KARL LAGERFELD, “PHÙ THỦY” QUYỀN LỰC CỦA LÀNG THỜI TRANG

Suốt 35 năm qua, Karl Lagerfeld đã góp công rất lớn trong việc gây dựng lại nhà mốt Chanel, trong khi đó vẫn giữ vững tầm nhìn của nhà sáng lập. “Phù thủy” làng thời trang đã có cuộc trò chuyện với Justine Picardie về người mẹ hà khắc, quãng thời gian học việc tại nhà couture từ thập niên 1950. Ông còn lý giải vì sao ông ghét những chiếc váy cũ nhưng lại thích thú khi sống cùng những bóng ma.

Nhà thiết kế Karl Lagerfeld

Đã hai thập kỷ trôi qua kể từ lần đầu tiên tôi gặp nhà thiết kế Karl Lagerfeld. Thật chẳng dễ dàng gì nếu muốn gã phù thủy tóc bạc hé lộ về đời tư, cả quá khứ và những kế hoạch tương lai. “Tôi chẳng cảm thấy ăn năn, hay hối hận về bất cứ điều gì cả”, Karl tuyên bố. “Mỗi lần nhắc tới quá khứ là tôi lại bị đãng trí”. Trong một dịp khác, ông ấy còn nhấn mạnh: “Định nghĩa về bản thân là điều cuối cùng mà tôi muốn làm. Con người tôi ngày mai có thể hoàn toàn trái ngược với tôi hôm nay”.

Dù vậy, trong những lần gặp gỡ, với tôi, Karl dường như luôn là chính ông: dí dỏm, am hiểu, sắc bén và tử tế. Nếu Karl thực sự là người khó nắm bắt, hay như ông vẫn tỏ ra như thế, thì cách tốt nhất để hiểu về người đàn ông này chính là tự mình cảm nhận. Cuộc trò chuyện mới đây nhất giữa chúng tôi diễn ra tại studio của Karl trên đường Cambon. Hôm ấy là chiều thứ Sáu. Không như thường lệ, cả tòa nhà im ắng nhờ quãng nghỉ giữa hai show diễn quan trọng (show diễn Thu Đông 2018 và Cruise 2019).

Nhà thiết kế Karl Lagerfeld_6

Show diễn Chanel Thu Đông 2018/19

Vẫn với dáng vẻ đạo mạo đặc trưng, Karl xuất hiện trong chiếc áo trắng cổ đứng, quần jeans màu jet-black. Áo khoác đen được ông đặt may riêng. Bộ tóc trắng đã được phủ phấn cẩn thận. Nhờ chòm râu bạc, bộ “đồng phục” đơn sắc của Karl trở nên hài hòa hơn. Tôi hỏi: Mèo cưng Choupette của ông có thích không khi chủ nhân có bộ râu cùng màu với màu lông của nó. “Có!” Karl hào hứng. “Điều duy nhất Choupette không thích là khi tôi ngủ quay lưng lại. Cô nàng sẽ xù lông lên vì tức tối”.

Choupette và Karl san sẻ một chiếc giường phủ drap bằng linen trắng viền ren kiểu cổ. “Mỗi lần đói bụng, Choupette thức dậy đi vào nhà bếp. Nếu ở đó không có gì để ăn, cô ta sẽ vòng lại đánh thức tôi bằng cách nhảy lên người tôi. Thỉnh thoảng vào giữa đêm, cô ả lại chơi đùa bằng cách chạy lòng vòng quanh tôi và dùng những chiếc răng nhỏ xíu cắn tôi qua lớp chăn mùa hè bằng cashmere”.

Tôi đùa: “Rồi nhìn cả hai sẽ càng lúc càng giống nhau”. “Đúng rồi! Như một cặp vợ chồng già vậy đó!”, Karl cười, trong lúc mở iPhone ra cho tôi xem ảnh ông chụp Choupette. “Nàng ta rất tình cảm. Lại còn vui tính. Lúc tôi đọc báo, nàng sẽ đọc cùng. Nếu thức ăn lỡ rơi ra sàn, cô ta sẽ không đụng đến. Ả giống như con người vậy”.

