Madeleine Vionnet: Nữ hoàng cắt vải xéo

"Nữ hoàng cắt vải xéo" hay "vị kiến trúc sư giữa những thợ may" là biệt danh mà mọi người đặt cho Madeleine Vionnet. Nhà thiết kế người Pháp này tin rằng khi nào người phụ nữ cười, trang phục của họ cũng sẽ cười

Trong những năm 1920, Madeleine Vionnet đã gây tiếng vang khi giới thiệu kỹ thuật cắt vải xéo làm cho bộ trang phục ôm khít, vừa vặn với cơ thể người mặc. Bằng kỹ thuật cắt may do mình sáng chế, bà đã tạo ra những trang phục có thể khoe được các đường cong quyến rũ của người phụ nữ. Trang phục của bà luôn đáp ứng đủ các yếu tố sang trọng, gợi tình, đơn giản và hiện đại. Bà nói: “Thật là đáng tiếc nếu đi ngược lại vẻ đẹp tự nhiên”.

Chính các thiết kế của bà đã góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng trang phục nữ giới lúc bấy giờ và đưa tên tuổi của bà lên top đầu trong ngành thiết kế thời trang. Christian Dior cũng nhận xét về bà: “Không ai có thể truyền tải nghệ thuật lên trang phục như Vionnet”. Phong cách thời trang của bà cũng truyền cảm hứng lại cho nhiều nhà thiết kế như John Galliano, Comme des Garçons và Issey Miyake.

Chất liệu

damchiffon_Vionnet_goo

Đầm chất liệu ren, chiffon của Madeleine Vionnet

Vionnet từng nói: “Với tôi, sáng kiến thiết kế chính là ở trong đầu. Tôi hình dung nó trong giấc mơ. Cuối cùng, tôi tìm kiếm và thực hiện bằng đôi tay của mình”.
Bà thường lên ý tưởng trên con búp bê mini trước khi may mẫu thật bằng vải lụa, chiffon, lụa Ma Rốc… Bà cũng thường sử dụng các chất liệu hiếm thấy trong những năm 1920, 1930 như satin, lụa Trung Hoa (crêpe de chine), gabardine cho các thiết kế của mình. Vionnet luôn đặt vải nhiều hơn số lượng cần thiết hai thước để dành cho những phần xếp nếp hay các ý tưởng thiết kế đặc biệt nào đó.

Trang phục

Isadona-Duncan

Nghệ sĩ nhảy chân trần Isadora Duncan

Các thiết kế của bà được truyền cảm hứng từ nghệ sỹ nhảy chân trần Isadora Duncan. Giống như Duncan, Madeleine Vionnet rất thích các tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp cổ nên trang phục của bà thường có dạng bay tự do quanh cơ thể hơn là những kiểu dáng cứng cáp, mạnh mẽ. Bà sử dụng nghệ thuật cắt vải xéo để thể hiện cảm xúc, sự thống nhất, thoải mái qua những chiếc đầm handkerchief, áo cổ đổ hay mẫu đầm halter.
Trong những năm 1920, bà cũng lấy ý tưởng từ bộ trang phục kimono truyền thống của Nhật Bản để cho ra các thiết mang phom dáng hình học. Vionnet thống trị dòng thời trang cao cấp những năm 1930 khi một loạt đầm gợi tình do bà thiết kế được các minh tinh như Marlene Dietrich, Katharine Hepburn, Greta Garbo yêu thích.

Bài: Junhie – Ảnh: Tư liệu

Xem thêm