bắt đầu nhún nhảy theo điệu nhạc. Những người mẫu tiếp theo không ngần ngại phá vỡ hết mọi giới hạn cảm xúc của họ để bùng nổ. Nền nhạc disco thập niên 1970 cùng vũ điệu sôi động mà dàn người mẫu tạo nên đã được khán giả nhiệt liệt tán thưởng. “Ý nghĩa đằng sau bộ sưu tập của tôi đã được truyền tải vô cùng tự nhiên đến từng người trong khán phòng hôm ấy. Đó là điều mà một nhà thiết kế cảm thấy hạnh phúc nhất về công việc mình đang làm.” “Qua VIFW 2016, tôi có thể thấy rõ sự biến chuyển của ngành thời trang Việt.

Nhiều bộ sưu tập của các nhà thiết kế trong nước khiến tôi vô cùng bất ngờ về sự độc đáo và sáng tạo. Họ cũng giống như tôi, tuổi đời còn rất trẻ và cũng đang nỗ lực hết mình để khẳng định cái tôi cá nhân dù có bao khó khăn. Phong cách của họ được giải phóng, không còn bị gò bó theo bất cứ khuôn khổ nào. Với tôi, thời trang là đổi mới, là sáng tạo, là độc bản. Nhưng phải đến thế hệ này, công chúng mới bắt đầu biết cách chấp nhận khái niệm ấy. Đó là cuộc đối thoại thị giác giữa công chúng và nhà thiết kế, những người đang phấn đấu để thế giới biết đến thời trang Việt”, Alexandre bộc bạch.

Tôi không cho phép bản thân đứng yên một chỗ

Alexandre Phạm từng làm trợ lý cho các nhà thiết kế haute couture người Pháp như Julien Fournié hay Eric Charles-Donatien. Thời gian bên cạnh Eric Charles-Donatien cũng là lúc anh học được những bài học quý giá về thiết kế lông vũ. Ông chính là nhà thiết kế cho nhiều hãng danh tiếng như Chanel, Dior, Maison Margiela. Bên cạnh đó, Alexandre còn thử sức với vai trò blogger và may mắn nhận được vé mời tham dự những show diễn lớn của Kenzo, Issey Miyake, Dries Van Noten…

Cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp của Alexandre là khi làm việc tại phòng phát triển sản phẩm ready-to-wear của Louis Vuitton và studio made-tomeasure VIP Christian Louboutin. Tại hai nhà mốt này, anh đều đảm nhận vị trí trợ lý giám đốc. Thời trang ở Paris đã định hình được một phong cánh, sở hữu một chỗ đứng nhất định trên bản đồ thế giới. Paris là cái nôi của sự sáng tạo. Các nhà thiết kế có được sự cân bằng giữa giá trị truyền thống và tinh thần đổi mới qua từng mùa mốt trong hơn 150 năm qua. Đây cũng là nơi mà các buyer chuyên nghiệp cùng giới truyền thông trên toàn thế giới tụ hội. Nếu ở Milan, thời trang là sự sang trọng, hoàn hảo thì tại Luân Đôn, thời trang là sự sáng tạo đến điên cuồng. Còn tính thương mại trong thời trang thì không nơi nào vượt qua New York. “Nắm bắt được những đặc tính ấy, tôi cũng như những người làm thời trang Việt Nam cần mở rộng thế giới quan của mình hơn nữa mới có thể hội nhập”, nhà thiết kế trẻ chia sẻ.

Hiện tại, điểm cần được thay đổi ở thị trường thời trang Việt chính là tính toàn cầu. Thời trang là một ngôn ngữ phổ biến trên toàn thế giới. Khi nhìn vào một sản phẩm, người tiêu dùng có thể hiểu được thông điệp, cá tính va  những ý nghĩa sâu xa khác mà nhàthiết kế muốn truyền tải. Các thiết kế ra đời phải mang mục đích quốc tế hóa bởi đó là cách để đo lường sự thành công khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Alexandre hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục mời những nhà thiết kế quốc tế, đặc biệt ở châu Âu, đến giới thiệu các bộ sưu tập của họ tại nước mình. Bên cạnh đó, chúng ta cần khuyến khích các nhà báo và buyer đến tham dự các tuần lễ thời trang như Vietnam International Fashion Week để quảng bá và thúc đẩy sự phát triển cho ngành công nghiệp may mặc nước nhà. Chính họ là những nhân tố quan trọng làm nên thị trường thời trang đẳng cấp. Nói về tính cá nhân cũng như triết lý trong thiết kế, Alexandre Phạm cho biết: “Một bộ sưu tập cộp mác Alexandre Phạm sẽ phá vỡ những quy tắc thông thường, nhìn thời trang qua lăng kính của cá nhân tôi. Đó phải là những thiết kế đầy tính đa dạng, funky, vui vẻ, mang cảm hứng vintage. Chúng luôn giữ lại những cốt lõi thanh lịch và cổ điển nhưng không bao giờ “kẹt lại” trong ranh giới chung.”

Alexandre-Pham

Tôi là người Việt Nam

BAZAAR: Theo anh, yếu tố nào để có được thành công ở thị trường quốc tế?

Alexandre Phạm:Để thành công ở đất Pháp là một việc vô cùng khó khăn. Bạn cần có một nền tảng vững chắc – một nhà đầu tư để thành lập thương hiệu riêng. Nhà thiết kế không thể tự làm việc đó một mình. Đó là lý do tại sao tôi vẫn tìm cách tích lũy kinh nghiệm trên đất khách.

BAZAAR: So sánh với những tài năng trẻ trên thế giới thì người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng có những hạn chế nào?

Alexandre Phạm: Tuy khó khăn rất nhiều nhưng là một người châu Á không có nghĩa bạn sẽ bị lép vế. Tôi tự hào là người Việt Nam. Nếu bạn có tinh thần làm việc chuyên nghiệp, cách xử sự đúng mực và trên hết là năng lực, người khác sẽ không thể xem nhẹ. Đây cũng là quy luật dành cho tất cả chứ không chỉ riêng người châu Á.

“Thời gian tới, Alexandre sẽ giới thiệu một số bộ sưu tập tại các tuần lễ thời trang ở Việt Nam hoặc hợp tác cùng các thương hiệu Việt”

BAZAAR: Những dự tính trong tương lai của Alexandre là gì?

Alexandre Phạm: Trong tương lai, tôi nhất định sẽ quay về quê hương để tạo dựng sự nghiệp, góp phần tạo ra một môi trường thời trang mới mẻ hơn cho những người trẻ. Nhưng đó còn là một chặng đường dài phía trước. Ở Pháp, tôi rất thích câu nói của nhà viết kịch nổi tiếng Corneille: “Giá trị không nằm ở số lượng năm tháng”. Tôi sẽ tiếp tục học hỏi tại các fashion house nổi tiếng ở Paris và từ đó tiếp tục di chuyển sang các nước khác, viết tiếp hành trình tìm kiếm phong cách riêng của mình. Tôi nghĩ một nhà thiết kế là người làm cho khách hàng hạnh phúc khi mặc trang phục do mình thiết kế.

BAZAAR: Alexandre nghĩ thế nào về sự nổi tiếng?

Alexandre Phạm: Nổi tiếng? Tất nhiên là nếu được thì tốt quá nhưng trên hết, được sống với công việc sáng tạo mỗi ngày mới là điều quan trọng nhất.

Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 2/2017

Xem thêm