Elisabeth, mẹ của Karl, luôn là người phụ nữ gợi cho tôi sự tò mò, nhất là khi Karl dường như luôn tránh nói về tuổi thơ của mình. Tuy vậy, có vẻ như hôm nay ông dễ chịu và cởi mở hơn mọi ngày. Elisabeth là vợ thứ hai của Otto Lagerfeld, một doanh nhân người Đức. Bà rõ ràng đã tạo rất nhiều ảnh hưởng lên đứa con trai độc nhất của mình.

Karl luôn nói về mẹ mình như là một người phụ nữ hoàn hảo, dù đôi khi những kỷ niệm về bà thoạt nhiên nghe có vẻ khá đáng sợ. Điển hình như việc gập nắp đàn piano lên ngón tay của Karl trong lúc luyện tập, hay bảo Karl đi học vẽ thay vì đánh đàn, “vì quá ồn”. Thậm chí, bà còn chê bai đôi tay thô, cái mũi to, hay mái tóc của Karl. Điều này lý giải tại sao ông luôn đeo găng tay hở ngón khi xuất hiện trước công chúng. Tuy vậy, Elisabeth đã giúp Karl tự tin hơn vào khả năng chăm sóc bản thân. Ông không hút thuốc, rượu chè hay sử dụng thuốc phiện. Những quy tắc nghiêm ngặt đối với chính mình đã giúp Karl tiến rất xa trong sự nghiệp.

Hậu trường show diễn Chanel Thu Đông 2018/19

Thời niên thiếu, Karl từng xin bố mẹ rời Đức để đến Paris học. Người ta bảo với mẹ ông rằng Karl sẽ sa ngã. Bà Elisabeth đáp, “Ai chứ con trai tôi thì không. Nó không phải loại người dễ lầm đường lạc lối”. Bà đã đúng.

Karl nhanh chóng tìm được công việc làm trợ lý ở nhà mốt haute couture Balmain. Ông tiếp tục giành giải thưởng thời trang được tài trợ bởi International Wool Secretariat vào năm 1954 cho một thiết kế áo khoác. Saint Laurent cũng giành được giải thưởng cùng năm đó. Cả hai trở thành bạn vì có cùng xuất phát điểm trong sự nghiệp.

Mô tả về Pierre Balmain, Karl bảo: “Ông ấy phức tạp, hợm hĩnh và chẳng tử tế chút nào, nhưng tôi rất thích xem ông ta làm việc”. Trong thời gian học việc tại đây, Karl rèn dũa cho mình khả năng vẽ minh họa. “Tại Balmain, chúng tôi không có máy photocopy, nên tôi phải vẽ lại hết tất cả các thiết kế. Mỗi người phải làm việc tới hai giờ sáng trong suốt ba tuần liền kể từ ngày bộ sưu tập ra mắt. Những bản vẽ sau đó sẽ được gửi đến các khách hàng. Anh chỉ cần nhìn là thấy được hết mọi chi tiết kỹ thuật trong bản vẽ của tôi”.

bức vẽ minh họa - Nhà thiết kế Karl Lagerfeld

Coco Chanel: “Ông tính gây tội tình gì nhân danh tôi nữa đây?”

Chính những bức vẽ minh họa đó trở thành nền tảng phát triển cho Fendi, Chanel và thương hiệu cùng tên của Karl cho tới ngày nay. Những bản phác thảo không chỉ minh chứng cho chuyên môn thực tiễn của Karl, mà còn sở hữu tính tượng hình. “Tôi không thích những chiếc đầm cũ”, Karl bảo. “Đồ vintage là thứ rầu rĩ nhất trên đời”.

Mặc dù vậy, lão phù thủy tóc bạc vẫn tiếp tục công cuộc giải mã những giá trị cốt lõi của các nhà couture trong quá khứ – một trong số đó chính là Gabrielle Chanel. Nhà thiết kế huyền thoại mất vào năm 1971. Nhà thiết kế Karl Lagerfeld đảm nhiệm vai trò Giám đốc Sáng tạo cho thương hiệu từ năm 1983. Nhiệm vụ của Karl là mang lại hơi thở và sức sống mới cho những thiết kế biểu tượng của Chanel. Đó là the little black dress, áo khoác tweed và ngọc trai.

Nhờ làm được điều đó, Karl đã vực dậy thương hiệu được xem là danh giá nhất của làng thời trang. Tháng Sáu năm 2017, hãng công bố tình hình tài chính. Theo đó, tổng doanh thu Chanel đạt được gần 10 tỷ đô-la Mỹ (tăng 11% so với năm 2016, bỏ xa các đối thủ khác trong ngành).

Hậu trường show diễn Chanel Thu Đông 2018/19

Hậu trường show diễn Chanel Thu Đông 2018/19

Nhìn bề ngoài, có vẻ như chuyên môn thời trang và thành công của Karl ở Chanel không tốn quá nhiều công sức. Trong thực tế, gã phù thủy quyền lực này đã trải qua quá trình học tập và rèn luyện khá dài và xuyên suốt. Karl làm việc ở Balmain ba năm. Sau đó, ông chuyển sang nhà couture danh tiếng Jean Patou. “Suốt năm năm làm việc cho Patou, tôi đã học rất nhiều về kỹ thuật may. Những thợ may từ thập niên 1920 vẫn còn làm việc ở đó. Họ là người đã dạy tôi mọi thứ…” Rời Patou, Karl bắt đầu làm việc tự do cho các nhà mốt khác, điển hình là Chloé. Đến năm 1965, ông bắt tay hợp tác với Fendi cho đến tận ngày nay.

Ngành công nghiệp thời trang là thế giới khắc nghiệt. Nhiều nhà thiết kế đã phải từ bỏ giấc mơ của mình. Dù vậy, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất không chỉ là sự bền bỉ của Karl. Đó còn là sự đam mê đi cùng trực giác nhạy bén đối với ngành thời trang xa xỉ của ông ấy. Tất cả những tố chất này vượt xa khỏi ngưỡng đo chuyên nghiệp, bởi Karl không bao giờ để cuộc sống cá nhân và công việc bị lẫn lộn.

Thực tế, sau nhiều năm trôi qua, công việc đã trở thành trọng tâm trong cuộc sống của Karl. Ngoài mèo cưng Choupette, ông chỉ dành tình yêu của mình cho thiết kế, phác thảo, thói quen đọc và những giấc mơ. Sự kết hợp của tình yêu này góp phần tạo nên những bộ sưu tập khiến cả thế giới ngưỡng mộ.

“Hồi bé, có thầy bói nói với tôi rằng cuộc đời tôi là một câu chuyện kỳ lạ. Khi người khác dừng lại là lúc tôi mới thực sự bắt đầu”. Vậy nhưng, gần như ngay lập tức, giọng nói mỉa mai của mẹ Karl lại văng vẳng bên tai. “Giờ có thời gian ngẫm lại tôi mới thấy rằng với bà, tôi chẳng bao giờ đủ tốt, và rằng tôi quá lười nhác. Nhưng trên thực tế, tôi yêu công việc của mình. Đừng quên là tôi luôn cố gắng hết sức ở Chanel, và ở LVMH (đơn vị chủ quản của Fendi). Công việc của tôi không có những cuộc họp triền miên. Không ai bảo tôi phải làm gì. Tôi chỉ giải thích cho mọi người hiểu những gì tôi muốn”.

Hậu trường show diễn Chanel Thu Đông 2018/19

Mối quan hệ giữa Karl và Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của LVMH, rất tốt. Họ luôn tôn trọng lẫn nhau. Karl mô tả về nhà Wertheimer, chủ sở hữu thương hiệu Chanel, “giống như một gia đình”. Ở nơi làm việc, các đồng nghiệp của Karl cũng có mối quan hệ khăng khít: Virginie Viard (giám đốc thời trang tại studio của Chanel), người đã sát cánh bên Karl ba mươi năm qua; Amanda Harlech, người đảm nhiệm vị trí cố vấn sáng tạo cho Karl từ năm 1996; trợ lý Sebastien Jondeau, người luôn theo sát Karl suốt hai thập kỷ; và còn nhiều gương mặt khác. Tất cả đều là những con người hết mực tận tụy và trung thành.

Ngoài công việc, Karl cũng rất thích tận hưởng khoảng không riêng tư với kho sách đồ sộ của mình. Trong đó có cả những tập thơ của Emily Dickinson, những mẩu văn xuôi của Colette và các tác phẩm mới. “Hôm trước tôi tìm thấy một tập thơ của Rilke, do Paul Valéry dịch. Thường thì tôi không thích bản dịch, nhưng tập thơ này không tệ chút nào”. Tôi gợi ý, “Chỉ có nhà thơ mới giải nghĩa được nhà thơ khác”. Karl tán thành, “Đúng vậy! Nhất là thiên tài như Rilke”.

Có vẻ như đây chính là cách để hiểu đúng công việc của Karl ở cương vị nhà thiết kế. Ông thành thạo ngôn ngữ của Chanel đến mức có thể viết nên những áng thơ riêng chứ không đơn thuần là một bản dịch. Nhiệm kỳ của Karl ở Chanel thực tế dài hơn Coco Chanel. Karl đã dành ba mươi lăm năm qua để giải mã những di sản của nhà thiết kế huyền thoại. Trong khi đó, sự nghiệp của Coco bị gián đoạn bởi Nhị Thế chiến. Bà khởi nghiệp từ năm 1910 nhưng đến năm 1939 phải đóng cửa nhà couture. Mãi sau đó, nhà couture mới mở cửa lại vào năm 1954.

Hậu trường show diễn Chanel Thu Đông 2018/19 Hậu trường show diễn Chanel Thu Đông 2018/19 Hậu trường show diễn Chanel Thu Đông 2018/19

Là người Đức nên tôi không gặp trở ngại gì với người Đức trong suốt giai đoạn chiến tranh”, Karl bộc bạch, “Tôi nhớ chiến tranh kết thúc như thế nào, nhưng tôi không phải chịu nhiều tàn tích bởi tôi sống gần biên giới với Đan Mạch”. Mẹ Karl, bà Elisabeth, là một người có lối suy nghĩ khá thoáng. Bà đã giới thiệu cho Karl công việc ở chỗ của Hedwig Dohm, một nhà văn và nhà trí thức người Đức gốc Do Thái.

Đây là lần đầu tiên tôi có khái niệm rõ hơn về tuổi thơ của Karl ở Đức. Ông vẫn thường tránh né chủ đề này. Tôi chia sẻ với Karl rằng tôi rất ngưỡng mộ bộ sưu tập Chanel Métiers d’Art ParisHamburg hồi tháng 12 năm ngoái. Show diễn được tổ chức ở quê hương Hamburg của ông. Nhà hát giao hưởng Elbphiharmonie, nơi diễn ra show diễn, là tác phẩm kiến trúc đồ sộ của Herzog & de Meuron.

“Một số người cho rằng bộ sưu tập này là để tưởng nhớ mẹ tôi. Nhưng bà ấy lại không thích Hamburg. Bà và chị của bà đều kết hôn khá sớm. Sau đó họ ly hôn và tái giá với người lớn tuổi hơn. Cha tôi lớn hơn bà đến 16 tuổi trong khi dượng tôi hơn dì tôi đến 30 tuổi. Dượng tôi, cũng là cha đỡ đầu của tôi, là người tuyệt nhất thế giới. Tôi thường đến thăm dì dượng vào những kỳ nghỉ. Có một lần vào năm 10 tuổi, tôi cùng dượng tôi đi dạo. Ra đến đường Freiligrath, tôi hỏi ông “Freiligrath là ai vậy?”. Không nói không rằng, ông đánh tôi một cái rõ đau rồi im lặng suốt đoạn đường về. Lúc mở cửa vào nhà, thấy mẹ tôi đứng gần đó, ông nói với bà, “Elisabeth, thằng con cô cũng ngốc nghếch như cô vậy”. Mà anh biết Freiligrath là ai không? Ông ấy là nhà thơ vĩ đại nhất của cách mạng Đức năm 1848”.

Tôi không giấu được sự ngạc nhiên tột độ và hỏi rằng có khắt khe quá không khi một đứa trẻ lên 10 không biết điều đó. Karl nhún vai: “Dượng tôi sống đến tận 104 tuổi. Anh trai ông ấy sống đến tận 106. Chị ông thì 103 còn mẹ ông là 102. Bọn họ đều sinh ra vào giai đoạn 1850. Dượng tôi sinh năm 1868 và mất hồi 1972 và chẳng bao giờ bị bệnh. Không sai đi đâu được”.

Không cần phải nói, Karl dường như rất quyết tâm trong việc sống thọ hơn họ. “Mẹ anh có còn giám sát anh nữa không?”, tôi thắc mắc. “Chắc còn”, Karl đáp, “Nhưng đó không hẳn là chuyện xấu. Có thể bà sẽ nói với tôi theo kiểu: ‘Nhìn mày giống mẹ đấy, nhưng xấu hơn nhiều’.”.

Nhà thiết kế Karl Lagerfeld

“Mẹ anh có thấy mình đẹp không?”, tôi tò mò. “Có chứ, bà luôn nghĩ rằng bà thật hoàn hảo. Bà còn xúi tôi đi sửa mũi vì cho rằng nó quá xấu. Mắt bà màu xanh navy còn tóc thì đen như mực, nên trông bà cứ như dân gypsy. Tóc chị bà có màu vàng, tóc chị tôi cũng cỡ cỡ đó. Còn chị cùng cha khác mẹ của tôi (từ cuộc hôn nhân trước của cha Karl) thì tôi không nhớ. Họ đều lớn tuổi hơn tôi khá nhiều nên tôi không lớn lên cùng họ. Chị kế của tôi kết hôn tới năm lần. Ông chồng đầu tiên của chị tốt lắm, còn những người sau đó thì tôi chẳng nhớ được”.

Karl kể rằng người vợ đầu của cha ông mất sớm. Bà mất trong khi sinh nở. Cha ông sống đến gần 90 tuổi. “Ông ấy chẳng bao giờ bệnh. Ông mất trong khi đang đọc báo”. Nói đoạn, Karl dừng lại, trầm ngâm một hồi. “Tôi thích những bóng ma. Hồi tôi còn ở Rue de l’Université, có nhà kia có hồn ma của một người phụ nữ qua đời khi chạy trốn khỏi cuộc cách mạng Pháp. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bà ấy, nhưng lúc mẹ tôi ghé thăm thì bà có thấy. Còn một bóng ma khác cũng thú vị lắm. Ông ấy ngồi trên thành cửa sổ với một thằng bé. Ông ta có tới 23 đứa con và thỉnh thoảng còn đội tóc giả. Chất quá chừng!”.

Giờ đây không biết Karl có sống cùng với bóng ma nào khác không. Chỉ biết rằng: “Tôi đang rất hạnh phúc. Tôi sống cùng Choupette ở Quai Voltaire…”. Ông tiếp, “Trong sân có một nhà xưởng, nơi Ingres đã vẽ bức chân dung nổi tiếng cho Madame Moitessier”. Karl mở cho tôi xem bức ảnh chụp lại tác phẩm mà Ingres đã hoàn thành vào năm 1856. Ông kể Picasso rất ngưỡng mộ Ingres, đặc biệt là tác phẩm Madame Moitessier mà Ingres vẽ.

Giống Coco Chanel, Karl chẳng bao giờ so sánh thời trang với nghệ thuật. Ông tin rằng thời trang là thứ phù du, kể cả khi nó trở thành phong cách bất biến thì cũng chẳng nên trưng trong viện bảo tàng. Dù vậy, tôi lại nghĩ rằng ông ấy đang sống giữa quãng giao thoa của thời trang và nghệ thuật. Nơi hai thế giới phản chiếu lẫn nhau. Chẳng nghi ngờ gì, Karl sẽ phớt lờ những quy chuẩn chung của thế gian và vạch ra đường lối cho ngành thời trang bằng sự hiểu biết tường tận của mình về nghệ thuật như ông vẫn làm.

Chúng tôi nói chuyện gần hai giờ đồng hồ thì trợ lý Sebastien đến đón Karl về Quai Voltaire. Cô nàng Choupette chắc đang chờ ở nhà. Như mọi lần, Karl làm tôi có cảm tưởng như ông vẫn muốn tiếp tục nói chuyện. “Hẹn lần sau nhé”, Karl chào tạm biệt tôi bằng hai cái hôn gió lên má.

“Tôi sẽ chờ tới lúc đó”, tôi bảo. Quả thực là vậy. Dù vẫy tay chào, trong đầu tôi đã kịp vẽ nên viễn cảnh của cuộc trò chuyện tiếp theo của mình với gã phù thủy quyền lực của làng thời trang. Người chỉ huy phong cách – chỉ có một nhà thiết kế Karl Lagefeld mà thôi.

BÀI: JUSTINE PICARDIE. CHUYỂN NGỮ: YENNIE TRẦN. ẢNH: TƯ LIỆU.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm